Cùng chủ trì hội nghị còn có Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc và Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn.
Tại hội nghị, thay mặt Ban cán sự Đảng UBND TP, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng đã trình bày Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 31/5/2017 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo” và Dự thảo kế hoạch thực hiện Nghị quyết của UBND TP; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng báo cáo về công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn TP 6 tháng đầu năm 2017, thực trạng và giải pháp thực hiện; Giám đốc Công an TP Hà Nội Đoàn Duy Khương báo cáo tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, văn minh đô thị trên địa bàn TP.
Sau phần báo cáo, tại các điểm cầu, lãnh đạo các quận, huyện, thị xã, sở ngành đã tham gia thảo luận về các nội dung báo cáo.
Chất lượng môi trường một số nơi của Hà Nội chuyển biến rõ rệt
Quán triệt Nghị quyết số 11-NQ/TU về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo và Dự thảo Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TU của UBND TP, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng nêu rõ, phấn đấu từ nay đến năm 2020, tỷ lệ rác thải sinh hoạt được thu gom, xử lý khu vực đô thị đạt 100%, khu vực nông thôn đạt 95 - 100%. Giảm tỷ lệ chôn lấp rác thải còn 30%, tăng tỷ lệ rác thải được tái chế theo công nghệ tiên tiến hiện đại. Phấn đấu thu gom 100%, xử lý 80% chất thải rắn công nghiệp trong đó 100% chất thải công nghiệp nguy hại và chất thải y tế phải được thu gom, xử lý, 100% phế thải xây dựng được thu gom tập kết đúng nơi quy định.
|
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng quán triệt Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 31/5/2017 của Ban Thường vụ Thành ủy. |
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng cho biết, những năm qua, nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường, bám sát chỉ đạo của Trung ương, các cấp, các ngành TP đã tăng cường tuyên truyền, chủ động triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án nhằm bảo vệ, cải tạo môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu phù hợp với điều kiện thực tiễn và tình hình phát triển kinh tế - xã hội.
Nhiều dự án áp dụng công nghệ tiên tiến đã được quan tâm triển khai về xử lý nước thải, chất thải rắn, chất thải y tế, chất thải tại các làng nghề; tích cực cải tạo, nạo vét, xử lý ô nhiễm môi trường nước tại các hồ trên địa bàn; đầu tư xây dựng các bãi đỏ phế liệu xây dựng… Các phong trào bảo vệ môi trường xanh-sạch-đẹp ngày càng thu hút được đông đảo tầng lớp Nhân dân hưởng ứng, tham gia...
Công tác quản lý Nhà nước, thanh tra, kiểm tra, giám sát, thực hiện Luật bảo vệ môi trường và xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường được tăng cường. Một số vấn đề bức xúc, điểm nóng về môi trường được tập trung chỉ đạo giải quyết có hiệu quả. Do đó, chất lượng môi trường Thủ đô Hà Nội đã có bước cải thiện, một số nơi có chuyển biến rõ rệt; các cấp ủy, chính quyền các cấp đã thực hiện nhiều biện pháp để hạn chế ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số mặt hiệu quả chưa như mong đợi. Cụ thể là tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm môi trường nước, không khí chưa được kiểm soát chặt chẽ, ảnh hưởng xấu đến môi trường sống và sinh thái của Thủ đô. Việc xử lý nước thải, rác thải tại một số khu công nghiệp, khu đô thị và khu vực nông thôn, làng nghề chưa hiệu quả; các dự án đầu tư xử lý rác thải còn chậm tiến độ; tình trạng đổ rác thải thải phế thải không đúng nơi quy định vẫn xảy ra làm mất mỹ quan đô thị.Nguyên nhân là do TP đang trong quá trình đô thị hóa nhanh, quy mô đô thị mở rộng phát triển mạnh, áp lực về gia tăng dân số và các phương tiện giao thông ngày càng lớn dẫn đến tình trạng quá tải về hạ tầng cơ sở; Hệ thống văn bản pháp luật về lĩnh vực còn bất cập, chồng chéo trong việc phân định trách nhiệm pháp lý giữa các cơ quan quản lý nhà nước. Việc phát hiện các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường chưa kịp thời, xử lý chưa nghiêm;... Cấp Giấy chứng nhận sử dụng đất lần đầu đạt hơn 97%
Theo báo cáo của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng tại hội nghị giao ban trực tuyến của TP quý II/2017, thời gian qua, TP đã thực hiện cấp Giấy chứng nhận lần đầu cho các hộ gia đình, cá nhân trong khu dân cư là 1.497.972 thửa/1.551.951 thửa, đạt 96,52%, ước đến 30/6/2017 đạt hơn 97%. Trong đó, TP đã cấp GCN được 1.312.206 thửa/1.355.510 thửa (đã kê khai, đủ điều kiện cấp GCN), đạt 96,80%; đã cấp Giấy xác nhận đăng ký đất đai lần đầu được 185.776 thửa/196.441 thửa, đạt 94,60%. Ước thực hiện đến 30/6/2017: Cấp GCN được 1.320.206 thửa/1.355.510 thửa (đã kê khai, đủ điều kiện cấp GCN), đạt 97,40%; cấp Giấy xác nhận đăng ký đất đai lần đầu được 196.441 thửa/196.441 thửa, đạt 100%.
