Hoàn thành nhiều công trình hạ tầng quan trọng: Thúc đẩy kết nối giao thương Vùng Thủ đô

Minh Tường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chào mừng kỷ niệm 64 năm Ngày Giải phòng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2018), nhiều công trình hạ tầng giao thông quan trọng đã được khánh thành, đưa vào sử dụng.

Xóa điểm “đen” ùn tắc
Sau một thời gian gấp rút thi công, cầu vượt nút giao An Dương - Thanh Niên đã hoàn thành và được đưa vào sử dụng từ ngày 11/10. Cầu vượt nút giao An Dương - Thanh Niên là một trong 8 công trình giao thông trọng điểm của TP Hà Nội, nhằm giải quyết UTGT cho 2 quận: Ba Đình, Tây Hồ. Mặt khác, cầu còn tạo thuận lợi cho việc kết nối nhanh giữa trung tâm chính trị Ba Đình với Sân bay Nội Bài thông qua cầu Nhật Tân; kết nối khu vực ngoài đê vào nội đô qua cửa khẩu An Dương. Đại diện Chủ đầu tư, Phó Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội Nguyễn Chí Cường cho biết, dự án được chính thức thi công bắt đầu từ tháng 11/2017. Quá trình triển khai gặp không ít khó khăn khách quan, đặc biệt là hạng mục điều chỉnh kết cấu từ đê đất sang đê bê tông cốt thép; hạ ngầm của tuyến điện cao thế 110KV... Tuy nhiên, với sự cố gắng của các đơn vị, sau hơn 10 tháng thi công, công trình đã hoàn thành đúng vào dịp kỷ niệm 64 năm Ngày Giải phóng Thủ đô đảm bảo chất lượng, mỹ quan cũng như an toàn kỹ thuật phục vụ giao thông.
 Cầu Văn Lang kết nối Việt Trì - Ba Vì bắc qua sông Hồng. Ảnh: Chiến Công
TS Thạch Minh Quân (Đại học GTVT) cho rằng: Công trình cầu vượt nút giao An Dương - Thanh Niên không chỉ giải quyết tình trạng UTGT tại chỗ mà còn góp phần đồng bộ kết nối tuyến giao thông từ Sân bay Nội Bài - cầu Nhật Tân đến Ba Đình, Tây Hồ, những trung tâm chính trị, văn hóa, du lịch của Thủ đô. Đây là công trình tuy nhỏ nhưng mang ý nghĩa toàn diện, lớn lao đối với cả Hà Nội nói chung và khu vực nội thành nói riêng.

Thực tế, trước khi có cầu vượt, nút giao An Dương - Thanh Niên có mật độ giao thông rất lớn, là một trong những điểm “đen” về UTGT của Hà Nội. Các luồng lưu thông từ Yên Phụ, An Dương, Thanh Niên, Nghi Tàm luân chuyển qua đây thường xuyên gây ra ùn ứ giao thông, ảnh hưởng lan tỏa đến cả khu vực lân cận. Mặt khác, đoạn đê Hữu Hồng chạy qua khu vực này hiện có cao trình 13,5m, đoạn vuốt nối từ cửa khẩu An Dương lên đường Yên Phụ tạo thành dốc cao, gây khó khăn và tiềm ẩn nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Khu vực cư dân bên ngoài đê cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ khi đường nội bộ nối thông vào nút giao vừa chật hẹp vừa có độ dốc lớn, mặt đê cao ngang mái tầng 1 nhà dân. Chính vì thế, công trình cầu vượt kết hợp điều chỉnh kết cấu đê được người dân trong khu vực mong ngóng từng ngày.
Rút ngắn lộ trình liên tỉnh

Ngày 10/10, liên tiếp 2 công trình có ý nghĩa quan trọng, rút ngắn lộ trình từ Hà Nội đi Phú Thọ và Hòa Bình cũng đã được khánh thành, đưa vào sử dụng, đó là cầu Việt Trì - Ba Vì và tuyến đường BOT Hòa Lạc - Hòa Bình.
 Thông xe cao tốc Hà Nội – Hòa Bình.
Cầu Việt Trì - Ba Vì bắc qua sông Hồng và đường dẫn hai đầu cầu được xây dựng trên địa phận các xã: Phú Sơn, Thái Hòa, Phú Đông, Vạn Thắng, Phú Cường, Đồng Thái (Ba Vì) và phường Thọ Sơn, TP Việt Trì, Phú Thọ. Điểm đầu dự án, phía Hà Nội, kết nối với QL32 tại lý trình Km59+500 thuộc địa phận xã Phú Sơn. Điểm cuối, phía Phú Thọ, giao với QL32C tại lý trình Km3+100, thuộc địa phận phường Thọ Sơn, TP Việt Trì. Tổng chiều dài cầu và đoạn tuyến chính đường hai đầu cầu khoảng 9,46km. Dự kiến, cầu Việt Trì - Ba Vì sẽ có tên là Văn Lang theo mong muốn của UBND tỉnh Phú Thọ và đã được sự thống nhất của Bộ GTVT cũng như UBND TP Hà Nội.

Lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, việc nghiên cứu tuyến đường nối từ TP Việt Trì đến huyện Ba Vì, trong đó có cầu Việt Trì - Ba Vì bắc qua sông Hồng là rất cần thiết. Cây cầu đã mở ra một tuyến kết nối thuận lợi, thông suốt, rút ngắn khoảng cách từ cửa ngõ phía Nam của TP Việt Trì đến phía Tây TP Hà Nội. Sau khi thông xe, các phương tiện từ Việt Trì đi Hà Nội sẽ giảm được khoảng 30km hành trình so với các tuyến đường hiện có. Mặt khác, người dân Việt Trì và Ba Vì cũng sẽ không còn phải qua sông bằng đò, vừa tiết kiệm thời gian, chi phí, vừa đảm bảo an toàn.
 Cầu vượt An Dương - Thanh Niên nhìn từ trên cao. Ảnh: Công Hùng
Cũng trong sáng ngày 10/10, Dự án BOT đường nối Hòa Lạc (Hà Nội) - Hòa Bình, do Công ty BOT QL6 - Hòa Lạc - Hòa Bình làm chủ đầu tư cũng đã chính thức thông xe. Tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình mới dài 25,6km, theo tiêu chuẩn cấp 3 đồng bằng, với tổng mức đầu tư hơn 2.723 tỷ đồng. Với tuyến đường mới này, thời gian đi lại giữa Hà Nội - Hòa Bình sẽ giảm được khoảng 30 - 40 phút, lộ trình giảm khoảng 20km. Ý nghĩa đặc biệt quan trọng của tuyến đường là không chỉ tăng cường kết nối, giao thương giữa Hà Nội với Hòa Bình mà còn mở ra hướng thu hút đầu tư, phát triển cho hành lang Tây Bắc Thủ đô.

Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể tin tưởng hai dự án sẽ tạo được sự đồng thuận của người dân, góp phần tích cực vào sự phát triển của Thủ đô Hà Nội nói riêng và cả khu vực nói chung.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần