Hoạt động lập pháp: Bắt kịp những thay đổi của cuộc sống

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong suốt 70 năm qua, Quốc hội đã thực hiện xuất sắc chức năng lập hiến, lập pháp. Kể từ Quốc hội Khóa I cho đến nay, Quốc hội đã ban hành 5 bản Hiến pháp (chưa kể các bản Hiến pháp sửa đổi, bổ sung), 387 Bộ luật, luật, ban hành 628 nghị quyết và 220 pháp lệnh.

Đây là những con số rất ấn tượng, là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật phục vụ cho sự phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.

Phát triển mạnh mẽ cả về lượng và chất

Nhận xét về công tác lập pháp của Quốc hội, nhiều ý kiến nhận xét, việc đổi mới đang ngày càng có hiệu quả hơn. Đặc biệt, từ năm 1992 đến nay, hoạt động lập pháp được Quốc hội quan tâm đẩy mạnh trên cơ sở Hiến pháp năm 1992 và quán triệt các chủ trương, đường lối của Đảng, do vậy đã đạt được những kết quả quan trọng. Như nhận xét của GS.TS Trần Ngọc Đường - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội: “Hoạt động lập pháp của Quốc hội được thực hiện một cách sôi nổi, mạnh mẽ, quyết liệt với quyết tâm nâng cao cả về chất lượng lẫn số lượng các dự án luật được thông qua, nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn các đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống”.
Quang cảnh Kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIII. Ảnh: Khánh Linh
Quang cảnh Kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIII. Ảnh: Khánh Linh
Những con số thống kê cho thấy, số lượng luật được thông qua ở mỗi kỳ họp tăng lên liên tục. Nếu Quốc hội Khóa IX (1992 - 1997) ban hành được 41 luật, bộ luật và 43 pháp lệnh; Quốc hội khóa X (1997 - 2002) ban hành được 34 luật, bộ luật và 40 pháp lệnh, với việc thực hiện các quy định mới qua sửa đổi, bổ sung của Hiến pháp năm 1992 (năm 2001) và việc cải tiến mạnh mẽ quy trình xem xét, thông qua luật, Quốc hội Khóa XI (2002 - 2007) đã thông qua 84 luật, bộ luật, một con số kỷ lục… Cũng theo GS.TS Trần Ngọc Đường, chưa lúc nào số lượng các dự án luật được Quốc hội ban hành nhiều như trong thời kỳ đổi mới, nhất là trong 10 năm qua. Theo ông, sau gần 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành số lượng luật, pháp lệnh gấp 8 lần so với 41 năm trước.

Nội dung các vấn đề được điều chỉnh trong các luật ngày càng mở rộng, bao phủ các lĩnh vực của đời sống xã hội, từ quy trình, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, tổ chức bộ máy nhà nước, hành chính, dân sự, hình sự, tư pháp.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, bên cạnh những đổi mới, cải tiến nhằm tăng số lượng văn bản luật được thông qua tại mỗi kỳ họp, Quốc hội cũng không ngừng nỗ lực nhằm nâng cao chất lượng công tác lập pháp của mình. Tiếng nói, ý nguyện của cử tri đã được phản ánh ngày càng rõ nét hơn trong các văn bản luật được thông qua tại Quốc hội, thông qua hoạt động tham vấn để không chỉ đưa luật vào cuộc sống mà còn bắt kịp những thay đổi của cuộc sống vào trong văn bản luật.

Nhiều luật “lần đầu tiên được ban hành”

Điều đáng ghi nhận trong quá trình lập pháp của Quốc hội là có nhiều luật rất mới, lần đầu được ban hành ở Việt Nam. Có thể kể ra rất nhiều như trong lĩnh vực kinh tế có Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Quản lý và sử dụng tài sản Nhà nước, Luật Quản lý nợ công. Trong lĩnh vực tổ chức bộ máy Nhà nước có Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước; Luật Công chức, viên chức; trong lĩnh vực xã hội có Luật Bình đẳng giới; trong lĩnh vực khoa học công nghệ có Luật Năng lượng nguyên tử, Luật Công nghệ cao, Luật Đa dạng sinh học...

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Lê Minh Thông cho rằng các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành trong thời gian qua, về cơ bản, có chất lượng ngày càng cao, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai và minh bạch, phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước; đều bám sát và phản ánh đúng, đầy đủ thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Ngày càng có nhiều văn bản sau khi ban hành có thể triển khai thực hiện ngay mà ít phải chờ văn bản hướng dẫn thi hành nên sớm đi vào cuộc sống, đáp ứng kịp thời yêu cầu quản lý và điều hành kinh tế - xã hội của đất nước.

Có thể nói, Quốc hội các Khóa XII, XIII là Quốc hội mở đầu một thời kỳ mới - thời kỳ xây dựng hệ thống pháp luật theo chiều sâu và chấm dứt thời kỳ xây dựng hệ thống pháp luật theo chiều rộng như nhiều ý kiến đã nhận xét. “Nội dung của các dự án luật được ban hành đều là những vấn đề bức xúc của đời sống xã hội, phản ánh đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống, phù hợp với thực tiễn của đất nước và tiếp thu có chọn lọc các giá trị tiến bộ của nhân loại” - GS. TS Trần Ngọc Đường nhận định.

70 năm qua đi, hoạt động lập pháp ngày càng có những bước tiến bộ về chất lượng và số lượng, góp phần làm cho hệ thống pháp luật đồng bộ hóa, đầy đủ hơn, nhất là từ sau khi Hiến pháp năm 2013 có hiệu lực thi hành. Như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã nhận xét: Tuy vẫn còn nhiều việc phải tiếp tục làm trong những năm tiếp theo, nhưng những kết quả đạt được vừa qua đã thể hiện rõ quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đưa Hiến pháp vào cuộc sống, hoàn thiện thể chế, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa với tinh thần thượng tôn Hiến pháp, pháp luật, tạo chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - chính trị - xã hội của đất nước.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần