KTĐT - 66% học sinh tiểu học và 82% học sinh trung học cho biết chúng không thể chia sẻ cảm xúc với cha mẹ.
Hơn 50% học sinh tiểu học và trung học không có gì để nói với cha mẹ, ngoài bảng điểm.
Nhóm học sinh này đang phải chịu sức ép rất lớn, và cha mẹ không mấy khi là điểm tựa thực sự của chúng, một cuộc khảo sát vừa tiết lộ. Khảo sát được công bố hôm qua trên tạp chí Zhixin Jiejie của Bắc Kinh.
Khoảng 89% cha mẹ cũng đồng ý với điều này, và cho biết họ chủ yếu quan tâm đến thành tích học tập của trẻ ở trường.
Pang Shutao, giám đốc Trung tâm Sức khỏe Tâm Thần Thanh Đảo, cho biết các bậc cha mẹ có xu hướng đòi hỏi quá cao về trình độ học lực của trẻ. Ông đưa ra con số: hơn 60% các vấn đề tâm lý ảnh hưởng đến trẻ em Trung Quốc có liên quan đến cha mẹ chúng.
"Khối lượng bài vở khổng lồ và kỳ vọng của cha mẹ về điểm số đã góp phần gây nên ra phần lớn những trục trặc có liên quan đến việc học hành của trẻ", Li Yuan, tác giả của nghiên cứu cho biết trên Chinadaily.
"Học hành đã chiếm lĩnh toàn bộ đời sống của trẻ, quyết định đến sự khổ đau cũng như hạnh phúc của chúng".
Khảo sát (thực hiện trên gần 21 nghìn học sinh ở 7 tỉnh thành, từ tháng 8 đến tháng 10) đã tìm thấy gần 32% các em nhỏ không biết tâm sự với ai về cảm xúc của mình.
66% học sinh tiểu học và 82% học sinh trung học cho biết chúng không thể chia sẻ cảm xúc với cha mẹ.
Khoảng 14% các em cho biết đã quen với việc giấu kín tâm tư tình cảm và không muốn chia sẻ với người khác.
Tuy nhiên, 58% các em ở trung học và 43% các bé tiểu học vẫn tìm thấy một chỗ dựa tinh thần - trong nhóm bạn cùng lớp hoặc bạn bè.
Khoảng 5,6% số em được hỏi cho biết chúng chỉ nói những điều như vậy với người trên mạng.
"Trẻ em không phải lúc nào cũng có thể dựa vào cha mẹ, chúng sẽ lớn lên và có bí mật riêng của mình, nhưng cha mẹ cần cố gắng để hiểu các con hơn và tránh việc nghĩ đơn giản quá về giáo dục", Wang Yi, một nhà tâm lý từ Bệnh viện Huilongguan Bắc Kinh, cho biết.
"Nói cách khác, họ đang đẩy lũ trẻ ra xa khi mà chúng cần được giúp đỡ nhất".
Khoảng 18% các em cho biết chúng không kể những chuyện làm sai với cha mẹ vì sợ bị chỉ trích. Và 47% nói rằng chúng ước gì cha mẹ có thể hiểu cảm giác của chúng.
"Một lần, cháu nhận điểm xấu ở lớp, cháu trở về nhà, rất buồn và kể chuyện với mẹ, nhưng mẹ thậm chí còn quở trách cháu nhiều hơn", bé gái 9 tuổi Jiang Ziru, kể lại. "Mẹ chẳng hiểu nỗi khổ tâm của cháu".
Trong khi đó, Tian Hong, một vị phụ huynh ở thành phố Tây An, tỉnh Sơn tây, cho rằng các bậc cha mẹ cũng là nạn nhân vì họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc ép con học.
"Nếu tôi không ép nó học nhiều từ bây giờ, nó sẽ bị tụt hậu so với các bạn và khi lớn lên sẽ ghét tôi", cô nói.