Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Học “chiêu” hút khách của người Nhật

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2015, du lịch Việt Nam đã “vượt chướng ngại vật” thành công nhờ những quyết sách kịp thời.

Sóng gió tạm lắng, tuy nhiên ngành du lịch cần tiếp tục đổi mới cách làm để hút khách, mà cụ thể là học cách làm của người Nhật.

Chưa thể thỏa lòng

Liên tục trong các năm 2014 - 2015, những bất ổn về chính trị, kinh tế, dịch bệnh và tai nạn hàng không… trên thế giới đã ảnh hưởng lớn đến sự tăng trưởng của ngành du lịch, khiến lượng khách quốc tế đến Việt Nam 6 tháng đầu năm 2015 tiếp tục giảm ở mức hai con số (12% so với cùng kỳ 2014). Trước tình hình đó, Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều quyết sách để vực dậy ngành du lịch: Một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch trong tình hình mới; Chỉ thị về khắc phục hạn chế, yếu kém, nâng cao năng lực cạnh tranh để đẩy mạnh phát triển du lịch; Miễn thị thực có thời hạn một năm đối với công dân 6 quốc gia: Anh, Pháp, Đức, Italia, Tây Ban Nha và Belarus…
Du khách làm thủ tục tại sân bay quốc tế Nội Bài. 	Ảnh: Công Hùng
Du khách làm thủ tục tại sân bay quốc tế Nội Bài. Ảnh: Công Hùng
Nhờ đó, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong cả năm 2015 đạt hơn 7,9 triệu lượt (tăng 0,9% so với năm 2014). Đặc biệt, lượng khách quốc tế từ 6 thị trường được miễn thị thực nhập cảnh tăng trưởng khá mạnh, trong đó thị trường Italia, Tây Ban Nha đạt mức 10%. Tuy nhiên, những con số đó chưa làm thỏa lòng đội ngũ làm du lịch, bởi cũng chịu tác động của tình hình thế giới, nhưng nhiều quốc gia, trong đó có Nhật Bản vẫn đạt mức tăng trưởng hai con số.

Tại hội thảo về du lịch Nhật Bản do Tổng cục Du lịch Nhật Bản (JTA) và Cơ quan Du lịch quốc gia Nhật Bản (JNTO) vừa tổ chức tại Hà Nội, đại diện JNTO cho biết, năm 2011, Nhật Bản xảy ra trận động đất lớn nên ngành du lịch nước này bị ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, từ năm 2012 – 2015, trung bình mỗi năm, chỉ số tăng trưởng du lịch luôn đạt 20 - 30%. Năm 2015, Nhật Bản đón khoảng 20 triệu lượt khách quốc tế. Trong đó, lượng khách Việt Nam đến Nhật Bản luôn tăng mạnh. Năm 2014, có khoảng 124.000 khách Việt Nam sang du lịch Nhật Bản, tăng 47% so với năm trước. Năm 2015, số khách Việt Nam đến Nhật Bản ước tăng 50% so với năm 2014. So sánh như vậy để thấy, nếu đi đúng đường, du lịch vẫn tăng trưởng bất chấp những ảnh hưởng từ "ngoại cảnh".

Cần vai trò "nhạc trưởng"

Phó Giám đốc Công ty Du lịch TransViet Nguyễn Tiến Đạt cho rằng, nhờ giá tour đi Nhật giảm tới 30% so với 5 năm trước đây nên khách Việt Nam tìm đến “xứ sở hoa anh đào” ngày càng đông. Văn hóa Nhật với điểm nhấn là tính kỷ cương, nền nếp, văn minh cũng là yếu tố hấp dẫn du khách Việt. Yếu tố khác là chính sách visa của Nhật Bản ngày càng thông thoáng. Minh chứng là ngày 30/9/2014, Nhật Bản đã nới lỏng thủ tục cấp thị thực nhập cảnh cho du khách từ 3 nước Đông Nam Á là Việt Nam, Philippines và Indonesia.

“Giải mã” thành công trong việc thu hút khách quốc tế, ông Ito Kazuhiro - đại diện JNTO cho biết, có lẽ đó là bởi Nhật Bản luôn coi công tác xúc tiến, quảng bá du lịch là “át chủ bài”. Những năm gần đây, Chính phủ Nhật Bản liên tục thực hiện các chiến dịch “B to B” tại Việt Nam, cụ thể là mời các công ty du lịch, người nổi tiếng và giới truyền thông Việt Nam sang thăm, khảo sát và làm chương trình quảng bá du lịch tại Nhật. Bên cạnh đó là các hoạt động hướng tới khách hàng “B to C” như: Hội chợ, hội nghị, hội thảo... để khách hàng trực tiếp cảm nhận sự hấp dẫn của Nhật Bản. Ngoài hoạt động xúc tiến của các cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh, thành, địa phương cũng có những buổi xúc tiến riêng. Đặc biệt, Nhật Bản còn hỗ trợ tới 50% chi phí quảng cáo tour Nhật cho các đơn vị bán tour tại Việt Nam.

Nhìn về Việt Nam thấy kinh phí dành cho hoạt động xúc tiến quảng bá đã ít, các hoạt động lại rời rạc, nên hiệu quả rất thấp. Do đó, giới chuyên môn cho rằng, tới đây, Bộ VHTT&DL phải đóng vai trò “nhạc trưởng”, xây dựng kế hoạch xúc tiến đúng, trúng, bài bản và hiệu quả hơn. Và chúng ta có thể học tập kinh nghiệm xúc tiến, quảng bá du lịch của Nhật Bản.