Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hoạt động xúc tiến du lịch: Nhìn bạn mà ngẫm đến ta

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Năm 2013, Bộ VHTT&DL đưa ra mục tiêu thu hút 7 triệu lượt khách quốc tế, 35 triệu lượt khách nội địa; Dự kiến năm 2015, Việt Nam đón 7 - 7,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế tổng thu từ khách du lịch đạt 10 - 11 tỷ USD, đóng góp 5,5 - 6% vào GDP cả nước.

Nước ngoài tấp nập xúc tiến

Mục tiêu thu hút 7 triệu lượt khách quốc tế năm 2013 thực sự là con số quá nhỏ nếu đem so với các nước trong khu vực. Chẳng hạn năm 2010, Malaysia đã đón được 24,6 triệu lượt khách du lịch quốc tế, thu nhập từ du lịch đạt 17,93 tỷ USD; Thái Lan năm 2012 cũng đã thu hút gần 21 triệu khách quốc tế. Trong khi đó, Indonesia dự kiến năm 2015 đạt 25 triệu lượt khách quốc tế…
 
Hoạt động xúc tiến du lịch: Nhìn bạn mà ngẫm đến ta - Ảnh 1
 
Du khách quốc tế tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội.Ảnh: Thu Hương

Để đạt được kết quả này, ngành du lịch các nước đã chú trọng đầu tư cho hoạt động xúc tiến du lịch (XTDL). Năm 2010, Thái Lan đã dành 130 triệu USD cho hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch, năm 2012 nguồn kinh phí này đã tăng đến 237 triệu USD. Đất nước Singapore tuy nhỏ bé nhưng cũng chi tới 171 triệu USD cho hoạt động này; Khiêm tốn hơn như Malaysia năm 2011 cũng dành 40 triệu USD để xúc tiến quảng bá…

Bên cạnh đó, hoạt động XTDL cũng được tổ chức rất chuyên nghiệp. Tháng 10/2011, khi Thái Lan bị lũ lụt lớn. Văn phòng Tổng cục Du lịch Thái Lan tại Việt Nam đã thường xuyên thông báo tình hình và sau khi hết lũ, du lịch Thái Lan đã nhanh chóng tổ chức các đoàn farmtrip (du lịch kết hợp tìm hiểu, tiếp thị thị trường) cho đại diện các đơn vị lữ hành đi thị sát và tổ chức lại tour Thái Lan. Nhờ những hoạt động này, Thái Lan vẫn là điểm đến thu hút du khách Việt Nam.  

Nói về thắng cảnh, Malaysia chưa thật nổi trội để thu hút du khách, nhưng Cục Xúc tiến Du lịch Malaysia đã nhắm đến sở thích mua sắm của người Việt Nam để quảng bá điểm đến của họ. Đầu tháng 11/2011, Malaysia đã mở văn phòng đại diện Cục Xúc tiến Du lịch Malaysia tại Hà Nội và nhấn mạnh: Tour mua sắm hàng miễn thuế và du lịch sang trọng sẽ là sản phẩm du lịch trọng điểm của Malaysia dành cho thị trường du khách Việt Nam.

Thiếu cái bắt tay giữa các doanh nghiệp trong nước 

Nếu như ngành du lịch các nước mạnh tay chi tiền cho hoạt động XTDL thu hút khách thì kinh phí XTDL của Việt Nam ngày một ít.

Năm 2011, ngân sách dành cho hoạt động XTDL chỉ có 50 tỷ đồng, trong khi thu nhập từ du lịch trên 130.000 tỷ đồng, đóng góp khoảng 5% GDP. Năm 2012, ngành du lịch đón gần 7 triệu lượt khách quốc tế nhưng kinh phí xúc tiến bị cắt giảm chỉ còn 30 tỷ đồng, tương đương với 1,5 triệu USD, tính ra kinh phí dành cho hoạt động XTDL trên mỗi khách du lịch chưa đến… 1 USD/khách. Không chỉ thiếu kinh phí, hiện cách thức tổ chức hoạt động XTDL vẫn còn nhiều bất cập. Các kỳ nghỉ lễ, Tết dài ngày là cơ hội cho ngành du lịch thu hút khách. Tuy nhiên, ngành giao thông vận tải lại không đảm bảo chắc chắn có đáp ứng đủ vé cho ngành du lịch hay không. Ngay cả các tour nội địa trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, mặc dù cũng được giới thiệu từ cuối tháng 11, nhưng các công ty du lịch không thể đưa giá vé máy bay, tàu hỏa vào giá tour đã khiến du khách TP Hồ Chí Minh không mặn mà khi đăng ký đi tour Tây Bắc, Hà Nội, Đà Nẵng, Huế, Phú Quốc… Khách từ Hà Nội, Đà Nẵng cũng ngại mua tour du xuân phía Nam. Đó là chưa kể từ 15/12/2012, Vietnam Airlines đã chính thức tăng giá vé máy bay nội địa, khách hàng càng phải tính toán lại khi vé máy bay chiếm đến 60 - 70% giá tour…

Với hoạt động xúc tiến tại các địa phương, đáng lẽ phải đẩy mạnh quảng bá mời chào khách đến vào dịp Tết thì hầu như không có động tĩnh cụ thể nào, thậm chí có nơi còn công bố tăng giá vé điểm tham quan làm ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của du khách.