KTĐT - Cty có hơn 10 lập trình viên tuổi đời từ 22-25, thiết kế website và hệ thống thương mại điện tử cho các Cty nước ngoài. "Hiện Cty triển khai được hơn 40 hợp đồng từ các khách hàng. Bài học thất bại khiến tôi chủ trương chấp nhận lỗ ban đầu để đầu tư tốt cho sản phẩm, từ đó lấy tín nhiệm của khách hàng" - Cường "bật mí".
Trải nghiệm từ thất bại và thành công, Lê Mạnh Cường - (ảnh) GĐ Cty CP phần mềm Nhất Nam (Hà Nội), quan niệm tấm bằng ĐH chỉ mở ra một cánh cửa đi tới đích thành công. Để thực sự chạm đích, bạn trẻ có thể chọn nhiều con đường khác.
Học từ thất bại
Năm 2006, Lê Mạnh Cường học xong lớp kỹ thuật viên của Trung tâm Đào tạo lập trình viên quốc tế Aprotrain - Aptech (Hà Nội) khi 22 tuổi. Trước đó, Cường đã làm lập trình viên ở vài Cty tư nhân. Nhờ kiến thức thực hành trên, Cường đã trúng tuyển vào một Cty lập trình phần mềm của Pháp tại Hà Nội.
"Công việc mới cần tôi nghiên cứu dự án phần mềm để tìm và chứng minh công nghệ nào thích hợp với dự án, trong thời gian ngắn. Khi sếp đã duyệt, tôi tiếp tục viết bản thảo và hướng dẫn nhân viên thực hiện" - Cường nhớ lại. Hơn 2 năm làm trong DN nước ngoài, việc phải thức cả đêm, dồn sức cho kịp tiến độ là bình thường. Cường nhớ lại: Thời gian đó giúp tôi nhiều kinh nghiệm làm việc, tự quen dần với áp lực cũng như tư duy làm việc độc lập.
Cuối năm 2009, chàng trai 25 tuổi rời công việc có lương tháng gần 1.000 USD, cùng bạn lập Cty Gen 5 chuyên về CNTT. Cường nhớ lại: "Ý tưởng rất hay, nhưng khi hoạt động chúng tôi thấy cả 5 sáng lập viên đều là dân kỹ thuật, không hiểu gì về kinh doanh". Thất bại giúp Cường thêm nhiều kinh nghiệm. Đầu năm 2010, Cường lập Cty CP phần mềm Nhất Nam với những ý tưởng kinh doanh mới.
Cty có hơn 10 lập trình viên tuổi đời từ 22-25, thiết kế website và hệ thống thương mại điện tử cho các Cty nước ngoài. "Hiện Cty triển khai được hơn 40 hợp đồng từ các khách hàng. Bài học thất bại khiến tôi chủ trương chấp nhận lỗ ban đầu để đầu tư tốt cho sản phẩm, từ đó lấy tín nhiệm của khách hàng" - Cường "bật mí".
Nhiều đường tới thành công
Cường hướng Cty vào lĩnh vực kinh doanh ý tưởng và dịch vụ CNTT. Anh chia sẻ bí quyết quản lý: "Nhiều nhân viên giỏi kỹ thuật và cá tính khác nhau. Để lãnh đạo tập thể, đừng nên áp đặt ý chí. Tận dụng mặt tích cực của ý kiến trái ngược sẽ phát huy được sức mạnh của tập thể". Cường trả lương cao cho các lập trình viên vững nghề từ 5-10 triệu đồng/tháng chưa kể hoa hồng.
Từ trải nghiệm bản thân, Cường cho rằng có 2 cách nghĩ cần điều chỉnh: Bạn trẻ quá an phận và ngại thử sức với cơ hội việc làm mới, quá hăng hái với những ý tưởng lập nghiệp mà chưa tính toán kỹ lưỡng các yếu tố. Chưa có dự định học lên hệ ĐH, Cường tâm sự: "Một số bạn trẻ cho rằng tốt nghiệp ĐH là đủ, không cần phấn đấu. Nhưng việc này chỉ mở ra cánh cửa đi tới đích thành công. Nếu chỉ dừng lại ở đó thì chưa ổn. Nếu trả lời tốt câu hỏi mình sẽ làm gì, thu nhập ra sao và tiếp tục như thế nào, con đường lập nghiệp của bạn trẻ sẽ mở rộng ra với nhiều lựa chọn học nghề, học hệ TC hoặc CĐ...".