Hà Nội thống nhất chủ đề năm 2022 là “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”

Thủy Tiên - Hồng Thái - Ảnh: Thanh Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Sáng nay, 1/12, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVII bước sang ngày làm việc thứ hai. Thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy, các Phó Bí thư Thành ủy đã báo cáo, giải trình, làm rõ những vấn đề đại biểu nêu liên quan đến các tờ trình, dự thảo nghị quyết, chỉ thị. Hội nghị cũng thống nhất tiếp tục thực hiện chủ đề công tác năm 2022 là năm “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”.

Lựa chọn hướng đi đúng, phù hợp với xu thế
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết: Phiên thảo luận của hội nghị đã có 89 lượt ý kiến đại biểu tại 4 tổ tham gia ý kiến vào 6 nội dung quan trọng. Qua tổng hợp cho thấy, các đại biểu đã đóng góp các ý kiến sâu sắc, xác đáng, toàn diện với tinh thần trách nhiệm cao; thống nhất cáo với các báo cáo, tờ trình trình hội nghị lần này, đồng thời đã có những đóng góp sâu sắc đối với các vấn đề cụ thể. Thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch UBND TP tiếp thu và lĩnh hội các ý kiến đóng góp để tổ chức thực hiện trong thời gian tới.
 Quang cảnh hội nghị. 
Chủ tịch UBND TP cũng làm rõ thêm một số nội dung về điều tiết tiền sử dụng đất; định mức phân bổ ngân sách theo nhiệm vụ chi thực hiện các đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn; định mức phân bổ nhiệm vụ chi đối với công tác dân số; kinh phí khoán xe ô tô tại các quận, huyện, thị xã; nguồn cải cách tiền lương;…
 Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh phát biểu giải trình, tiếp thu ý kiến của các đại biểu. 
Chủ tịch UBND TP cũng thông tin, trong 2 tháng cuối năm, Ban Cán sự Đảng UBND TP sẽ rà soát tình hình triển khai để có giải pháp quyết liệt để nâng tỷ lệ giải ngân cao nhất. Trong kế hoạch năm 2022 đối với nhiệm vụ chi, TP sẽ dành nguồn lực nhiều hơn cho công tác văn hóa, y tế, giáo dục. Trong đó, tập trung tu bổ, tôn tạo các di tích. TP cũng đề nghị các đơn vị đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư để TP có bố trí vốn. TP ưu tiên cho các quận huyện làm chủ dự án đầu tư công từ ngân sách TP trong kế hoạch năm 2022. Cùng với đó, TP sẽ tập trung tăng cường cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu; tăng cường kinh tế số, chuyển đổi số trong tất cả các lĩnh vực.
Xác định 6 lĩnh vực trọng điểm liên quan công nghiệp văn hoá
Giải trình về các vấn đề liên quan đến dự thảo Nghị quyết của Thành ủy về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, đã có 32 lượt ý kiến làm rõ hơn cơ sở lý luận và nội hàm khái niệm công nghiệp văn hóa; góp ý vào các mục tiêu và bổ sung, làm rõ, nhấn mạnh hơn xoay quanh 8 nhóm nhiệm vụ giải pháp, tổ chức thực hiện.
 Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong phát biểu giải trình.
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, công nghiệp văn hóa dựa trên nền tảng là văn hóa, khoa học, công nghệ và yếu tố sáng tạo. Đây được coi là ngành mới có giá trị gia tăng đem lại phát triển bền vững. Chính vì vậy, phát triển văn hóa sẽ gắn kết với phát triển kinh tế, qua đó giúp bảo tồn, phát triển được các giá trị văn hóa truyền thống.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, việc ban hành Nghị quyết nhằm phát triển công nghiệp văn hóa không chỉ phù hợp với xu thế chung của thế giới mà còn giúp gắn kết văn hóa với kinh tế, bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, bảo đảm an sinh xã hội; hiện thực hóa chuyển đổi số và ứng dụng những thành tựu mới nhất từ cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tăng cường giới thiệu quảng bá, xuất khẩu sản phẩm văn hóa...
Theo Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, có 12 ngành liên quan đến công nghiệp văn hóa như: Quảng cáo, kiến trúc, phần mềm và các trò chơi giải trí, thủ công mỹ nghệ, điện ảnh, thời trang, nhiếp ảnh và triển lãm, truyền hình, phát thanh... Qua điều tra khảo sát, tạm tính năm 2018, các ngành công nghiệp văn hóa của Hà Nội đóng góp giá trị khoảng 1,49 tỷ USD, tương đương 3,7% GRDP. Tuy nhiên, giá trị này còn chưa thống kê được đóng góp của các làng nghề trên địa bàn thành phố, nên chỉ tiêu đến năm 2025, công nghiệp văn hóa đóng góp 4-5% là phù hợp và có tính khả thi.

Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Phong khẳng định, cứ đóng góp 1% GRDP thì tương đương với 0,5% lực lượng lao động; nên phát triển công nghiệp văn hóa mở ra nhiều triển vọng. Mặc dù có 12 ngành liên quan đến công nghiệp văn hóa, nhưng thành phố tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào 6 ngành, lĩnh vực để trở thành kinh tế mũi nhọn, đó là: Du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, phần mềm và trò chơi giải trí, thiết kế sáng tạo, ẩm thực và thủ công mỹ nghệ.

