Hoài Đức giảm gánh nặng ô nhiễm từ nước thải làng nghề

Trần Thụ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nước thải từ các làng nghề chế biến nông sản tại 3 xã (Dương Liễu, Cát Quế và Minh Khai, huyện Hòa Đức) lâu nay là nỗi ám ảnh với người dân phía hạ nguồn Kênh T2.

Sau khi Nhà máy xử lý nước thải Cầu Ngà đi vào hoạt động; chính quyền và Nhân dân địa phương như vừa… trút được gánh nặng!
Ám ảnh một thời
Cát Quế, Dương Liễu và Minh Khai là 3 xã có nghề chế biến nông sản, tuy nhiên do chưa có hệ thống xử lý nước thải nên toàn bộ lượng nước thải từ các hộ sản xuất chế biến nông sản đều xả trực tiếp ra kênh T2. Sau một vài ngày, nước thải có lẫn tinh bột (sắn, dong riềng...) bắt đầu phân hủy và gây ô nhiễm trầm trọng. Vì vậy, đoạn kênh dài (khoảng 4km) chảy qua địa bàn xã Sơn Đồng là nơi hứng chịu nước thải đầu tiên nên đã trở thành dòng kênh chết, những xã ở hạ nguồn cũng… lãnh đủ ô nhiễm từ con kênh này! Vào mùa mưa, nước thải được lưu thông thường xuyên nên đỡ mùi.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà kiểm tra công trình Nhà máy xử lý nước thải Cầu Ngà. Ảnh: Trần Thụ

Nhưng những ngày nắng hoặc về mùa khô, mặt kênh bị bao bọc bởi từng mảng váng lẫn rác dày, mùi hôi thối vảng vất vào tận các ngõ ngách trong làng, nhất là về ban đêm và buổi sáng sớm.
Chủ tịch UBND xã Cát Quế  Phí Đình An cho biết: Hiện, xã có khoảng 70 hộ sản xuất tinh bột dong, 300 hộ chế biến tinh bột sắn, 80 hộ sản xuất miến dong và 200 hộ sản xuất bánh kẹo, nước giải khát… Là làng nghề chế biến nông sản, nhưng mỗi năm chỉ tập trung sản xuất 4 tháng (1 tháng đầu năm và 3 tháng cuối năm). Nhưng ở tháng cao điểm có  ngày các xưởng chế biến "ngốn" tới hơn 2.000 tấn (dong, sắn) xả ra khoảng 13.000m3 nước thải và 300 tấn bã. Tất cả đều được đổ thẳng ra hệ thống cống rảnh trong xã và điểm cuối là... Kênh T2. Cạnh Cát Quế, 2 xã Dương Liễu, Minh Khai là 2 địa phương có nghề chế biến nông sản và cũng… góp phần làm ô nhiễm Kênh T2.
Hy vọng vào tương lai
Ngày 8/10 vừa qua, Nhà máy xử lý nước thải Cầu Ngà đã hoàn thành và đi vào vận hành thử nghiệm. Nhà máy có công suất thiết kế 20.000m3/ngày, đêm, sử dụng công nghệ xử lý sinh học khép kín, với các dây chuyền thiết bị tự động hóa. Nhà máy sẽ thu gom và xử lý nước thải khu vực làng nghề ở 3 xã nói trên, giảm tải trọng chất ô nhiễm ở vùng hạ lưu, mở ra cơ hội cải tạo nguồn nước thải đã "song hành" cùng với các làng nghề hàng chục năm nay. Theo ông Phí Đình An, hiện nước và chất thải làng nghề vẫn theo hệ thống tiêu thoát cũ chảy về hồ điều hòa của nhà máy. Nhưng mới đây, phía Công ty Phúc Điền (chủ đầu tư Nhà máy xử lý nước thải Cầu Ngà) đã đặt vấn đề thu gom chất thải ngay tại cơ sở sản xuất, khi đó nguồn ô nhiễm sẽ giảm đi đáng kể.
Chánh Văn phòng UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Xuân Lý cho biết: Hiện tại, Nhà máy xử lý nước thải Cầu Ngà đang trong giai đoạn chạy thử; nhưng chất lượng nước thải (qua kiểm nghiệm) đã đạt quy chuẩn xả ra môi trường. Với công suất 20.000m3/ngày, đêm, hy vọng sẽ xử lý căn bản lượng nước thải tại các làng nghề. Vì đang trong giai đoạn chạy thử nên đến nay, việc thu phí với các cơ sở sản xuất cũng chưa đề cập đến và phải chờ ý kiến của HĐND TP. Sắp tới, huyện sẽ hoàn thiện hệ thống thu gom (với các cơ sở sản xuất phía trong đê). Còn với các cơ sở ngoài đê, sẽ hoàn thiện dần; khi toàn bộ hệ thống thu gom được hoàn thiện, chắc chắn môi trường làng nghề ở các xã nói trên sẽ được cải thiện - ông Nguyễn Xuân Lý nói.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần