Căn nhà của nghệ nhân Vũ Văn Sinh nằm ở cuối xóm Hạnh Phúc (thôn Đàn Viên, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai). Ở vùng này, không ai còn xa lại với cái tên Vũ Văn Sinh, bởi ông chính là tác giả của chiếc đèn kéo quân lớn nhất Việt Nam vào năm 2006, đã được khắp cả nước biết đến. Vậy nhưng tư gia của ông rất giản dị, mộc mạc và dường như phảng phất nỗi tiếc nuối chiếc đèn truyền thống, nhất là mỗi độ Rằm tháng Tám cận kề.
Cũng phải nói rằng, ở xã Cao Viên này có lẽ chỉ còn duy nhất gia đình ông Sinh chung thủy với nghề làm đèn kéo quân. Thôn Đàn Viên từng một thời nổi tiếng với nghề làm pháo bông, đèn kéo quân, nhưng nay người dân đành chuyển sang buôn bán và làm nghề may để kiếm sống. Thế nên có người còn bảo ông Sinh “hâm”, bởi giờ đồ chơi ngoại tràn ngập khắp phố, đèn kéo quân lấy đâu ra “đất sống” nữa mà làm phí công tốn sức. Nhưng cứ nhìn những chiếc đèn kéo quân trong nhà nghệ nhân này mới thấy hết giá trị và nỗi niềm của người làm nghề. Toàn nan tre, nứa, mây, giấy bóng kính…, nên những chiếc đèn của ông Sinh khác hẳn với những chiếc đèn kéo quân có nguồn gốc ngoại bày bán ở phố Hàng Mã, Hàng Gai hiện nay. Bà Nguyễn Thị Hạnh - vợ nghệ nhân Sinh thành thật: “Mấy năm trước, các cửa hàng đồ chơi trên Hàng Mã vẫn thường về gia đình đặt hàng đèn kéo quân, đặc biệt là thời điểm gần đến Tết Trung Thu. Người Hà Nội rất sành chơi đèn kéo quân, khi ra Hàng Mã chỉ nhất định chọn mua những chiếc đèn có chữ ký của ông Sinh. Nhiều người lớn cũng hỏi thăm tìm đến tận nhà đặt làm cho con”. Nhưng nay thì khác, trẻ có nhiều đồ chơi hiện đại, bắt mắt nên ở Hàng Mã không đặt hàng ông Sinh nữa. Khách đến cũng chỉ lác đác vài người, phần nhiều là các nhà làm văn hóa, các đám cưới hỏi và các quán café… Vậy nhưng gia đình ông Sinh vẫn cố duy trì nghề làm đèn dù thu nhập “chẳng thấm vào đâu”. Rồi ngoài làm đèn theo đơn đặt hàng ít ỏi đó, hàng tháng, ông vẫn nhận lời đến các lớp mẫu giáo, các làng trẻ em để hướng dẫn cách làm đèn kéo quân cho trẻ nhỏ. Thỉnh thoảng một số trung tâm giáo dục thường xuyên lại đưa học viên về gia đình học làm đèn. Ông Sinh không giấu: “Tôi đang ế hàng đây, làm từ đầu mùa được mấy chục cái để trong kho. Hiện giờ, gia đình chủ yếu làm pháo bông phục vụ lễ hội, đèn kéo quân chỉ là nhớ nghề. Mấy năm nay, khi có đơn đặt hàng từ các cửa hàng đồ chơi trẻ em hay các quán café thì gia đình vẫn giở ra làm. Đến gần Trung thu lại làm đèn kéo quân cho vui và phục vụ trẻ trong làng vui Trung Thu”. Thôi cũng là một cách giữ nghề, bởi để làm một chiếc đèn kéo quân dù nhỏ cũng phải mất cả một ngày, bán cũng chỉ được 50.000 đồng. Trừ các vật liệu và công đi thì tính ra người làm chỉ còn chừng 10.000 - 20.000 đồng. Khách đến đặt và mua hàng ngày một thưa thớt. Chính vì thế mà dân Đàn Viên không ai giữ nghề, trừ ông Sinh… Hỏi vì sao cứ một mực giữ nghề dù nghề chẳng nuôi nổi mình, ông Sinh tiếc nuối chia sẻ: “Hồi còn nhỏ vì gia đình nghèo, lại ở quê nên mỗi Trung Thu, tôi ao ước có một thứ đồ chơi, năm nào cũng tự làm đèn kéo quân... Giờ gia đình cố giữ nghề, nhưng chỉ còn phục vụ một số đối tượng khách hàng và những người hoài cổ. Nói như thế để thấy rằng, đồ chơi dân gian còn thì văn hóa còn, đồ chơi mất thì văn hóa mất. Bây giờ, tôi trăn trở lắm, có quá nhiều thứ đồ chơi “ngoại lai” độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe các cháu. Tại sao chúng ta có điều kiện, có hiểu biết mà không tìm kiếm cho trẻ lấy một thú vui lành mạnh, an toàn mà cứ chạy theo những thị hiếu kia”.
Nghệ nhân Vũ Văn Sinh. |