Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hội đồng bầu cử Quốc gia không nên là thiết chế thường xuyên

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 25/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc phiên họp thứ 35, thảo luận về các vấn đề lớn của Dự án Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, Dự án Luật Trưng cầu ý dân.

Hai hình thức cho vận động bầu cử

Hội đồng bầu cử Quốc gia - một thiết chế mới là một vấn đề các thành viên UBTV Quốc hội còn nhiều ý kiến tranh luận quanh Dự án Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển đề nghị: Không thành lập Hội đồng Bầu cử quốc gia như một thiết chế thường xuyên, vì chỉ hoạt động trong thời gian bầu cử; nếu cứ duy trì cả nhiệm kỳ 5 năm chỉ để phục vụ việc bầu cử bổ sung (rất hiếm khi xảy ra) là không phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính.
Theo chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, Dự án Luật Trưng cầu ý dân sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 và thông qua tại Kỳ họp thứ 10.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng yêu cầu Ban soạn thảo làm rõ khái niệm “chủ trì” và “tổ chức thực hiện” hoạt động bầu cử và cố gắng kế thừa những điểm tích cực của Luật cũ. Theo Chủ tịch Quốc hội, nên chọn phương án Hội đồng Bầu cử quốc gia chỉ được thành lập khi công bố ngày bầu cử và kết thúc nhiệm vụ sau khi Quốc hội xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội. Các thành viên của Hội đồng bầu cử quốc gia hoạt động kiêm nhiệm”.

Đối với quy định về các hình thức vận động bầu cử, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung các hình thức vận động bầu cử nhằm đa dạng hóa các hình thức vận động như: In, phát tờ rơi về chương trình hành động, người ứng cử tự mình vận động bầu cử, vận động bầu cử theo giới… Những quy định cụ thể về cơ cấu, thành phần và tỷ lệ phân bổ đại biểu là phụ nữ, người dân tộc thiểu số, đại biểu tái cử, người trẻ... đã được các thành viên UBTV Quốc hội đề nghị làm rõ ngay trong Luật, không nên quy định có “số lượng thích đáng” như hiện nay.

 
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc Phiên họp. Ảnh: TTXVN
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc Phiên họp. Ảnh: TTXVN
Riêng với quy định công dân Việt Nam bao gồm cả người Việt Nam ở nước ngoài vẫn còn giữ quốc tịch về nước được ghi tên vào danh sách cử tri và tham gia bầu cử, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng: Vấn đề này đã được nghiên cứu nghiêm túc. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc như việc lập danh sách cử tri, việc tổ chức cho người ứng cử tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử... Vì vậy, vấn đề này sẽ tiếp tục được xem xét trong thời gian tới và sẽ bổ sung vào luật khi đủ điều kiện.

Cần có Luật Trưng cầu ý dân

Chiều cùng ngày, cho ý kiến lần đầu tiên vào Dự án Luật Trưng cầu ý dân, phần lớn ý kiến UBTV Quốc hội cho rằng cần thiết phải có Luật này để thể hiện quyền dân chủ trực tiếp của người dân đối với các vấn đề quan trọng của đất nước trong từng thời điểm cụ thể. Theo nghiên cứu của Hội Luật gia Việt Nam (cơ quan soạn thảo), đến nay đã có 167/214 (khoảng 78%) quốc gia và vùng lãnh thổ có luật hoặc các quy định pháp lý về trưng cầu ý dân.

Dự Luật đã đưa ra những quy định về phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc trưng cầu ý dân, người có quyền biểu quyết trưng cầu ý dân, những vấn đề đề nghị trưng cầu ý dân, phạm vi trưng cầu ý dân... Trong đó, vấn đề được coi là đặc biệt quan trọng là xác định vấn đề nào phải đưa ra trưng cầu ý dân vẫn có những quan điểm khác nhau. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nhận định: “Dự Luật chỉ nên quy định khái quát, nguyên tắc những vấn đề có thể được đưa ra trưng cầu ý dân, đó là: Những vấn đề quan trọng về sửa đổi, bổ sung Hiến pháp; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân... Căn cứ vào đó, tùy theo yêu cầu, điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, Quốc hội quyết định tổ chức trưng cầu ý dân đối với từng vấn đề cụ thể”. Nhưng Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu lại cho rằng, nếu quy định như thế thì quá chung chung, phạm vi rộng, rất khó thực hiện. Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai góp ý: Phải làm rõ các điều kiện để đưa ra quyết định việc trưng cầu ý dân (như những vấn đề có xung đột, có cuộc tranh luận không quyết định được…); đồng thời đề nghị cơ quan soạn thảo phải đánh giá tác động khi triển khai Luật này trong thực tế.

Về kết quả trưng cầu ý dân, Dự Luật xây dựng trên cơ sở kết quả cuộc trưng cầu ý dân có giá trị quyết định và phải đảm bảo số lượng cử tri nhất định theo công thức “quá bán kép”, cụ thể là: “Cuộc trưng cầu ý dân hợp lệ phải được quá nửa tổng số cử tri có tên trong danh sách cử tri đi bỏ phiếu. Phương án trưng cầu ý dân được quá nửa số phiếu hợp lệ tán thành được công bố để thi hành”. Đây cũng là nội dung nhiều thành viên UBTV Quốc hội đề nghị nên xem xét, cân nhắc kỹ càng để đảm bảo tính xác thực và khách quan của trưng cầu dân ý.

Cùng ngày, UBTV Quốc hội cho ý kiến Dự thảo kế hoạch tổ chức xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Tổ chức Quốc hội.