Chiều 28/11, Quốc hội đã họp phiên bế mạc, thông qua Nghị quyết quan trọng về lấy phiếu tín nhiệm, chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới chương trình, sách giáo khoa.
Phiếu tín nhiệm vẫn giữ 3 mức
Với 81,49% ĐB tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi), có hiệu lực từ ngày 1/7/2015. Về thời điểm lấy phiếu tín nhiệm, Nghị quyết quy định: "Quốc hội, HĐND tổ chức lấy phiếu tín nhiệm một lần trong mỗi nhiệm kỳ vào kỳ họp thường lệ cuối năm thứ ba của nhiệm kỳ".
Việc lấy phiếu vẫn giữ ở 3 mức: "tín nhiệm cao", "tín nhiệm", "tín nhiệm thấp". Về hệ quả của việc lấy phiếu, Nghị quyết nêu rõ: Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số ĐB Quốc hội, ĐB HĐND đánh giá "tín nhiệm thấp" thì có thể xin từ chức. Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ 2/3 tổng số ĐB Quốc hội, ĐB HĐND trở lên đánh giá "tín nhiệm thấp" thì UBTV Quốc hội trình Quốc hội, Thường trực HĐND bỏ phiếu tín nhiệm.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu bế mạc kỳ họp. Ảnh: Duy Linh
|
Nghị quyết cũng quy định các trường hợp bỏ phiếu tín nhiệm. Trong đó, UBTV Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn trong các trường hợp: UBTV Quốc hội đề nghị; có kiến nghị của Hội đồng Dân tộc hoặc Ủy ban của Quốc hội; có kiến nghị của ít nhất 20% tổng số ĐB Quốc hội; người được lấy phiếu tín nhiệm có từ 2/3 tổng số ĐB Quốc hội trở lên đánh giá "tín nhiệm thấp".
Thường trực HĐND trình HĐND bỏ phiếu tín nhiệm đối với người có kiến nghị của ít nhất 1/3 tổng số ĐB HĐND; có kiến nghị của Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam cùng cấp; người được lấy phiếu tín nhiệm có từ 2/3 tổng số ĐB HĐND trở lên đánh giá "tín nhiệm thấp".
Quy trình bỏ phiếu tín nhiệm có hai mức độ: "tín nhiệm", "không tín nhiệm". Người được bỏ phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số ĐB Quốc hội, ĐB HĐND đánh giá "không tín nhiệm" có thể xin từ chức. Nếu không từ chức, thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội, HĐND xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm, cách chức đối với người đó.
Một chương trình, nhiều SGK
Thông qua Nghị quyết về Đề án đổi mới chương trình và SGK phổ thông với tinh thần xây dựng một chương trình giáo dục phổ thông khả thi, thống nhất trong cả nước nhưng mềm dẻo, linh hoạt. Theo đó, chương trình giáo dục phổ thông có phần chung là những nội dung cốt lõi và yêu cầu bắt buộc triển khai thực hiện trên phạm vi toàn quốc và phần "mềm dẻo" trong chương trình để các địa phương bổ sung những nội dung đặc thù và nhà trường vận dụng phù hợp. UBTV Quốc hội sẽ phối hợp cùng Chính phủ xem xét, cân nhắc thật kỹ khi hoàn chỉnh Đề án.
Về chủ trương xã hội hóa biên soạn và xuất bản SGK phổ thông, Nghị quyết thông qua cũng tán thành việc Bộ GD&ĐT tổ chức việc biên soạn một bộ SGK nhằm bảo đảm an toàn cũng như quyền lợi của học sinh và cơ sở giáo dục trong quá trình triển khai Đề án. UBTV Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo xây dựng quy trình thẩm định chương trình, SGK phải khoa học, công khai, minh bạch, đảm bảo khách quan, công bằng; bao gồm các nhà giáo, nhà khoa học, chuyên gia giáo dục được lựa chọn theo quy trình chặt chẽ... Chính phủ chỉ đạo ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn lựa chọn SGK để sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông bảo đảm quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục với sự bàn bạc dân chủ của giáo viên, phụ huynh, học sinh và ngăn ngừa tác động tiêu cực. Chính phủ cần nghiên cứu ban hành cơ chế tài chính trong việc biên soạn và sử dụng SGK bảo đảm công bằng, không phân biệt sách do Bộ tổ chức việc biên soạn hay do các tổ chức, cá nhân biên soạn.
