Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hội nghị APPF-26: Phiên họp toàn thể đầu tiên về an ninh và chính trị

D. Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 19/1, tiếp tục các hoạt động của Hội nghị thường niên lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF-26), phiên họp toàn thể đầu tiên về các vấn đề chính trị và an ninh đã diễn ra với sự tham dự đông đảo của các đại biểu đến từ các nghị viện thành viên.

Phát biểu đề dẫn tại Phiên họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Trưởng ban Tổ chức APPF-26 khẳng định, hiện nay, châu Á - Thái Bình Dương đã trở thành khu vực đi đầu trong tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu. Đây là thành quả của những nỗ lực hợp tác đa phương, trong đó APPF là một cơ chế có nhiều đóng góp quan trọng.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì Phiên họp toàn thể thứ nhất APPF-26.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho biết, Hội nghị diễn ra vào thời điểm thế giới đang chứng kiến những chuyển biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, có ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định ở nhiều khu vực trên thế giới. Người dân ở mỗi nước trong khu vực đều kỳ vọng ở các nghị sĩ, những người đại diện chân chính cho nhân dân có những đóng góp thiết thực vào việc bảo đảm một môi trường hòa bình và ổn định, thuận lợi cho việc tập trung các nỗ lực để phát triển kinh tế - xã hội, sự bình an của đất nước, góp phần thúc đẩy hợp tác quốc tế.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, trong Phiên toàn thể đầu tiên, các đại biểu tập trung thảo luận về vai trò của ngoại giao nghị viện trong việc xử lý các thách thức về hòa bình, an ninh và thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới, cũng như về phòng chống khủng bố quốc tế và tội phạm xuyên quốc gia.
Kể từ sau Hội nghị APPF - 25 tại Fiji, năm vừa qua là một năm đầy thách thức đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương và toàn thế giới. Tình hình khu vực và quốc tế tiếp tục diễn biến nhanh và phức tạp hơn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự ổn định và phát triển của nhiều quốc gia thành viên. Các thách thức lớn do các thành viên nêu ra tại Hội nghị năm 2017 vẫn chưa có giải pháp bàn bạc thống nhất, triệt để.
Mặt khác, sau hơn một thập niên kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu, kinh tế thế giới tuy tiếp tục phục hồi nhưng tốc độ tăng trưởng vẫn chưa đạt mức trước khủng hoảng. Chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa bảo hộ có xu hướng gia tăng. Liên kết kinh tế ở các khu vực bị chậm lại. Cuộc cách mạng công nghiệp thế hệ mới đã đem lại hy vọng về năng suất lao động cao hơn, nhưng nảy sinh nhiều quan ngại về hệ lụy của tiến trình chuyển đổi, sự phân bổ không đồng đều các thành quả của tăng trưởng kinh tế và toàn cầu hóa.
Những vấn đề này đòi hỏi những giải pháp ở cấp độ quốc gia, khu vực, quốc tế và có sự phối hợp đa tầng nấc, trong đó có sự tham gia tích cực của các nghị sĩ, những người hoạch định chính sách và nhà lập pháp các của các quốc gia. “Sau 25 năm hình thành và phát triển, đây là lúc để APPF tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò và tham gia đóng góp duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh.
APPF cũng cần đóng vai trò theo chức năng của mình nhằm thúc đẩy hơn nữa hợp tác quốc tế dựa trên luật pháp quốc tế. Những thỏa thuận lịch sử đã đạt được như Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu thể hiện tầm nhìn toàn cầu, gắn kết và đổi mới vì một thế giới tốt đẹp hơn, là nền tảng tạo ra những cơ hội hợp tác giữa các quốc gia, đồng thời nâng cao vị thế khu vực. Các thỏa thuận này, không chỉ giúp giải quyết các thách thức toàn cầu về phát triển và bảo vệ môi trường, mà cũng giúp giảm nguy cơ xung đột.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu đề dẫn tại Phiên họp.
Do vậy, các Nghị viện cần thúc đẩy ban hành chính sách, phân bổ nguồn lực, giám sát việc thực hiện tích cực, hiệu quả các thỏa thuận đa phương quan trọng ở cấp độ toàn cầu và khu vực. Đồng thời, phối hợp với các Chính phủ thúc đẩy hợp tác hiệu quả hơn nhằm ứng phó không chỉ với các thách thức truyền thống mà cả phi truyền thống, nhất là không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, chống chủ nghĩa khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, bảo đảm an ninh nguồn nước, an ninh lương thực và năng lượng, thúc đẩy an ninh, an toàn hàng hải và an ninh mạng.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, châu Á - Thái Bình Dương cần tiếp tục đóng vai trò đi đầu trong việc duy trì hòa bình, ổn định khu vực và thế giới, thúc đẩy đối thoại, hợp tác, xây dựng lòng tin, tuân thủ luật pháp quốc tế và các chuẩn mực chung. Ngoại giao Nghị viện và đặc biệt là những hoạt động của APPF đóng vai trò không thể thiếu trong việc hợp tác, thúc đẩy xây dựng khuôn phổ pháp lý, quyết định và giám sát thực hiện các cam kết quốc tế của chính phủ.
Phát biểu tại Phiên thảo luận, nguyên Chủ tịch IPU Saber Chowdhury đánh giá, những vấn đề đưa ra thảo luận tại Hội nghị là những vấn đề rất quan trọng đối với các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Các nghị sĩ là những người được người dân bầu ra, đại diện cho người dân của nước mình, vì vậy có trách nhiệm lên tiếng và bảo vệ lợi ích cho người dân.
Ông Saber Chowdhury cũng lưu ý, các nghị sĩ trong khu vực có những quan điểm khác nhau, chính vì vậy cần thông qua đối thoại để tìm tiếng nói chung, chia sẻ mối quan tâm chung cũng như thách thức chung mà tất cả cần tìm hướng giải quyết... Theo ông Saber Chowdhury cho rằng, mặc dù các nước trong khu vực đã chứng kiến những thành tựu tốt đẹp mà khu vực đạt được trong thời gian qua, nhưng điều đó không có nghĩa rằng không có những thách thức. Châu Á - Thái Bình Dương là một khu vực rất đa dạng và đấy chính là một thách thức. Vì vậy, các nước trong khu vực đang phấn đấu nhằm đạt được sự đa dạng trong hoà bình, ổn định; đạt được sự hòa hợp trong khu vực.