Họa sĩ Văn Dương Thành: Người kết nối văn hóa Đông – Tây

Hồ Thủy Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nghệ thuật có giá trị vượt qua mọi ranh giới, sự khác biệt, giúp con người đến từ mọi quốc gia có thể kết nối và hiểu nhau hơn.

Chính vì lẽ đó, từ nhiều năm nay, với niềm say mê hội họa và tình yêu quê hương, nữ họa sĩ Văn Dương Thành đã trở thành “người kết nối văn hóa”, mang vẻ đẹp quê hương Việt chia sẻ với bạn bè quốc tế…
Người kết nối văn hóa
Đã từ lâu, căn biệt thự “Hoa sen trắng” (White Lotus) trên đường Nghi Tàm, Hà Nội của nữ họa sĩ Văn Dương Thành – một bảo tàng tranh thu nhỏ, đã trở thành địa chỉ văn hóa. Đây không chỉ là nơi thưởng tranh, chiêm ngưỡng vẻ đẹp hội họa, mà còn là nơi để các văn nghệ sĩ, bạn bè quốc tế giao lưu và học hỏi. Chúng tôi may mắn có nhiều dịp tham gia vào các buổi tiếp khách nước ngoài thân mật tại nhà riêng của nữ họa sĩ. Đó là các Đại sứ của nhiều nước tại Hà Nội, các chính khách, các họa sĩ, các nghệ sĩ, các nhà văn hóa và các doanh nhân nước ngoài làm việc tại Hà Nội hoặc mới sang thăm Việt Nam.
Sinh ra tại tỉnh Phú Yên, nhưng họa sĩ Văn Dương Thành lớn lên và học tập tại Hà Nội. Có thể vì thế mà dù sống ở nước ngoài lâu năm, nhưng nữ họa sĩ vẫn mang đậm chất Hà Nội trong tâm hồn. Con người họa sĩ Văn Dương Thành là sự kết hợp hài hòa giữa hai nền văn hóa Đông - Tây, với tà áo dài duyên dáng cùng mái tóc dài đen nhánh thả ngang lưng, vốn tiếng Anh phong phú, phong cách tự tin, lịch thiệp, chu đáo. Bởi thế, nữ họa sĩ luôn được bạn bè trong và ngoài nước yêu mến.

Tác phẩm “Afternoon on Hang Voi street” (Tạm dịch: Chiều trên phố Hàng Vôi) của họa sĩ Văn Dương Thành (bên trái).

