Các vi phạm xảy ra ở nhiều địa phương, hình thức ngày càng tinh vi, tuy nhiên, việc xử lý chưa kịp thời, dứt điểm do vướng cơ chế chính sách.
Hơn 64.700 trường hợp vi phạm
Theo Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN&MT), nhiều địa phương trên cả nước có vi phạm về quản lý, sử dụng đất. Số liệu báo cáo chưa đầy đủ của 44 tỉnh, TP trực thuộc T.Ư cho thấy, từ năm 2003 đến nay, có 64.739 trường hợp vi phạm với tổng diện tích gần 1.342ha. Trong đó, 2.342 trường hợp giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng không đúng thẩm quyền; 18.653 trường hợp cấp giấy chứng nhận sai hồ sơ; 26.781 trường hợp sử dụng không đúng mục đích; 877 trường hợp bỏ hoang, chậm tiến độ; 4.636 trường hợp cho thuê, chuyển nhượng đất trái pháp luật: …
Một khu đất bỏ hoang tại Trung Hòa - Nhân Chính. Ảnh: Nguyễn Anh
|
Đến nay, các địa phương đã xử phạt hành chính 1.247 tổ chức và 12.347 cá nhân với số tiền hơn 2,5 tỷ đồng, thu hồi gần 61.130ha đất của 19.365 đối tượng sử dụng đất; truy thu gần 4,9 tỷ đồng tiền sử dụng đất, thuê đất chưa nộp; chuyển sang cơ quan điều tra để xử lý hình sự 29 trường hợp; chưa xử lý được 286.099 trường hợp với diện tích vi phạm hơn 3.444ha…
Khó xử lý
Lãnh đạo Bộ TN&MT cũng chỉ ra nguyên nhân, do việc quản lý của các địa phương lỏng lẻo, chưa phát hiện kịp thời. Nhiều trường hợp khi người dân phản ánh tới các cơ quan chức năng nhưng không được người có thẩm quyền quan tâm giải quyết hoặc trốn tránh trách nhiệm. Bên cạnh đó, một số cán bộ đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn và kẽ hở của pháp luật nhằm trục lợi, nhất là trong công tác giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, cấp sổ đỏ, gây bức xúc cho người dân và dẫn đến tình trạng gia tăng khiếu nại, tố cáo về đất đai. Trong khi đó, việc xử lý các cán bộ vi phạm còn hạn chế.
Ngoài ra, các chính sách, pháp luật về đất đai thường xuyên thay đổi trong từng giai đoạn lịch sử, không đồng bộ, chồng chéo và mâu thuẫn với nhiều luật, dẫn tới tình trạng khó phân định thẩm quyền giải quyết, chất lượng giải quyết chưa cao đối với một số trường hợp gây tình trạng khiếu nại không có điểm dừng, không rõ trách nhiệm thuộc về ai.
Sẽ tăng mức xử phạt
Nhằm tháo gỡ những bất cập này, năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ TN&MT xây dựng Đề án "Tăng cường xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng đất giai đoạn đến năm 2016". Dự thảo Đề án đang được Tổng cục Quản lý đất đai hoàn thiện để trình Chính phủ trong tháng 7. Trong đó, Dự thảo tập trung vào các nội dung, như: Thực trạng việc xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng đất đai; tăng cường xử lý vi phạm giai đoạn đến năm 2016. Đồng thời, hoàn thiện cơ chế chính sách, hệ thống quy phạm pháp luật về đất đai theo hướng tăng mức xử phạt. Đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về đất đai cho người dân.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng, địa phương phải củng cố và kiện toàn bộ máy tổ chức, cơ quan thực hiện nhiệm vụ phát hiện, xử lý vi phạm về quản lý và sử dụng đất từ T.Ư tới địa phương. Đồng thời, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp, các ngành để đảm bảo tính thống nhất, không chồng chéo.