Hoạt động sản xuất của Trung Quốc tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng

Ngọc Ánh (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hoạt động sản xuất tại các nhà máy của Trung Quốc trong tháng 4/2021 sụt giảm do thiếu hụt nguồn cung và nhu cầu từ nước ngoài hạ nhiệt.

Dữ liệu được Tổng cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố ngày 30/4 cho hay chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của nước này giảm từ mức 51,9 vào tháng 3, xuống còn 51,1 điểm trong tháng 4. Kết quả này thấp hơn gần 1,7% so với mức dự báo được đưa ra trước đó.
 Hoạt động sản xuất của Trung Quốc tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng. Ảnh: AP
Đánh giá về chỉ số PMI trong tháng 4, chuyên gia của NBS Zhao Qinghe cho biết: "Một số công ty đã báo cáo gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất như thiếu chip, trở ngại về vận chuyển hàng hóa, thiếu container và giá cước tăng".
Số liệu trên cũng trái ngược với kết quả cuộc khảo sát dành cho doanh nghiệp tư nhân được công bố cùng ngày. Theo kết quả này, hoạt động của các nhà máy trong tháng 4 đã ghi nhận tốc độ tăng nhanh nhất trong 4 tháng qua, mặc dù các doanh nghiệp cũng báo cáo vấn đề chi phí đầu vào tăng mạnh.
Trong khi đó, các nhà phân tích Capital Economics lưu ý: “Khi nền kinh tế Trung Quốc dần phục hồi về mức trước khi dịch Covid-19 bùng phát và không còn nhiều sự hỗ trợ về chính sách, lực đẩy đối với tăng trưởng kinh tế của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ suy yếu trong năm nay”.
Kinh tế Trung Quốc vừa ghi nhận mức tăng trưởng kỷ lục 18,3% trong quý I/2021 nhờ kiểm soát tốt dịch Covid-19. Các nhà phân tích dự báo tăng trưởng GCP của Trung Quốc sẽ đạt mức 8,6% trong năm nay.
Đà tăng trưởng mạnh mẽ này sẽ giúp Trung Quốc vượt qua được các đối thủ cạnh tranh như Ấn Độ, quốc gia vẫn đang “vật lộn” để ngăn chặn làn sóng dịch Covid-19 thứ hai.
Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách Bắc Kinh cũng đưa ra cảnh báo nhằm tránh những thay đổi đột ngột có thể làm chệch hướng phục hồi kinh tế.
Nhận định về kỳ nghỉ  Quốc tế Lao Động của Trung Quốc, bắt đầu từ ngày thứ Bảy, bà Iris Pang - chuyên gia kinh tế của tập đoàn dịch vụ tài chính ING nhận xét: "Chúng tôi kỳ vọng vào nhu cầu xuất khẩu, nếu nhu cầu này được phục hồi sẽ tạo nhiều cơ hội cho các nhà máy của Trung Quốc. Đồng thời, lĩnh vực dịch vụ cũng được kỳ vọng sẽ khởi sắc trong dịp nghỉ lễ này”.
Bà Pang cho rằng, nhu cầu thế giới có thể tăng cao khi dịch Covid-19 được kiểm soát tại các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, tình trạng thiếu chip toàn cầu vẫn có thể kéo dài trong vài quý tới và đẩy giá mặt hàng điện tử lên cao”.
Cũng theo báo cáo của NBS, các đơn đặt hàng xuất khẩu trong tháng 4 chỉ đạt 50,4 điểm, thấp hơn mức 51,2 điểm trong tháng trước đó.
Trong khi đó, chỉ số PMI về chi phí nguyên vật liệu đứng ở mức 66,9 trong tháng 4, giảm so với mức 69,4 của tháng 3. Về dịch vụ, các hoạt động của ngành này ghi nhận tháng tăng trưởng thứ 14 liên tiếp, nhưng với tốc độ chậm hơn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần