Hoạt động ngoại khóa trong trường học phải gắn với chương trình, phù hợp lứa tuổi

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi đăng tải bài: "Hoạt động ngoại khóa trong trường học: Nguy cơ thương mại hóa", báo Kinh tế & Đô thị nhận được khá nhiều ý kiến phản hồi từ phía phụ huynh học sinh (HS) đồng tình cho rằng hoạt động này ở nhiều nơi đang theo phong trào, chưa phù hợp với tâm lý lứa tuổi.

Trao đổi với phóng viên xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Hiệp Thống - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định, hoạt động ngoại khóa là cần thiết để giúp HS có thêm kiến thức thực tế, tuy nhiên, các trường cần tổ chức làm sao để hoạt động thực sự ý nghĩa, bổ ích.Hoạt động ngoại khóa trong trường học phải gắn với chương trình, phù hợp lứa tuổi - Ảnh 1

Ở góc độ của nhà quản lý giáo dục, ông đánh giá thế nào về các hoạt động ngoại khóa đang được tổ chức cho HS trong các nhà trường hiện nay?

 - Tôi cho rằng, hoạt động ngoại khóa như là đi thăm làng nghề, đi dã ngoại thăm trang trại đồng quê... là rất cần thiết đối với HS TP. “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, đi để biết được những hoàn cảnh, hình ảnh thực tế. HS đến những nông trại, biết như thế nào là cấy lúa, là cày bừa, biết được cái nào là chiêng, trống…, bởi ở giữa Thủ đô làm sao các em biết được cấy ra sao, cày thế nào... Chính qua các hoạt động ngoại khóa để các em được học, được trải nghiệm những điều như vậy. Cô giáo không phải đứng trên bục giảng giảng giải chiêng, trống thế nào, mà khi các em được đi thực tế, thăm bảo tàng sẽ tận mắt nhìn thấy điều cô giáo nói: "Đây là cái chiêng, cái mõ…". Thực tế, có những người lớn, thậm chí hỏi văn hóa cồng, chiêng là gì không biết. Qua thực tế, các em được nhìn tận mắt, được biết cụ thể các âm thanh của tiếng cồng, tiếng chiêng, biết thế nào là tiếng thanh la… Hoạt động này còn tạo tính đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, ý thức lao động, khả năng làm việc theo nhóm, đặc biệt có thêm sự hiểu biết về thiên nhiên, xã hội, về con người.

Vậy nhưng, nhiều ý kiến cho rằng, cách tổ chức hoạt động này ở một số nhà trường chưa phù hợp với đối tượng, lứa tuổi HS, tổ chức đến một điểm nhiều lần, 3 - 4 tuổi lại đi trồng cây, bắt cá...?

 - Hoạt động ngoại khóa giúp HS tìm hiểu những việc nhỏ trong học tập, trong cuộc sống, từ việc xâu một cái kim thế nào, cho đến việc lớn hơn, HS biết được việc gì đều quý. Thế nhưng hoạt động ngoại khóa này phải gắn với thực tế, gắn với chương trình học tập, gắn với đời sống của các em. Nếu hoạt động dã ngoại chỉ để tham quan và rong chơi sẽ không mang lại hiệu quả như mong muốn. Các chuyến dã ngoại, đi chơi phải gắn với chương trình học, đặc biệt phải phù hợp với tâm lý lứa tuổi. Chuẩn bị thi học kỳ, đáng lý các em HS phải tập trung học ôn thì lại tổ chức cho đi dã ngoại, như thế là không phù hợp. Việc tổ chức bất kể một vấn đề gì, không chỉ có dã ngoại, kể cả chương trình ca nhạc cũng phải phù hợp tâm sinh lý lứa tuổi. Do vậy, việc tổ chức trong và ngoài giờ lên lớp, đều mục đích là phải bổ ích cho các em, muốn bổ ích thì phải có chương trình phù hợp ở từng độ tuổi. Những việc gì phải uốn nắn, rút kinh nghiệm là phải rút kinh nghiệm ngay. Ví dụ, năm nay đưa HS đi chỗ này, sang năm vẫn đi chỗ đó, việc này gây nhàm chán cho các em. Bên cạnh đó, cũng rất cần vai trò của Ban đại diện cha mẹ HS trong việc tăng cường sự giám sát cộng đồng.
Một buổi hoạt động ngoại khóa của học sinh tại Trang trại Erahouse, quận Long Biên. 	Ảnh: Trung Anh
Một buổi hoạt động ngoại khóa của học sinh tại Trang trại Erahouse, quận Long Biên. Ảnh: Trung Anh
Cũng phải nói rằng, mỗi một hoạt động trong các nhà trường, trách nhiệm thuộc về Ban Giám hiệu. Ban Giám hiệu biết được nội dung trong năm học là gì, ngoài các môn Văn, Toán, Vật lý, Lịch sử… thì việc đi dã ngoại, việc hướng dẫn các em bằng người thực, việc thực, phải làm gì cho hiệu quả nhất. Còn bó hẹp các em trong môi trường chật hẹp sẽ không thực tiễn.

Vậy, Sở GD&ĐT có hướng dẫn hay chỉ đạo gì cụ thể về hoạt động này trong các nhà trường, thưa ông?

 - Mặc dù hoạt động dã ngoại là cần thiết, bổ ích cho HS, nhưng ở đó cũng có không ít nguy cơ tiềm ẩn. Đây là một trong những nội dung được quán triệt ở đầu mỗi năm học, đối với các bậc học, trong đó có các hoạt động chính khóa, hoạt động trong lớp và hoạt động ngoài giờ lên lớp, các hoạt động ngoại khóa. Hàng năm, Sở đều có hướng dẫn, có văn bản yêu cầu các trường trên địa bàn TP siết chặt các hoạt động tham quan, dã ngoại; Yêu cầu các trường khi tổ chức các hoạt động này cần phải có kế hoạch, được phụ huynh đồng ý, được sự cho phép của cấp quản lý. Hiệu trưởng nhà trường phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra sự cố, tai nạn đối với HS. Tôi khẳng định, hoạt động ngoại khóa là vô cùng cần thiết, tuy nhiên phải đảm bảo cho an toàn cho HS. Ngoài ra, hoạt động này không chỉ nhà trường, mà cần có sự chung tay của cha mẹ HS, bằng cả nhân lực và vật lực.

Xin cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần