Hàng chục tỷ đồng “mắc kẹt”, không được cơ quan thuế chi hoàn thuế kịp thời đã khiến nhiều DN khóc đứng, khóc ngồi.
Thủ tục, giấy tờ chưa hết “hành” doanh nghiệp
Ông Huỳnh Vĩ Long - Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Nông sản Thăng Long (Hà Nội) cho biết, về cơ bản, DN ông được cơ quan thuế chi hoàn thuế đúng hạn và không bị chậm. Khó khăn của DN này trong công tác hoàn thuế lại nằm ở khâu hoàn thiện hồ sơ. “Chúng tôi có hoạt động xuất khẩu biên mậu nên yêu cầu về hồ sơ, giấy tờ hoàn thuế nhiều và phức tạp. Vì thế, việc phải bổ sung hồ sơ trong quá trình làm thủ tục khiến thời gian hoàn thuế thêm kéo dài” - ông Long cho biết. Vị đại diện DN này cho hay, thực tế, thời gian qua, nhiều văn bản mới do Bộ Tài chính ban hành liên quan trực tiếp đến DN nhưng chủ yếu lại phát hành nội bộ mà không gửi đến DN. DN không nắm được, chỉ khi nộp hồ sơ đến cơ quan thuế mới được thông báo để bổ sung. Để thuận lợi hơn cho DN, ông Long đề xuất, khi có văn bản mới, các cơ quan nên thông báo, tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc bằng kênh nào đó tập huấn, thông báo cho DN để tránh việc DN mất thêm thời gian vì không cập nhật thông tin mới.
Bên cạnh thủ tục phức tạp, kéo dài, nhiều DN còn khóc dở mếu dở vì chậm được hoàn thuế. Đại diện Công ty Nhất Trí Thành (quận Bắc Từ Liêm) - DN chuyên cung cấp vật tư cho ngành luyện kim cho biết, theo thông báo của cơ quan thuế, khoản tiền hoàn thuế lẽ ra phải về tài khoản của Công ty từ cuối tháng 1/2016. Tuy nhiên, do quỹ hoàn thuế của địa phương không còn nguồn chi trả nên DN bị chậm hoàn thuế. Đến đầu tháng 2, quỹ hoàn thuế của địa phương được bổ sung nguồn tiền nên DN mới nhận đủ 38 tỷ đồng hoàn thuế vào ngày 6/2.
Số liệu từ Bộ Tài chính cho biết, trong 2 tháng vừa qua, số lượng hồ sơ DN gửi đến cơ quan thuế để hoàn thuế cơ bản được giải quyết hết với 3.100 hồ sơ. Trong đó, 52% là hoàn thuế trước, kiểm tra sau, 48% thực hiện kiểm tra trước, hoàn thuế sau. Số DN bị chậm hoàn thuế là 287 hồ sơ. Nguyên nhân DN bị chậm hoàn thuế là do DN nợ ngân sách Nhà nước (NSNN) và NSNN cũng cần phải hoàn thuế cho DN. Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn khẳng định, kinh phí hoàn thuế của toàn bộ ngành thuế là không thiếu. Hiện, kinh phí này trên tài khoản hoàn thuế là 3.800 tỷ đồng. Tuy nhiên, có hiện tượng tỉnh thừa, tỉnh thiếu. Ví dụ, hiện nay, TP Hồ Chí Minh chỉ còn 92 tỷ đồng trong quỹ hoàn thuế, nhưng số dư tài khoản quỹ này của Hà Tĩnh lại còn trên 1.100 tỷ đồng, dẫn tới tình trạng dư luận có lúc cho rằng quỹ hoàn thuế không còn để xử lý hoàn thuế.
Sửa một số quy định hoàn thuế
Để khắc phục những quy định “làm khó” cho DN trong công tác hoàn thuế, Bộ Tài chính đã sửa đổi một số quy định không còn phù hợp. Cụ thể, đối với DN nợ NSNN và NSNN cũng cần phải hoàn thuế cho DN thì theo quy định hiện hành, DN phải khắc phục bằng cách nộp phạt thì cơ quan thuế mới hoàn thuế cho DN. Vì thế, Bộ Tài chính sửa chính sách để hạch toán bù trừ cho nhau. “Có thể nói, lỗi này do chính sách chưa đồng bộ và cần phải sửa đổi chính sách đó” - ông Tuấn nhấn mạnh. Ngày 14/3, Bộ Tài chính đã có Công văn 3357/BTC-TCT gửi các cục thuế địa phương, gấp rút sửa đổi một số quy định hoàn thuế không còn phù hợp thực tế. Trong đó, với những DN nợ NSNN và NSNN phải hoàn thuế cho DN, thì có thể hạch toán bù trừ cho nhau. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính không giao hạn mức hoàn thuế cho từng địa phương, mà giao dự toán cho toàn ngành thuế, qua đó giải quyết tình trạng chỗ thiếu, chỗ thừa hiện nay.
Đồng thời, Bộ Tài chính yêu cầu đảm bảo thực hiện chặt chẽ việc hoàn thuế giá trị gia tăng. Theo đó, yêu cầu trong quá trình giải quyết hồ sơ hoàn thuế, nếu phát hiện người nộp thuế có dấu hiệu vi phạm pháp luật thuế, pháp luật hải quan hoặc người nộp thuế không giải trình, bổ sung hồ sơ hoàn thuế hoặc có giải trình, bổ sung nhưng không chứng minh được số thuế đã khai là đúng thì cơ quan thuế chuyển hồ sơ hoàn thuế của người nộp thuế sang diện kiểm tra trước, hoàn thuế sau. Bộ Tài chính cũng yêu cầu, từ thời điểm nhận được danh sách đề nghị phê duyệt hoàn thuế của cơ quan thuế địa phương thì Tổng cục Thuế phải có trách nhiệm giám sát, kiểm tra hồ sơ giải quyết hoàn thuế trên hệ thống quản lý thuế của ngành thuế. Đây được xem là những giải pháp chính để tăng cường quản lý chi hoàn thuế giá trị gia tăng nhằm ngăn ngừa những gian lận, chiếm đoạt tiền hoàn thuế của ngân sách.
Mua bán hàng tại siêu thị Hapro Thanh Xuân. Ảnh: Hoài Nam
|
Theo Công văn 3357/BTC-TCT, sau khi Cục Thuế gửi danh sách đề nghị phê duyệt hoàn thuế về Tổng cục Thuế bằng thư điện tử, trong thời gian không quá 6 giờ làm việc, Tổng cục Thuế thông báo kết quả giám sát qua thư điện tử. Căn cứ kết quả này, Cục Thuế ban hành quyết định hoàn thuế và tự động cập nhật thông tin vào hệ thống cơ sở dữ liệu. |
Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) là một trong những DN chủ lực của ngành công thương Hà Nội, theo quy định trong quá trình xuất nhập khẩu hàng hóa, bán lẻ, đầu tư dự án mới…, đơn vị được hoàn thuế VAT. Qua thực tế thực hiện hoàn thuế cho thấy, nếu DN đảm bảo đầy đủ các loại hồ sơ, giấy tờ theo đúng quy định, quá trình hoàn thuế diễn ra khá thuận lợi. Ngoài ra, với việc phần lớn các giao dịch của Hapro thực hiện thông qua hệ thống ngân hàng nên việc chứng minh các khoản thu - chi của DN luôn được nêu rõ. Tuy nhiên, với các DN nhỏ và vừa thường bị chậm hoàn thuế VAT, nguyên nhân là những DN này thường mất nhiều thời gian trong việc hoàn thiện hồ sơ, chứng từ, sổ sách, hóa đơn mua bán, hợp đồng… Thậm chí, nhiều DN không đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu hoàn thuế. Bà Nguyễn Thị Hải Thanh - Phó Tổng Giám đốc Hapro
Việc DN được hứa hoàn thuế nhưng mất cả năm vẫn chưa nhận được khiến nhiều đơn vị bức xúc và muốn cơ quan thuế phải trả lãi khi tiếp tục nợ tiền. Vấn đề hoàn thuế tiếp tục khiến DN bức xúc thời gian qua. Nếu đã công bố DN nợ thuế thì cũng nên công bố danh sách những cơ quan thuế đang nợ tiền hoàn thuế cho DN trên các phương tiện truyền thông. Theo tôi, môi trường kinh doanh cần công bằng trong phục vụ, đáp ứng dịch vụ, cơ quan Nhà nước cung cấp là cung cấp dịch vụ, DN sai, chậm là bị phạt, vậy thì với các cơ quan đang làm điều hành công tác hành chính cũng nên phải có hình thức tương tự để thúc đẩy hiệu quả công việc, tạo mọi điều kiện để các DN, các nhà đầu tư yên tâm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Làm được điều đó mới tạo sân chơi công bằng cho DN, nhất là khi chúng ta đang hội nhập sâu rộng. Ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng Thư ký Hiệp hội DN vừa và nhỏ Hà Nội Khắc Kiên ghi
|