Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Học chống tiêu cực…

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - VFF vừa tổ chức một cuộc hội thảo về công tác phòng chống tiêu cực trong bóng đá. Lần đầu tiên các chuyên gia bóng đá Việt Nam, Ban Tổ chức giải, bộ phận an ninh, các đội bóng và đại diện của tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế (Interpol) đã trao đổi về biện pháp chống tiêu cực trong bóng đá.

Lần đầu tiên, các nhà quản lý bóng đá Việt Nam phải trả lời các câu hỏi chất vấn từ Interpol theo kiểu: “Với trường hợp này, ông làm thế nào?”, “Với nghi vấn đó, cách tiếp cận của an ninh ra sao?”, “Làm sao để mở rộng chuyên án và không làm ảnh hưởng đến giải đấu?”.
TTK VFF Lê Hoài Anh (trái), đại diện Interpol Norris Julie Therese (giữa) và ông Nicholas Raudenski, đại diện Ban Liêm chính của FIFA, tại hội thảo hôm qua
TTK VFF Lê Hoài Anh (trái), đại diện Interpol Norris Julie Therese (giữa) và ông Nicholas Raudenski, đại diện Ban Liêm chính của FIFA, tại hội thảo hôm qua
Hàng loạt câu hỏi đã được đặt ra, kinh nghiệm được chia sẻ nhằm đạt mục đích cuối cùng: Có được những giải pháp, kỹ năng nhằm loại bỏ tiêu cực ra khỏi đời sống bóng đá. Rồi, cách phối hợp giữa các đội bóng, giữa Ban Tổ chức giải với cơ quan điều tra, rồi sự phối hợp quốc tế trong việc ngăn chặn tiêu cực cũng được đặt ra. Một lãnh đạo VFF tâm sự: “Lần đầu tiên phải trả lời những câu hóc búa từ Interpol, mệt quá”. Còn một lãnh đạo đội bóng thì chia sẻ: “Thế mới biết, chống tiêu cực thật chẳng đơn giản chút nào. Tiêu cực thì muôn hình vạn trạng, có đủ kỹ năng trong khi mình cái gì cũng lơ mơ”.

Đúng là chống tiêu cực không đơn giản. Nó đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống. Nhưng, cũng có những cái rất đơn giản mà mỗi đội bóng có thể làm tốt. Đó là việc, bản thân các đội bóng phải nói không với tiêu cực trong mọi trạng huống. Họ không thể vì tình nghĩa mà lỏng chân cho đối tác. Họ không thể vì chút lợi mà sẵn sàng làm thay đổi cuộc chơi. Và quan trọng hơn, họ phải là những người dám đối diện với tiêu cực từ trong đội ngũ của mình một cách không khoan nhượng.

Cách đây không lâu, Ninh Bình đã giải tán đội bóng vì tiêu cực. Họ nói không còn lòng tin với bóng đá khi bị phản bội. Thế nhưng, khi VFF cấm thi đấu vĩnh viễn những cầu thủ có liên quan thì lập tức họ làm đơn xin giảm án và chỉ trích cơ quan quản lý bóng đá quá vô tình. Vậy mới nói, chống tiêu cực phải từ chính các đội bóng. Bên cạnh sự phòng ngừa của người trong cuộc thì nền bóng đá phải có những hành động quyết liệt để đủ sức răn đe với bất cứ ai.

Vậy mới nói, học chống tiêu cực không cần kinh viện, xa xôi. Hãy bắt đầu từ những điều giản dị nhất, đó là trung thực và quyết liệt trong mọi tình huống.