Hội đồng Bầu cử Quốc gia họp phiên thứ 3: Thống nhất thành lập 184 đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội trong cả nước

Vũ Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Chiều 3/3, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia chủ trì Phiên họp thứ 3 của Hội đồng, trong đó nhấn mạnh đến các nội dung cần khẩn trương triển khai trong thời gian tới.

Khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, thời gian đến ngày bầu cử không còn nhiều, khối lượng công việc lớn. Do đó, các cơ quan cần rất khẩn trương, thận trọng, tạo cơ sở chắc chắn để triển khai công tác lãnh đạo, chỉ đạo cuộc bầu cử trên phạm vi cả nước đạt được mục đích, yêu cầu, bảo đảm để Nhân dân, cử tri cả nước được tham gia ứng cử, bầu cử một cách dân chủ, công bằng theo đúng quy định của pháp luật. “Cuộc bầu cử sẽ được triển khai an toàn, tiết kiệm và trở thành ngày hội lớn của Nhân dân ta trong năm 2021”- Chủ tịch Quốc hội nói.
 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Phiên họp
Tại Phiên họp, Trưởng ban Công tác đại biểu, Phó trưởng Tiểu ban Nhân sự Trần Văn Túy cho biết: Sau Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất ở T.Ư, Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam đã kiến nghị Hội đồng Bầu cử quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giữ nguyên số lượng đại biểu khối MTTQ và các tổ chức thành viên như khóa XIV nhằm bảo đảm và phát huy vai trò đại diện của Nhân dân trong Quốc hội. Đồng thời, đề nghị tăng thêm tỷ lệ đại biểu là người ngoài Đảng để bảo đảm sự phù hợp giữa số lượng đảng viên và người ngoài Đảng; quan tâm lãnh đạo để bảo đảm số lượng nữ được giới thiệu ứng cử ít nhất trên 35% trên tổng số người ứng cử và quan tâm đến cơ cấu đại biểu Quốc hội đại diện cho khối doanh nghiệp, trí thức, nhà khoa học, tăng số lượng đại biểu dân tộc thiểu số được ứng cử đại biểu Quốc hội...
Tổng số người được Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất phân bổ giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV là 1.076 người (gồm cả T.Ư  và địa phương), đạt tỷ lệ bình quân 2,15 lần so với tổng số đại biểu dự kiến được bầu, nhưng tỷ lệ này không đồng đều giữa các tỉnh.
Về cơ cấu đại biểu HĐND các cấp, tổng số người được Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất phân bổ giới thiệu ứng cử là 7.656 người trên tổng số đại biểu được bầu theo luật định là 3.715 đại biểu, đạt tỷ lệ 2.06 lần trên tổng số đại biểu được bầu, nhiều nơi tỷ lệ cao nhưng một số nơi, tỷ lệ này còn thấp.
Về cơ cấu kết hợp trong số 7.656 người được phân bổ giới thiệu ứng cử, theo ông Trần Văn Túy: Nữ có 1.690 người, chiếm tỷ lệ 22,1%; người dân tộc thiểu số có 748 người, chiếm tỷ lệ 9,8%; người trẻ tuổi có 814 người, chiếm tỷ lệ 10,6%; người ngoài Đảng có 555 người, chiếm tỷ lệ 7,2%; dự kiến người tự ứng cử có 20 người.
  Trưởng ban Công tác đại biểu, Phó trưởng Tiểu ban Nhân sự Trần Văn Túy
Tại Phiên họp thứ 53 vừa qua, trên cơ sở đề nghị của Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam và các địa phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và thông qua Nghị quyết số 1226/NQ - UBTVQH14 điều chỉnh lần thứ nhất cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở T.Ư và địa phương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV. Trong đó xác định cơ cấu định hướng là cơ cấu khung để các tỉnh, TP làm căn cứ để giới thiệu người ứng cử gồm đại diện các ngành: Khoa học – công nghệ, lao động, thương binh – xã hội, giáo dục, y tế, văn hóa – nghệ thuật, đại diện chính quyền cơ sở... Trong cơ cấu này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhấn mạnh các địa phương cần quan tâm phân bổ hợp lý số người là nữ, người ngoài Đảng, dân tộc, trẻ tuổi và tự ứng cử. Việc lựa chọn nhân sự bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện như quy định của Luật theo hướng nâng cao chất lượng đại biểu và hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, TP.
Tại phiên họp, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết quy định về số đơn vị bầu cử, danh sách các đơn vị bầu cử và số lượng đại biểu Quốc hội ở mỗi đơn vị bầu cử trong cả nước. Theo đó, cả nước sẽ thành lập 184 đơn vị bầu cử. Nghị quyết sẽ được công bố trong ngày 4/3 theo đúng quy định của Luật.
Nhấn mạnh các đơn vị cần khẩn trương chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ về công tác bầu cử; đôn đốc chỉ đạo công tác tiếp nhận hồ sơ, chuẩn bị cho Hội nghị hiệp thương lần thứ hai để lập danh sách sơ bộ những người ứng cử, Chủ tịch Quốc hội Quốc hội đề nghị: Từng cơ quan chủ động lên kế hoạch để triển khai. Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng Bầu cử quốc gia phối hợp với Ủy ban T.Ư  MTTQ Việt Nam và các cơ quan có liên quan chủ động tiến hành kế hoạch giám sát, kiểm tra công tác bầu cử. 
Theo Chủ tịch Quốc hội, Ban Tổ chức T.Ư phối hợp với Ban Công tác đại biểu và Hội đồng Bầu cử quốc gia chuẩn bị danh sách người ứng cử thuộc diện Bộ Chính trị quản lý trình Bộ Chính trị, người ứng cử thuộc diện Ban Bí thư quản lý trình Ban Bí thư. Những người thuộc diện Đảng đoàn Quốc hội quản lý thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chuẩn bị và báo cáo Ban Bí thư để ra thông báo về nhân sự được giới thiệu ứng cử, chuẩn bị cho hội nghị hiệp thương theo đúng quy định của Luật. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, Tiểu ban Nhân sự tiếp nhận đơn xin ứng cử đại biểu Quốc hội của công dân, kịp thời xem xét, hướng dẫn theo đúng quy định của luật.

Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền; chuẩn bị bảo đảm an ninh trật tự, y tế phục vụ bầu cử. Sau phiên họp này, Ban Công tác đại biểu, Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia và các tổ giúp việc khẩn trương hoàn thiện các văn bản và nội dung công việc đã được phân công bảo đảm chất lượng và đúng tiến độ...