Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hoang mang vì đồ dùng nghi gây ung thư

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau băng vệ sinh, thông tin mà Tổ chức Y tế thế giới (WTO) đưa ra mới đây về một hóa chất được tìm thấy trong các sản phẩm từ núm vú giả cho trẻ sơ sinh, găng tay, lốp xe đến bao cao su…

Sau băng vệ sinh, thông tin mà Tổ chức Y tế thế giới (WTO) đưa ra mới đây về một hóa chất được tìm thấy trong các sản phẩm từ núm vú giả cho trẻ sơ sinh, găng tay, lốp xe đến bao cao su… đều có thể gây ung thư; tiếp đến là bình nước giữ nhiệt của Trung Quốc cũng tiềm ẩn nguy cơ ung thư… khiến người tiêu dùng hoang mang không ít. Nỗi lo ấy không phải vô cớ khi mà có quá nhiều thứ liên quan mật thiết đến đời sống lại bị cảnh báo… gây ung thư.

Liên tiếp cảnh báo

Có thể nói, những cảnh báo về nguy cơ ung thư từ các vật dụng trong đời sống thường ngày liên tiếp đến tai người tiêu dùng. Nào là hoa quả ướp hóa chất, thực phẩm tẩm hóa chất, đến rau phun thuốc sâu. Chỉ trong vòng chừng một tuần đầu tháng 3, liên tiếp những thông tin về nguy cơ được coi như một “bản án tử hình” đối với mọi người này. Trước tiên là băng vệ sinh, sau là kết luận của WHO về chất MBT được sử dụng để sản xuất cao su có thể gây ung thư. Như phân tích, chất này được làm từ cao su tái chế, ống nhựa y tế, lốp xe và có trong găng tay cao su, bao cao su, bề mặt sân chơi mềm… cho đến các nguồn tiềm năng khác là lót cao su cho giày, nệm hơi, núm vú cho trẻ sơ sinh, mũ bơi và kính bảo hộ. Ấy là những vật dụng thường xuyên trong cuộc sống hàng ngày của trẻ nhỏ cho đến người lớn.
Bình giữ nhiệt do Trung Quốc sản xuất có chứa sợi amiăng cực kì độc hại đối với con người.  	Ảnh:  Mai Tuyết
Bình giữ nhiệt do Trung Quốc sản xuất có chứa sợi amiăng cực kì độc hại đối với con người. Ảnh: Mai Tuyết
Sau đó chưa đầy 2 ngày, dư luận lại được phen hốt hoảng trước cảnh báo bình nước giữ nhiệt của Trung Quốc có chứa sợi amiăng rất độc hại, kém chất lượng có khả năng gây ung thư. Thông tin này được chính phủ Trung Quốc khuyến cáo đến người dân sau cuộc thí nghiệm được tiến hành vào cuối tháng 2. Điều đáng nói, ở Việt Nam, các bình giữ nhiệt của Trung Quốc bày bán nhan nhản, người dân không biết dựa vào đâu để kiểm định chất lượng sản phẩm.

Những vật dụng được cảnh báo kia quá gần gũi và thông dụng với đời sống hàng ngày, khiến người ta không thể yên lòng. Có người còn tỏ ra hoang mang cực độ, như chị Nguyễn Thị L. (Triều Khúc, Thanh Trì) chia sẻ: “Bây giờ ăn gì cũng dễ ung thư, đồ dùng cũng gây ung thư, môi trường sống thì ô nhiễm, bảo sao đi đâu cũng gặp người ung thư!”. Thậm chí, có người còn dẫn chứng bằng con số thống kê của chính WHO: Việt Nam là một trong những quốc gia mắc ung thư cao nhất thế giới, đứng thứ 78 trên thế giới vì tỷ lệ tử vong do ung thư.

Nỗi lo có thật

Sau thông tin đưa ra, các chuyên gia đã vào cuộc kiểm tra, kiểm nghiệm. Dù loại băng vệ sinh được cảnh báo có chứa chất gây ung thư được khẳng định không có trong danh mục nhập khẩu về Việt Nam, nhưng còn rất nhiều “khe” trong con đường “xách tay” về nước mà chính nhà quản lý cũng không dám khẳng định kiểm soát được hết. Đó là chưa kể có người cho biết đã từng thử dùng sản phẩm này ở một cửa hàng bán đồ xách tay. Nghĩa là những sản phẩm như vậy vẫn trôi nổi trên thị trường trong nước.

 Với cảnh báo về chất MBT được sử dụng để sản xuất các đồ dùng cao su, dù giới chuyên môn đã khẳng định hàm lượng cho phép để đưa vào sản xuất núm vú giả, bao cao su, găng tay cao su… rất nhỏ để có thể gây mầm bệnh. Song đó chỉ là những mặt hàng “chính hiệu”, đã được đăng ký nhãn hiệu khi sản xuất và kiểm nghiệm sau sản xuất, còn bao nhiêu mặt hàng “nhái” đang trôi nổi trên thị trường thì lấy gì để đảm bảo. Chỉ nói riêng đến sản phẩm bao cao su, ông Đỗ Ngọc Tấn - Vụ trưởng Vụ Dân số và Kế hoạch hóa gia đình (DSKHHGĐ), Tổng cục DSKHHGĐ, cũng thừa nhận, 60% bao cao su ngoài thị trường là hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc. Tổng cục DSKHHGĐ chỉ có thể quản lý chất lượng những bao cao su nằm trong các chương trình kế hoạch hóa gia đình. Đã thế, thị trường bao cao su không phải chịu kiểm duyệt về chất lượng vì vẫn được quy định là hàng hóa thông thường. Rồi bình nước giữ nhiệt cũng vậy, dù nhà chức trách chưa đưa ra kết luận cụ thể nào, nhưng nhìn thị trường với hàng trăm mẫu mã, giá cả “mềm”, người tiêu dùng quả thực như lạc trong mê cung, không biết phải “làm nhà tiêu dùng thông thái” bằng cách nào.

 Vậy là cuối cùng, tất cả vẫn nằm ở người sử dụng trong việc lựa chọn sản phẩm và bảo vệ bản thân mình trước căn bệnh ung thư đang có nguy cơ gia tăng. Lời khuyên chân thành nhất mà giới chuyên môn dành cho mọi người là: Chọn sản phẩm có tên tuổi, rõ nguồn gốc xuất xứ. Ở góc độ y tế, GS.TS Nguyễn Bá Đức – Phó Chủ tịch Hội ung thư Việt Nam cho rằng: “Không ai khác, chính bản thân mỗi người cần chủ động trong việc bảo vệ sức khỏe của mình thông qua khám sức khỏe định kỳ để không bị “muộn” nếu phát hiện ung thư”.