|
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng trình bày báo cáo về công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn TP 6 tháng đầu năm 2017. |
Tại dự án phát triển nhà ở, TP Hà Nội cũng đã cấp Giấy chứng nhận cho 149.012 căn/178.278 căn (Chủ đầu tư đã xây dựng xong và đã lập hồ sơ trình Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định, đạt 83,58%, còn 29.266 căn hộ đang tiếp tục triển khai cấp Giấy chứng nhận). Ước thực hiện đến 30/6/2017 sẽ hoàn thành cấp Giấy chứng nhận cho 150.012 căn/178.278 căn, đạt 84,14%.
Đối với nhà tái định cư, TP cũng đã thực hiện cấp Giấy chứng nhận cho 11.380 căn/14.027 căn (đã có Quyết định bán nhà), đạt 81,13%. Ước thực hiện đến 30/6/2017 sẽ cấp Giấy chứng nhận cho 11.400 căn/14.027 căn (đã có Quyết định bán nhà), đạt 81,27%.
Với đất dồn điền đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp, TP cũng đã cấp Giấy chứng nhận cho các hộ gia đình, cá nhân được 611.210/625.257 Giấy chứng nhận (đạt 98%). Ước thực hiện đến 30/6/2017: Cấp Giấy chứng nhận được 611.210/625.257 Giấy chứng nhận (đạt 98%);...
Mặc dù kết quả cấp Giấy chứng nhận lần đầu trên địa bàn TP đạt tỷ lệ cao và đã cơ bản hoàn thành chỉ tiêu theo yêu cầu của Quốc hội và Chính phủ đề ra. Tuy nhiên, việc cấp Giấy chứng nhận cho một số loại đất trên địa bàn TP Hà Nội còn chưa đạt kế hoạch đề ra; Công tác đăng ký, kê khai đất đai, cấp Giấy xác nhận đăng ký đất đai tiến độ chưa đạt mục tiêu đề ra, nhiều quận, huyện hiện nay đang ở bước tiếp tục tiếp nhận và xử lý đơn đăng ký, kê khai của người dân; công tác bán nhà cho người mua nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước còn chậm; công tác quản lý, thống kê, theo dõi đối với quỹ nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước hạn chế, đến nay một số cơ quan tự quản của Trung ương và Hà Nội chưa bàn giao cho Sở Xây dựng quản lý; việc cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân sau dồn điền đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp chưa dứt điểm; Công tác cấp Giấy chứng nhận cho các cơ sở tôn giáo kết quả đạt thấp; vẫn còn tình trạng tồn đọng hồ sơ chưa được giải quyết kịp thời.
Nguyên nhân được xác định là do nhiều trường hợp người sử dụng đất không có tiền nộp nghĩa vụ tài chính (tiền sử dụng đất phải nộp theo quy định để được cấp Giấy chứng nhận), không muốn ghi nợ tiền sử dụng đất trên Giấy chứng nhận. Cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính của TP chưa hoàn thiện, nhiều nơi chưa có bản đồ; Bản đồ địa chính toàn TP đến nay chỉ có 3 huyện và 17 phường; một số bản đồ chưa được cập nhật, chỉnh lý thường xuyên, ảnh hưởng đến việc kê khai, cấp Giấy chứng nhận;...
Trật tự đô thị tại 12 quận có nhiều chuyển biến tích cực
Cũng tại hội nghị, Thiếu tướng Đoàn Duy Khương - Giám đốc Công an TP Hà Nội, Trưởng Ban chỉ đạo 197 TP cho biết, kết quả công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, văn minh đô thị tại 12 quận đã có nhiều chuyển biến tích cực.
|
Giám đốc Công an TP Hà Nội Đoàn Duy Khương báo cáo tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, văn minh đô thị trên địa bàn TP. |
Theo Thiếu tướng Đoàn Duy Khương, bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thành ủy và HĐND, UBND TP đã giao Ban chỉ đạo 197 TP chủ động trong công tác tham mưu và chỉ đạo điều hành đồng thời thực hiện nhiều giải pháp, giải pháp mới, các chuyên đề chuyên sâu nhằm nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo TTATGT, TTĐT, VMĐT trên địa bàn TP. Đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, coi đây là giải pháp trọng tâm để tạo chuyển biến rõ nét ý thức trách nhiệm của cán bộ thực thi, nâng cao nhận thức ý thức chấp hành pháp luật và sự đồng tình của Nhân dân về TTĐT, ATGT.
