Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cần làm tốt 6 nhiệm vụ chủ yếu

Tâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 12/1, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình dự Hội nghị triển khai công tác năm 2017 của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Phát biểu tại hội nghị, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Phó Thủ tướng Thường trực biểu dương và đánh giá cao những kết quả mà Học viện đã đạt được trong thời gian qua.

Để tiếp tục phát triển Học viện ngang tầm yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình mong muốn, Học viện tiếp tục củng cố vị thế của mình với tư cách là trung tâm quốc gia nghiên cứu hàng đầu về khoa học và lý luận chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, khoa học chính trị và một số ngành khoa học xã hội khác; với chức năng, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý cho toàn bộ hệ thống chính trị.
 Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai công tác năm 2017 của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: VGP/Lê Sơn
Là trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có sứ mệnh củng cố, phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng ta và giữ vững kim chỉ nam cho cách mạng Việt Nam trong quá trình đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế. Học viện cần ra sức góp phần cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn cho Đảng, Nhà nước trong hoạch định đường lối, chủ trương, chiến lược phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh trong nước, khu vực và trên thế giới chứa đầy thời cơ, thuận lợi và thách thức, khó khăn cùng tồn tại, đan xen và chuyển hóa lẫn nhau hết sức phức tạp hiện nay.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị trong năm 2017, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tập trung làm tốt một số nhiệm vụ chủ yếu.

Một là, tạo bước thay đổi mạnh mẽ, căn bản về chất lượng, hiệu quả tất cả các hoạt động của Học viện; xây dựng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đủ năng lực, phẩm chất, có tiềm năng trong nghiên cứu khoa học; khắc phục cơ bản tình trạng hẫng hụt cán bộ, đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học, bảo đảm sự phát triển liên tục và vững chắc giữa các thế hệ cán bộ, nhằm đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ được giao.

Hai là, đổi mới công tác quản lý, nghiên cứu khoa học theo hướng nghiên cứu đóng góp vào sự phát triển lý luận, cung cấp luận cứ khoa học cho việc xây dựng, hoàn thiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; nghiên cứu phục vụ nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; chú trọng cả nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng, kết chặt chẽ giữa lý thuyết với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn; góp phần nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ trong hệ thống chính trị.

Ba là, đổi mới căn bản chương trình, nội dung các hệ đào tạo, bồi dưỡng; đổi mới phương thức quản lý đào tạo, bồi dưỡng theo hướng bảo đảm chất lượng, hiệu quả; có quy mô đào tạo hợp lý; gắn kết giữa nâng cao kỹ năng phân tích, đánh giá, dự báo với xử lý tình huống thực tiễn.

Bốn là, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác hợp tác quốc tế.

Năm là, xây dựng cơ sở vật chất hiện đại.

Sáu là, chủ động khai thác các nguồn kinh phí phục vụ các mặt hoạt động của Học viện; thực hiện tốt các chế độ chính sách cho cán bộ công chức, viên chức và học viên; chấp hành đúng quy định của Nhà nước trong công tác quản lý tài chính, vật tư tài sản.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần