Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hoài niệm mùa tựu trường

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Chiều nay đi làm về, đứa con gái đầu 15 chờ ở cửa để khoe chiếc áo dài trắng nữ sữ sinh được mẹ mới mua cho, tôi chợt ngẩn ngơ người.

Cuộc sống vốn dĩ có biết bao điều thúc bách đã không còn kẽ hở để ta nhớ về những tháng ngày tươi đẹp nhất đời người - thời cắp sách đến trường đã trôi qua...
 
Năm tháng cứ đuổi nhau qua, mỗi người chúng ta đều cuốn vào công việc thường nhật đôi khi quên phéng mọi thứ, thậm chí “quên” cả chính mình!  Nhưng tôi tin, mỗi khi nhắc lại, trong tâm khảm mỗi người vẫn xanh tươi một dòng sông chảy trong ký ức…
 
Chiều nay đi làm về, đứa con gái đầu 15 chờ ở cửa để khoe chiếc áo dài trắng nữ sữ sinh được mẹ mới mua cho, tôi chợt ngẩn ngơ người. Mải lo công việc, tôi không nhớ con gái đã trở thành nữ sinh trung học rồi, nó vừa đậu vào lớp 10 trường công lập (dư 9 điểm). Thưởng thành tích học tập, thi cử đạt điểm cao và chuẩn bị cho con gái vào trường mới, lớp mới và năm học mới, vợ tôi đã “lặng lẽ” mua sắm mọi thứ: sách, vở, bút mực… và áo dài cho con. Trong khi tôi chẳng hề hay biết gì!
 
Đã qua lâu rồi cái thời “những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng…”, gần 20 năm từ lúc tốt nghiệp trường đại học, tôi đã lao vào cuộc mưu sinh trật trầy từ hai bàn tay trắng để có việc làm, trở thành công dân của thành phố Đà Lạt, để có một mái nhà, vợ con… Tôi không còn nhớ, hay nói đúng hơn không muốn nhớ cái thủa tôi cắp sách đến trường những ngày xưa ấy! Tôi vốn là một đứa trẻ mồ côi cha sống ở một miền nông thôn nghèo, suốt những ngày nghỉ hè thuở ấy, tôi đều theo bạn đi làm thêm mọi việc để kiếm sống và để có tiền mua sách vở chuẩn bị cho ngày khai trường năm học mới. Khi tiếng trống trường gióng lên (một hồi ba tiếng) rộn rực khai giảng năm học mới, tôi hớt hải gò lưng trên chiếc xe đạp cà tàng chạy về dự khai giảng. Đánh đổi cả những ngày tháng nghỉ hè không được vui chơi như chúng bạn để đi làm thêm, vậy mà áo quần vẫn không đủ lành, sách vở, bút viết vẫn…thiếu.
 
Đã hơn 20 năm rời xa sách vở, nhưng tiếng trống trường ngày khai giảng năm học mới vẫn vang vọng trong nỗi nhớ mỗi khi thu sang. Hình ảnh những cây bàng có tán lá rộng xòa ra che nắng trước sân trường; cô bạn cùng lớp có mái tóc đen dài như vạt sóng và cái răng khểnh làm duyên…, tôi day dứt nhớ thủa đến trường!...
 
Nhìn con gái xúng xính trong chiếc áo dài trắng nữ sinh chuẩn bị bước vào năm học mới, ký ức tháng ngày xưa như một dòng sông xanh chợt dậy rì rào chảy trong lòng tôi mát rượi. Người ta nói, đầu tư cho việc học hành của con cái là đầu tư cho tương lai! Ngày xưa, thế hệ chúng tôi vì gia đình quá nghèo nên cha mẹ cố dốc sức lo cho ăn học để mong sau này có việc làm, thoát khỏi đói nghèo. Hôm nay, tương lai của đất nước đang trông chờ vào sự học hành; vào sự thành đạt, giỏi giang, tài năng và sự cống hiến của thế hệ trẻ. Sự thịnh, suy của một quốc gia, dân tộc tùy thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó nền học vấn là yếu tố quan trọng và quyết định bởi “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”!
 
Cuộc sống vật chất và tinh thần của con người hôm nay có nhiều thay đổi đã làm cho nhận thức của  đại bộ phận nhân dân về việc học hành của con cái cũng đã thay đổi. Mỗi gia đình dù ở nông thôn hay thành thị, dù nghèo hay khá giả; mỗi học sinh dù là cô chiêu, cậu ấm hay những học sinh con nhà nghèo… đều được quan tâm, đầu tư cho việc học tập, phát triển tài năng. Ngày khai giảng năm học mới, hàng triệu trẻ em, học sinh trên cả nước đều có niềm vui, niềm bâng khuâng và sự náo nức giống nhau. Sự hân hoan đón chờ năm học mới; sự bận rộn chuẩn bị sách vở, áo quần… cho con làm cho những bậc phụ huynh như tôi và bao nhiêu người khác cũng chợt thấy nao nao! Hoài niệm về mùa tựu trường, ngày khai giảng năm học mới của thửa ngày xưa sống lại với bao nhiêu nỗi niềm…
 
Trên thành phố cao nguyên Đà Lạt, không có hoa phượng vĩ nở đỏ trời và không có tiếng ve sầu giục giã mỗi mùa hạ sang; thay vào cái nóng bức của mùa hè ở những miền trung du hay những đô thị miền Nam là những chiều mưa và khí trời se lạnh. Ranh giới giữa mùa Hạ và mùa Thu ở Đà Lạt cũng khó nhận diện bởi bây giờ Đà Lạt đang vào mùa mưa. Dù không thấy lá vàng rơi, màu trời dẫu không xanh trong với sắc màu trầm tư thi vị… nhưng mùa tựu trường của học sinh trên thành phố cao nguyên thơ mộng này vẫn cứ rộn rực, hân hoan trong mắt cười con trẻ.
 
Một năm học mới nữa sắp bắt đầu!  Một năm lo toan và song hành của các bậc phụ huynh cũng bắt đầu khởi động. Nhìn con em bận rộn chuẩn bị mọi thứ cho năm học mới, hoài niệm về mùa tựu trường năm xưa trong tôi chợt hiện về với bao nỗi niềm buồn, vui khó tả.