Sự kết hợp văn hóa đó còn được thể hiện nhuần nhuyễn trong các tác phẩm nghệ thuật của nữ họa sĩ. Ngắm tranh của bà vừa thấy Việt Nam, vừa thấy thế giới. Chính vì thế mà ngôn ngữ hội họa của người phụ nữ Việt ấy đã thuyết phục sự khó tính của những người thưởng thức nghệ thuật đỉnh cao của châu Âu và thế giới. Tranh của họa sĩ Văn Dương Thành cuốn hút người xem bởi sắc màu tươi sáng, mãnh liệt, chở nặng cảm xúc trong các đề tài thiên nhiên, phụ nữ, trẻ em và di tích kiến trúc cổ… Qua tác phẩm, nữ họa sĩ thể hiện được chiều sâu tâm hồn, làm rung động trái tim người thưởng thức. Ngôn ngữ nghệ thuật của bà đem lại cảm giác vừa chỉn chu, cẩn trọng, nhưng cũng rất phóng khoáng. Trong tranh của nữ họa sĩ, người ta thấy sự giao hòa giữa nét đẹp truyền thống Việt Nam với kỹ thuật thể hiện của phương Tây. Vì thế, dù là tranh trừu tượng, ẩn sâu trong những yếu tố mỹ thuật hiện đại, người thưởng tranh vẫn thấy hình ảnh của Việt Nam vô cùng bình dị, thân thuộc.
 Qua những tác phẩm của mình, họa sĩ Văn Dương Thành đã xây dựng cầu nối văn hóa, nghệ thuật Việt Nam với các nước. Chỉ riêng trong năm 2017, những sáng tác của bà đã được trưng bày trong triển lãm kỷ niệm Quốc khánh Việt Nam do các Đại sứ quán Việt Nam tổ chức ở Rumani, Trung Quốc, Môn-đô-va. Nhờ vậy, khách quốc tế có dịp được ngắm phong cảnh thiên nhiên, tiếp xúc với văn hóa truyền thống Việt. Các cuộc triển lãm như vậy được nước bạn nhiệt tình đón nhận và ủng hộ.
Đặc biệt, họa sĩ Văn Dương Thành là một trong những gương mặt văn hóa tiêu biểu của Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh APEC. Để góp phần nhỏ bé của mình vào thành công của hội nghị, họa sĩ đã tặng bản quyền 50 tác phẩm của mình cho Bộ Ngoại giao để in lịch tặng các Đại sứ Việt Nam ở nhiều nước và các đại biểu tham dự APEC. Đó là các tác phẩm về đề tài kiến trúc cổ Hà Nội và thiên nhiên làng quê Việt.
Chính vì những đóng góp vào hoạt động ý nghĩa của đất nước, vừa qua, họa sĩ Văn Dương Thành đã được Ban tổ chức Hội nghị và diễn đàn kết nối cộng đồng DN tôn vinh là Nhà hoạt động xã hội tiêu biểu năm 2017 tại APEC. Là nghệ sĩ duy nhất được tôn vinh trong sự kiện này, nữ họa sĩ xúc động cho biết: “Đối với đời người nghệ sĩ, được đem công sức của mình ra đóng góp và được xã hội công nhận, đó là điều hạnh phúc nhất”.
Hết lòng để truyền nghề
Họa sĩ Văn Dương Thành có nhiều năm sinh sống tại Thụy Điển. Biết bà là một họa sĩ chuyên nghiệp, năm 1988, người Thụy Điển đã mời bà tham gia giảng dạy mỹ thuật cho nhiều đối tượng, trong đó có giáo viên mỹ thuật. Điều khiến người Thụy Điển “chịu” để bà dạy là vì kiến thức mỹ thuật phương Đông về sơn mài mới mẻ với họ, mà bà là chuyên gia trong lĩnh vực này. Ngoài ra, bà còn rất giỏi về kỹ thuật sơn dầu, xuất xứ từ các nước phương Tây, vốn là sở trường của họ. Chính vì thế, bà là nữ họa sĩ châu Á đầu tiên trực tiếp giảng dạy mỹ thuật bằng tiếng Thụy Điển. Mang tất cả những gì liên quan đến Việt Nam sang xứ người, họa sĩ Văn Dương Thành sáng tác rất nhiều đề tài, nhưng đề tài liên quan đến quê hương vẫn mang một cảm xúc rất đặc biệt. Có thể vì lẽ đó mà tranh của bà ngày càng được yêu mến, không chỉ ở Thụy Điển mà còn tại nhiều quốc gia khác.
Những tưởng nữ họa sĩ sẽ mãi gắn bó với Thụy Điển, nhưng quá nặng lòng với quê hương, bà lại trở về Việt Nam để tiếp tục sáng tác và giảng dạy. Nhiều năm qua, bà đã dành nhiều thời gian để “gieo” thêm những hạt giống hội họa với mong muốn có thể tạo nhiều cơ hội giúp đỡ trẻ em Việt yêu hội họa.
Là họa sĩ nổi tiếng với rất nhiều triển lãm và giải thưởng trong và ngoài nước, nhưng ý nghĩa nhất với họa sỹ Văn Dương Thành là công việc thiện nguyện. Suốt 10 năm qua, cống hiến hơn 1.500 tác phẩm hội họa, nữ họa sĩ đã kết nối hữu nghị ngoại giao và văn hóa giữa Việt Nam và với các nước, xây nhà cho người nghèo ở Hải Dương, gây quỹ cho trẻ em nghèo, thiệt thòi. Ngoài ra, bà còn sáng tác nhiều tác phẩm để AmCham Hà Nội (Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội) gây quỹ học bổng cho sinh viên tài năng Việt Nam, tổ chức các chương trình đưa hội họa vào cuộc sống, giảng dạy cho các trung tâm trẻ thiệt thòi, làng trẻ em SOS…
Dù công việc bận rộn, nhưng nữ họa sĩ vẫn sắp xếp các chuyến đi để dạy vẽ miễn phí cho trẻ bị thiệt thòi trên khắp đất nước. “Với người làm nghệ thuật, mình rất tránh hô hào, phô trương. Khi mình đem hết khả năng chuyên môn cùng tấm lòng để lan tỏa tình yêu nghệ thuật đến với các em, mình cảm thấy vô cùng hạnh phúc và thấy cuộc sống có ý nghĩa. Bởi mình đã không chỉ đem chuyên môn đến với các viện bảo tàng mà còn đem được kiến thức đến những ngõ ngách, miền quê xa xôi của Tổ quốc” - nữ họa sĩ chia sẻ.
Chúng tôi xin thay lời kết bài viết về nữ họa sĩ tài hoa ấy bằng thư cảm ơn của Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama về bức tranh "Phố cổ Hà Nội" mà bà đã gửi tặng ông nhân dịp ông sang thăm Việt Nam hồi tháng 6 năm 2016. Trong đó, ông Obama viết: “Cảm ơn bức tranh rất đẹp của họa sĩ. Phu nhân Michelle và tôi vô cùng cảm động trước tấm lòng của bà. Mặc dù chúng ta đều đến từ những cộng đồng khác nhau, nhưng tôi tin tưởng rằng các cá nhân và các quốc gia sẽ trở nên mạnh mẽ hơn khi chúng ta cùng nhau làm việc. Bằng việc kết nối những giá trị văn hóa và tinh thần, tình đoàn kết giữa các dân tộc, chúng ta có thể hướng tới một thế giới hòa bình và thịnh vượng”.
Tác phẩm của họa sĩ Văn Dương Thành đã được giải thưởng và triển lãm tại Viện Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia lần đầu tiên khi bà mới 20 tuổi. Kể từ đó đến nay, với 1.700 bức tranh, bà đã có 75 cuộc triển lãm nghệ thuật cá nhân không chỉ ở Việt Nam, Thụy Điển, mà còn ở các quốc gia khác như Thái Lan, Singapore, Hongkong, Trung Hoa, Tây Ban Nha, Rumani và Ba Lan,…
 Họa sĩ Văn Dương Thành đã được trao tặng nhiều giải thưởng cao như “Chương trình Nghệ thuật Kiệt xuất quốc tế” của CFMI, Hoa Kỳ - Pháp vào các năm 1995 và 1997, và “Vinh danh Đất Việt” năm 2007 tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần