![]() Phiên họp thứ 19 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: TTXVN
|
Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2003 ra đời, đánh dấu bước đổi mới quan trọng trong việc cụ thể hóa chức năng giám sát của Quốc hội. Chất lượng hoạt động giám sát của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội ngày càng được nâng cao về chất lượng. Nội dung giám sát cũng tập trung vào các vấn đề dân sinh bức xúc, những vấn đề được xã hội, cử tri quan tâm. Tuy nhiên, đến nay, một số quy định của Luật hiện hành cũng đã bộc lộ hạn chế như, phạm vi giám sát của Quốc hội, UBTVQH còn rộng, chưa rõ ràng, trách nhiệm sau giám sát của các chủ thể còn chung chung, có quy định còn chưa phù hơp, nhiều vấn đề thực tế triển khai có hiệu quả nhưng chưa được quy định trong Luật, làm giảm hiệu lực hoạt động giám sát.
Do đó, đã đến lúc cần tổng kết đánh giá toàn diện về việc thi hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2003, từ đó có cơ sở hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo đảm cho hoạt động giám sát của Quốc hội đạt hiệu quả hơn để đáp ứng những thay đổi, yêu cầu của thực tiễn cuộc sống.
Cùng ngày, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội phối hợp với Dự án Tăng cường năng lực giám sát ngân sách của các cơ quan dân cử Việt Nam đã lấy ý kiến về Dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi), chuẩn bị trình kỳ họp Quốc hội tới. Các ý kiến cho rằng, Dự án Luật cần những chế tài rõ ràng gắn với xác định trách nhiệm và các cơ chế giám sát, thanh tra xử lý vi phạm. Cần bổ sung làm rõ các quy định về cơ chế để tạo điều kiện cho nhân dân có quyền giám sát, phát huy vai trò của báo chí trong việc phát hiện lãng phí. Đồng thời, thu hẹp phạm vi và đối tượng điều chỉnh, không đưa vào luật các quy định về tiết kiệm, chống lãng phí trong sản xuất tiêu dùng của nhân dân, vì không có chế tài xử lý.