Kết quả, sau 3 tháng tổ chức thực hiện, tình hình TTATGT, TTĐT trên địa bàn TP, nhất là tại 12 quận đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tình trạng chiếm dụng lòng đường, hè phố để kinh doanh, buôn bán, trông giữ phương tiện đã giảm rõ rệt. Việc sắp xếp phương tiện đã cơ bản gọn gàng đúng quy định; đa phần các hộ kinh doanh không còn bày hàng hóa ra hè phố, lòng đường; các bục bệ, mái che, mái vẩy vi phạm hành lang ATGT, gây mất mỹ quan đô thị đã được người dân và các lực lượng chức năng phá dỡ đảm bảo đường thông hè thoáng; biển hiệu quảng cáo đồng bộ được treo đặt với kích thước khung bằng nhựa, trật tự xây dựng, vệ sinh môi trường được đảm bảo tạo nên bộ mặt đô thị văn minh trật tự hơn.
Ban chỉ đạo 197 đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tổ chức điều tra cơ bản, rà soát, lập danh sách các vi phạm trên tuyến, tập trung vào các vi phạm lớn, các điểm "boogke" tồn tại trong nhiều năm qua chưa giải quyết, các tụ điểm chợ cóc, chợ tạm từ đó đề ra phương án, biện pháp giải quyết triệt để, có hiệu quả và không để tái phạm.
Trong 1.200 điểm trông giữ phương tiện được Công an TP đã rà soát, thống kê thì có 499 điểm trông giữ phương tiện không phép; các điểm đỗ để xe trước cửa cơ quan, DN không tổ chức trông giữ là 493 điểm; các điểm vi phạm trật tự đô thị là 1.850 điểm; các điểm kinh doanh hoạt động sau 24h là 601 điểm. Cơ quan chức năng cũng đã lập kiểm tra, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với 12 tổ chức, cá nhân với số tiền là hơn 350 triệu đồng.
|
Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Trọng Đông phát biểu ý kiến tại hội nghị. |
Phối hợp với các cơ quan chức năng rà soát, giải toả tụ điểm chợ có trên địa bàn TP. Cụ thể, thống kê được 213 chợ tạm, chợ cóc, trong đó có 64 chợ tạm và 149 tụ điểm chợ cóc, gồm 77 chợ hoạt động dưới lòng đường, 46 chợ hoạt động trên vỉa hè, 47 chợ hoạt động trong ngõ, 17 chợ hoạt động trong các khu tập thể và 26 chợ hoạt dộng tại khu đất công cộng; phối hợp với chính quyền các địa phương, lực lượng chức năng sắp xếp cơ bản không để 26 chợ trên các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ vi phạm lấn chiếm hành lang ATGT đường bộ.
Vẫn còn ý kiến của người dân về nhũng nhiễu trong việc trả sổ đỏ
Sau khi nghe ý kiến của các sở ngành, quận huyện về những mặt làm được, những việc còn tồn tại trong 3 lĩnh vực cấp bách của TP, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải thay mặt Thành ủy tiếp thu các ý kiến tại hội nghị. Đồng thời, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đề nghị lãnh đạo các quận, huyện chưa có điều kiện phát biểu, tập hợp các ý kiến bằng văn bản gửi về TP để xem xét tiếp tục có các giải pháp tháo gỡ.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, với nhận thức về tầm quan trọng chiến lược của môi trường đối với phát triển Thủ đô, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Nghị quyết 11 và Ban cán sự Đảng của UBND TP đã xây dựng dự thảo kế hoạch để triển khai. Đây là nội dung đã triển khai làm nhiều năm, tuy nhiên điều mới là chúng ta phải có quyết tâm chiến lược và huy động hệ thống để thực hiện một cách quyết liệt hơn. Mục tiêu đến năm 2020 phải đảm bảo tỷ lệ đô thị hóa 60%, đây là tốc độ lớn do đó áp lực đối với môi trường ngày càng gia tăng.
|
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu kết luận Hội nghị. Ảnh: Thanh Hải. |
Để đưa Nghị quyết này vào cuộc sống, thực sự môi trường được cải tạo, Hà Nội là nơi đáng sống cho người dân và du khách, từng cấp ủy, cơ quan đơn vị sở ngành phải xây dựng kế hoạch để tổ chức thực hiện một cách phù hợp với yêu cầu. Trong đó, tập trung vào 3 nhiệm vụ chủ yếu gồm: Bảo vệ môi trường nước mặt để sử dụng bền vững tài nguyên nước; Tiếp tục quản lý tốt nguồn xả thải, xử lý nghiêm các trường hợp xả thải gây ô nhiễm môi trường, yêu cầu các cơ sở vi phạm phải đưa ra được thời gian xử lý nguồn nước thải; Quản lý có hiệu quả về chất thải nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt. Đặc biệt, cần kiểm soát rất chặt các công trường, dự án xây dựng. Quy chế, quy định, Nghị định đã có đầy đủ nhưng thực thực tế vẫn tồn tại công trường xây dựng, xe ra vào không đảm bảo quy định. Đây là trách nhiệm của lực lượng công an, trật tự đô thị…
Các cấp ủy Đảng, chính quyền phải tập trung 4 giải pháp đã được nêu trong Nghị quyết. Trong đó, chú trọng vấn đề phân công, phân nhiệm rõ ràng và tiến độ gian thực hiện. Hệ thống Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội tăng cường tuyên truyền vận động người dân tham gia vào bảo vệ môi trường. Đồng thời, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm nhằm để làm sao mục tiêu xây dựng nếp văn hóa đô thị, nếp văn hóa văn minh, nếp văn hóa môi trường phải đi sâu vào ý thức cán bộ, ý thức người dân. Có làm được như vậy thì công tác bảo vệ mới thực hiện được thành công bền vững còn nếu không sẽ là phong trào chỉ sạch được mấy hôm sẽ trôi đi.
Về vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà và tài sản sau khi triển khai Nghị quyết 09 của Thành ủy được 10 tháng thì kết quả cao. Hiện đã đạt 98% cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền đổi thửa; hơn 97% cấp giấy quyền sử dụng đất lần đầu và 95% đối với đăng ký kê khai. Có được kết quả này nhờ vào sự vào cuộc có trách nhiệm của lãnh đạo các quận, huyện, sở ngành… Kết quả này đã tạo được sự tin tưởng, khen ngợi của Nhân dân. Tuy nhiên vẫn còn những ý kiến của người dân về những nhũng nhiễu trong việc trả sổ đỏ cho dân khi người dân chưa có tiền để nộp. "Do vậy, lãnh đạo các đơn vị chức năng cần tiếp tục tháo gỡ, tăng cường công tác thanh kiểm tra, số lượng còn lại là ít nhưng lại là phần khó đòi hỏi lãnh đạo các đơn vị hết sức quyết liệt vào cuộc giải quyết", Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải nhấn mạnh.
|
Phó Bí thư Thành ủy - Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu tại hội nghị. |
Về công tác đảm bảo ATGT, TTĐT, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh: "TP đã có chuyển biến tích cực do có sự vào cuộc tích cực của các lực lượng. Tuy nhiên, nỗi lo của tất cả chúng ta đã xuất hiện. Vẫn còn nơi buông lỏng quản lý, vẫn còn cán bộ quận huyện, xã phường ngồi trong phòng, không đi kiểm tra, việc tái lấn chiếm vi phạm nhưng vẫn coi như không phải trách nhiệm của mình. Việc lấy vỉa hè là để cho người đi bộ nên khi vỉa hè không đủ diện tích cho người đi bộ thì sẽ kiên quyết không cho để xe máy. Trước đây quy định định để 1m cho người đi bộ, bây giờ phải bàn lại rồi ra văn bản hướng dẫn cho nhất quán".
Về xử lý trật tự xây dựng đô thị, cần kiên quyết xử lý. Cơ quan công an TP cần đẩy mạnh tiến độ điều tra 18 dự án vi phạm. Hiện, còn 243 trường hợp vi phạm năm 2015, năm 2016 còn 387 công trình còn tồn lại đến nay. Điều này cho thấy tình trạng vi phạm trật tự xây dựng đô thị thị đến nay chưa giảm, do đó có thể thấy chưa được xử lý nghiêm. Nếu buôn lỏng các trường hợp này sẽ ngày càng tăng.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đề nghị Bí thư các quận, huyện, thị ủy lên kế hoạch chỉ đạo UBND cùng cấp xử lý nghiêm, không để phát sinh trường hợp vi phạm trật tự xây dựng mới. Ban chỉ đạo 197 tăng cường công tác giao ban kiểm tra, xử lý các vi phạm…