Nhận lời mời của Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono, hôm qua (16/11) Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã dẫn đầu Đoàn Việt Nam sang Indonesia tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 19 và các Cấp cao liên quan bao gồm Cấp cao ASEAN + 3, cấp cao Đông Á (EAS) và các Cấp cao ASEAN + 1 với các đối tác (gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Mỹ và Liên Hợp quốc) được tổ chức từ ngày 17 đến 19/11. Tiếp tục chủ đề "Cộng đồng ASEAN trong một cộng đồng các quốc gia toàn cầu", các hội nghị lần này sẽ kiểm điểm việc triển khai các kết quả đạt được kể từ sau Hội nghị Cấp cao ASEAN 18; bàn các biện pháp đẩy mạnh xây dựng Cộng đồng ASEAN, phát huy hơn nữa vai trò quốc tế của ASEAN, củng cố vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực và duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực. Cũng nhân dịp này, các nhà lãnh đạo ASEAN và các đối tác sẽ thảo luận phương hướng nhằm tăng cường hơn nữa hợp tác giữa ASEAN với các đối tác cũng như trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Nhân dịp này, các nhà lãnh đạo ASEAN và một số đối tác sẽ ký Tuyên bố Cộng đồng ASEAN trong Cộng đồng các quốc gia toàn cầu; và thông qua một số văn kiện quan trọng định hướng hợp tác ASEAN, trong đó có Khuôn khổ ASEAN về phát triển kinh tế đồng đều…
Trong một diễn biến khác, theo thông cáo do Bộ Ngoại giao Indonesia ra ngày 16/11, các ngoại trưởng các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã nhất trí về Hiệp ước Khu vực phi vũ khí hạt nhân Đông Nam Á (SEANWFZ). Thông cáo cho biết thêm Nhóm P-5 gồm năm nước sở hữu vũ khí hạt nhân là Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc cũng đã nhất trí thiết lập SEANWFZ. Tổng Vụ trưởng Vụ Hợp tác ASEAN của Bộ Ngoại giao Indonesia Djauhari Oratmangun nêu rõ: "Đã có một thỏa thuận và sẽ không diễn ra thêm cuộc đàm phán nào.... Việc các ngoại trưởng thông qua SEANWFZ đánh dấu một bước tiến lớn và có thể bắt đầu hướng tới việc các nước thuộc Nhóm P-5 ký Hiệp ước SEANWFZ".
Biển Đông cực kỳ quan trọng với thương mại toàn cầu
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn hãng truyền thông quốc gia Australia (ABC) tại Bali ngày 16/11, Tổng Thư ký ASEAN Surin Pitsuwan nói rằng, mặc dù tình hình tại Biển Đông khá căng thẳng, song ông vẫn tin Trung Quốc và các nước ASEAN có thể làm việc với nhau để giải quyết tranh chấp kéo dài đã lâu tại Biển Đông, khu vực cực kỳ quan trọng đối với thương mại toàn cầu.
Ông Surin Pitsuwan cho hay các ngoại trưởng ASEAN sẽ thảo luận về Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) có tính ràng buộc pháp lý liên quan việc điều hành các hoạt động tại khu vực biển này. Theo ông Pitsuwan, trong vấn đề tranh chấp tại Biển Đông, điều quan trọng là các nước liên quan đã có thể ngồi nói chuyện với nhau. Theo ABC, một trong những vấn đề liên quan tới Biển Đông là vấn đề pháp lý. Cho đến nay, Tuyên bố về Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) ký năm 2002 vẫn chưa được thực thi vì thiếu những quy định cụ thể. Trả lời phỏng vấn ABC, Giáo sư luật Donald Rothwell thuộc Đại học Quốc gia Australia (ANU) nhận xét cần phải có một văn kiện có tính ràng buộc về mặt pháp lý để các bên liên quan bắt buộc phải thực thi nghĩa vụ của mình.