Hoàn thành tu bổ Ô Quan Chưởng giai đoạn đầu

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sáng nay 4-1, tại di tích Ô Quan Chưởng, Hà Nội, Sở VH-TT&DL Hà Nội – UBND TP.Hà Nội và Quỹ Bảo tồn văn hóa, Đại sứ quán Hoa Kỳ đã tổ chức lễ khánh thành công trình tu bổ di tích Ô Quan Chưởng.

KTĐT -  Sáng nay 4-1, tại di tích Ô Quan Chưởng, Hà Nội, Sở VH-TT&DL Hà Nội – UBND TP.Hà Nội và Quỹ Bảo tồn văn hóa, Đại sứ quán Hoa Kỳ đã tổ chức lễ khánh thành công trình tu bổ di tích Ô Quan Chưởng.

Mặc dù thực hiện trong một thời gian ngắn với mức kinh phí không lớn, tuy nhiên dự án tu bổ đợt I di tích Ô Quan Chưởng đã giải quyết được những vấn đề hết sức cốt lõi và cấp thiết đối với công trình này.

Được khởi công từ tháng 8-2009, với nguồn kinh phí 75.000 USD do Quỹ Bảo tồn văn hóa - Đại sứ quán Hoa Kỳ tài trợ, dự án tu bổ di tích kiến trúc Ô Quan Chưởng do Ban quản lý Di tích và Danh thắng (Sở VH-TT&DL Hà Nội) phối hợp với Trung tâm Kỹ thuật công nghệ bảo tồn di tích - Viện Bảo tồn di tích thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai thực hiện.

Chấm dứt quá trình xuống cấp Ô Quan Chưởng

Sau buổi thị sát ngày 24-11-2010, Hội đồng tư vấn khoa học đánh giá chất lượng công trình tu bổ di tích Ô Quan Chưởng, với sự tham gia của các nhà quản lý, chuyên gia chuyên ngành liên quan đã kết luận: Việc tu bổ di tích Ô Quan Chưởng là cần thiết và được thực hiện đúng quy trình, tuân thủ các quy định về quản lý xây dựng và quy định về chuyên ngành; đảm bảo chất lượng, nguyên tắc bảo tồn, không làm sai lệch kết cấu ban đầu của di tích. Đồng thời, Hội đồng cũng đánh giá màu vôi ghi sẫm sử dụng hiện nay là phù hợp.

Thực tế quan sát ngày hôm nay, sau khi công trình tu bổ được khánh thành, có thể thấy các khối xây bị nứt vỡ, phồng rộp đều được xử lý triệt để qua công tác gia cố, tu bổ cấu trúc thể xây của công trình.

Bóng dáng của rêu, nấm mốc và các chất bẩn hữu cơ bám trên bề mặt gạch trần vừa vữa trát cũng đã được làm sạch bằng công nghệ hóa bảo quản. Đáng chú ý, cánh cổng bằng gỗ lim của Ô Quan Chưởng cũng đã được phục hồi trên cơ sở các ngõng cửa bằng đá hiện còn.

Bên cạnh những thay đổi bên ngoài có thể dễ dàng thấy được, di tích Ô Quan Chưởng còn được gia cố từ bên trong. Theo đó, những thành phần đã bị hư hỏng hoặc sai lệch do những lần tu sửa trước đã dùng vật liệu khác là gạch chỉ hoặc gạch chịu lửa, cũng đã được thay thế bằng gạch vồ gần với gạch nguyên gốc. Hệ thống thoát nước mặt cũng đã được xử lý để đảm bảo nước không ngấm vào trong tường cũng như nền móng công trình.

Vẫn còn nhiều việc phải làm

Trước mắt, việc tu bổ đợt I đã hoàn thành và giải quyết xong những vấn đề cấp bách nhất đối với di tích Ô Quan Chưởng: quá trình xuống cấp của di tích đã chấm dứt, công trình đã ổn định và bền vững hơn, đồng thời những đặc điểm, giá trị lịch sử văn hóa vốn có của di tích vẫn tiếp tục được bảo tồn. Tuy nhiên, rõ ràng đây chỉ là một công đoạn trong một quá trình tu bổ, bảo tồn lâu dài với rất nhiều việc cần phải làm.

Theo ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội, dự kiến những nội dung sẽ phải thực hiện trong đợt tu bổ tiếp theo, đó là khảo sát sâu về nền móng, gia cố và xử lý nền móng ở những vị trí cần thiết. Đồng thời, các vấn đề hạ tầng ảnh hưởng xấu đến di tích cũng cần phải xử lý như hệ thống thoát nước đường phố dưới chân di tích, đường giao thông công cộng xuyên qua di tích, hệ thống đường dây điện thành phố chạy qua di tích, giải tỏa hoặc xử lý những phần công trình nhà ở liền kề di tích…

Liên quan đến những vấn đề này, bà Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cũng đã có ý kiến chỉ đạo UBND quận Hoàn Kiếm phối hợp với Sở Giao thông Vận tải và các đơn vị liên quan có kế hoạch hạn chế xe có trọng tải ra vào khu vực di tích, tổ chức di chuyển các hộ dân hiện đang sinh sống tại khu vực xung quanh di tích, nhằm phát huy giá trị khu di tích Ô Quan Chưởng.


Tại lễ khánh thành ngày 4-1, ông Michael W. Michalak, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết: Quỹ Bảo tồn văn hóa – Đại sứ quán Hoa Kỳ đã tài trợ cho 9 dự án tại Việt Nam từ năm 2001, trong đó, khoản tài trợ 75.000 USD để tu bổ di tích Ô Quan Chưởng lần này là có trị giá lớn nhất. Ngài đại sứ cũng bày tỏ mong muốn Ô Quan Chưởng – một “báu vật quốc gia” sẽ tiếp tục trường tồn thêm 1.000 năm và hơn nữa.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần