Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hoạt động sản xuất của châu Á vẫn “ì ạch”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của một số nền kinh tế lớn ở châu Á vừa được công bố cho thấy, hoạt động sản xuất tại khu vực trong tháng 10 vẫn suy giảm ở một loạt quốc gia như Hàn Quốc, Malaysia, Trung Quốc...

Hoạt động sản xuất của các nền kinh tế châu Á đang bị thu hẹp.
Hoạt động sản xuất của các nền kinh tế châu Á đang bị thu hẹp.
Số liệu PMI của ngành sản xuất Trung Quốc đã thu hẹp tháng thứ 8 liên tiếp, nhưng đánh dấu tốc độ thu hẹp chậm nhất kể từ tháng 6/2015. Chỉ số PMI của Trung Quốc trong tháng 10 tăng từ 47,2 điểm lên 48,3 điểm, cao hơn mức dự báo thị trường là 47,5 điểm. Tốc độ thu hẹp sản xuất của Trung Quốc hiện có tốc độ chậm hơn thời gian trước, khi các đơn hàng xuất khẩu nhích nhẹ. Tuy nhiên, nhu cầu quốc nội vẫn tiếp tục giảm, cho thấy xu hướng tiếp tục sụt giảm của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Bên cạnh đó, chỉ số Nikkei/Markit PMI của Hàn Quốc cũng giảm xuống 49,1 điểm vào tháng 10 và vẫn chưa vượt qua mốc 50 kể từ tháng 2. Thông tin hứa hẹn nhất là chỉ số PMI của Nhật Bản ở 52,4 điểm - mức cao nhất trong năm, một phần nhờ đồng Yên suy yếu. Tuy nhiên, nền kinh tế này vẫn đối diện nguy cơ suy thoái và những chương trình kích thích từ Ngân hàng T.Ư Nhật Bản (BOJ) vẫn được các nhà đầu tư chờ đợi.
Khảo sát PMI đo lường sự thay đổi trong mức độ hoạt động của ngành sản xuất trong một tháng với mức trung lập là 50 điểm, dưới 50 điểm cho thấy mức độ hoạt động sản xuất đang thu hẹp.

Chính quyền Bắc Kinh đã đưa ra nhiều chính sách ngưng đà lao dốc kinh tế, bao gồm giảm lãi suất lần thứ 6 kể từ tháng 11/2014, tuy nhiên những chương trình kích thích này cần một khoảng thời gian để phát huy hiệu lực.

Trước việc nền kinh tế khó đạt được mục tiêu tăng trưởng như mong đợi, trong chiều 2/11, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã bất ngờ nâng tỷ giá đồng Nhân dân tệ (NDT) so với USD lên thêm 0,54% - mức tăng cao nhất trong một thập kỷ.

Mở đầu phiên giao dịch đầu tuần, PBoC ấn định tỷ giá tham chiếu là 6,3154 NDT/USD, cao hơn 0,54% so với mức giá tham chiếu hôm thứ Sáu tuần trước và cho phép nhà đầu tư giao dịch NDT dao động với biên độ +/-2% so với tỷ giá tham chiếu do PBoC ấn định đối với thị trường ngoại hối nội địa.

Tuy nhiên, phản ứng của thị trường lại diễn ra theo chiều ngược lại với ý định của các nhà hoạch định chính sách. Vào cuối buổi chiều 2/11 theo giờ Bắc Kinh, đồng NDT giảm thêm 0,46% so với phiên cuối tuần trước, đứng ở mức 6,3464 NDT/USD. Đây là mức giảm giá trong một ngày lớn nhất kể từ khi Trung Quốc phá giá đồng tiền hồi tháng 8 vừa qua.

Kể từ tháng 8 năm nay, Trung Quốc đã phá giá đồng NDT nhằm mục đích tăng lợi thế cho hàng xuất khẩu của nước này để thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, sau một thời gian dài phá giá, động thái tăng giá bất ngờ đồng tiền của PBoC trong chiều 2/11 cho thấy, các nhà kinh tế đã bắt đầu nhận thấy rõ ràng khả năng nền kinh tế không “cán đích” tăng trưởng và bắt buộc phải tăng giá đồng NDT với hy vọng ổn định nền kinh tế.