Trong ngày làm việc cuối của kỳ họp (28/11), Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Thú y. Đây là lần đầu tiên Dự Luật được trình ra Quốc hội, trong đó vấn đề thẩm quyền công bố dịch cũng như việc kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Bên cạnh đó, các ĐB cũng nhận xét Dự Luật chưa có những quy định chặt chẽ về việc phòng, chống lây bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người. Và không đồng tình với việc bỏ kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trong nội tỉnh vì hiện phương thức chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển vẫn nhỏ lẻ nên phải cân nhắc thêm quy định này. |
Lộ trình thực hiện đề án theo hướng triển khai cuốn chiếu ở cả ba cấp tiểu học, THCS và THPT. Để đảm bảo điều kiện thực hiện Đề án này, Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ sớm phê duyệt và triển khai đồng thời Đề án đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, đào tạo, dạy nghề và Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông.
Cuối năm 2015, nợ xấu còn dưới 3% tổng dư nợ
Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết tiếp tục nâng cao hiệu quả tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, DNNN và hệ thống ngân hàng với 92,35% ĐB tán thành. Trong đó nhấn mạnh đến 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp Chính phủ cần tập trung từ nay đến năm 2015 như hoàn thành phê duyệt các đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực và từng địa phương chậm nhất là cuối quý II/2015. Hoàn thiện và triển khai các hình thức hợp tác công tư (PPP). Tiếp tục rà soát, đầu tư dứt điểm các công trình, dự án đầu tư công có hiệu quả kinh tế - xã hội đang dở dang... Hoàn thành theo tiến độ kế hoạch sắp xếp, đổi mới DNNN, quan tâm giải quyết tốt vấn đề lao động dôi dư. Nghiên cứu đề xuất kế hoạch sử dụng nguồn vốn thu được từ quá trình CPH và thoái vốn Nhà nước tại DNNN để đầu tư cho một số dự án, công trình cấp bách, giảm gánh nặng nợ công, báo cáo Quốc hội. Sắp xếp, tổ chức cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém, tiếp tục thực hiện các giải pháp giảm nợ xấu và đến cuối năm 2015 còn dưới 3% trong tổng dư nợ. Cuối năm 2015 cơ bản kiểm soát sở hữu chéo, đầu tư chéo theo quy định của pháp luật... Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ xây dựng kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 và báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2015).
Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 8. Theo đó, Quốc hội đánh giá cao các cam kết, lời hứa của Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ và yêu cầu Chính phủ tập trung chỉ đạo, điều phối hoạt động của các bộ, ngành, địa phương nhằm tạo chuyển biến rõ nét trong các lĩnh vực được chất vấn tại kỳ họp này, báo cáo Quốc hội tại các kỳ họp sau.
Phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ 8, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, Quốc hội đã hoàn thành tốt đẹp toàn bộ chương trình với việc thông qua 18 luật, 11 nghị quyết và cho ý kiến về 12 dự án luật khác. Đây là những văn bản pháp luật quan trọng nhằm triển khai thi hành Hiến pháp, hoàn thiện thể chế kinh tế, tổ chức bộ máy Nhà nước, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, cải cách hành chính, cải cách tư pháp...
Nhận xét về phiên lấy phiếu tín nhiệm, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, kết quả này sẽ giúp cho từng vị được lấy phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để tiếp tục phấn đấu, rèn luyện phẩm chất, nâng cao năng lực, hiệu quả công tác. Đây cũng là một kinh nghiệm quý để HĐND các cấp tổ chức tốt việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do HĐND bầu tại các địa phương trên toàn quốc.
|