“Nghị quyết này hoàn toàn có tính khả thi. Bất kỳ địa phương nào của thành phố cũng có lợi thế và hoàn toàn tổ chức thực hiện được. Quan trọng là cách làm, bước đi như thế nào”, Phó Bí thư Thành ủy nhìn nhận. Đồng thời cho biết, để triển khai có hiệu quả Nghị quyết, thành phố sẽ lựa chọn hướng đi đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển nhằm triển khai thực hiện nghiêm những chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra mới đây.

Tập trung vào vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu
Giải trình về các vấn đề liên quan đến dự thảo 2 Chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy về quy hoạch, xây dựng và quản lý đất đai, khoáng sản giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, có 33 ý kiến thảo luận với 18 nhóm nội dung tập trung vào 8 nhóm vấn đề.
 Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu tại hội nghị.
Chủ tịch HĐND TP cũng đánh giá cao vai trò giám sát của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội. Đồng thời khẳng định, thành phố sẽ tiếp tục nỗ lực rà soát lại các cơ chế, chính sách để có những điều chỉnh phù hợp.
Phát biểu giải trình, tiếp thu ý kiến thảo luận tại tổ về Kế hoạch công tác kiểm tra, giám sát năm 2022 của Thành ủy, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cho biết, trong năm 2022, Thành ủy sẽ triển khai một số cuộc kiểm tra quan trọng nhằm thực hiện Chương trình số 01-CTr/TU về “Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị thành phố trong sạch, vững mạnh, đẩy mạnh cải cách hành chính giai đoạn 2021-2025”.
Nhấn mạnh việc kế hoạch kiểm tra, giám sát lĩnh vực này sẽ tập trung vào hai lĩnh vực quan trọng là tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đẩy mạnh cải cách hành chính, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cũng cho biết, các cuộc kiểm tra sẽ tập trung vào việc thực hiện vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu và những điều đảng viên không được làm.
Cùng với đó, Thành ủy cũng sẽ tiến hành kiểm tra thực hiện Chương trình số 10-CTr/TU về “Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021-2025”.
Trên cơ sở việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện một số chương trình công tác lớn khác, Thành ủy cũng sẽ tập trung kiểm tra lĩnh vực quy hoạch, quản lý đô thị, quản lý đất đai và một số lĩnh vực khác… từ đó đề xuất sửa quy hoạch chung của Thủ đô Hà Nội, trình Bộ Chính trị theo đúng kế hoạch. Tùy vào điều kiện cụ thể, Thành ủy sẽ xem xét, giao Ủy ban Kiểm tra Thành ủy và Ủy ban Kiểm tra các cấp thực hiện kiểm tra tại một số lĩnh vực theo thẩm quyền.
 Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến trình bày dự thảo Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 BCH Đảng bộ TP khóa XVII.
Tiếp đó, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đã trình bày dự thảo Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Đảng bộ TP khóa XVII. Trong đó, Ban Chấp hành Đảng bộ TP kêu gọi các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp; cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân Thủ đô tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, quyết tâm khắc phục khó khăn, thách thức, thực hiện có hiệu quả các quyết nghị, kết luận của hội nghị, các nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển KT-XH, tạo tiền đề quan trọng để phấn đấu hoàn thành toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP Hà Nội và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Tại hội nghị, 100% đại biểu đã biểu quyết thông qua Nghị quyết.
Thực hiện cách ly F1 tại nhà trên địa bàn đủ điều kiện 
Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh đến công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP trong tình hình mới, với tinh thần chủ động sẵn sàng ứng phó nhanh, kịp thời, đáp ứng hiệu quả trước mọi diễn biến của dịch Covid-19. 

Quan điểm chỉ đạo của Thành ủy năm 2022 là: Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất; tiếp tục thực hiện chủ đề công tác năm 2022 là năm “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”; đề cao vai trò, trách nhiệm và sự gương mẫu của người đứng đầu ở tất cả các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị; chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, trọng tâm, trọng điểm, gắn với kiểm tra, giám sát thường xuyên. Xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể, khả thi, tập trung thực hiện từng nhiệm vụ, chỉ tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021-2025 và năm 2022.

“Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố cơ bản đồng tình với mục tiêu tổng quát, chỉ tiêu và những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của năm 2022 do Ban cán sự đảng UBND Thành phố đề xuất; trong đó cần tập trung quyết liệt triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm” - Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

 Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng phát biểu kết luận hội nghị. 
Bí thư Thành ủy lưu ý một số giải pháp chủ yếu. Đó là, tiếp tục thực hiện cách ly F1 tại khu cách ly của TP, tại khách sạn và tại các cơ sở lưu trú. Thực hiện cách ly F1 tại nhà trên địa bàn các Quận/Huyện/Thị xã của Thành phố nếu đáp ứng các điều kiện về phòng, chống dịch bệnh theo quy định của thành phố. 
Củng cố, nâng cao năng lực khám chữa bệnh, năng lực y tế, cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc, vật tư y tế, thuốc chữa bệnh, hệ thống oxy tại các Trạm y tế xã/phường/thị trấn, trạm y tế lưu động… để tổ chức điều trị cho các ca F0 thể nhẹ và không triệu chứng tại cơ sở; tiến tới tổ chức điều trị cho các ca F0 thể nhẹ và không triệu chứng ngay tại nhà nếu đáp ứng các điều kiện và phù hợp với diễn biến, tình hình dịch bệnh. Đồng thời khẩn trương rà soát để tiếp tục mở rộng các cơ sở thu dung điều trị các ca F0 thể nhẹ và không triệu chứng, đảm bảo chủ động trong mọi tình huống của dịch bệnh.
Tiếp tục huy động tối đa sự tham gia của các bệnh viện, cơ sở y tế của các Bộ, ngành T.Ư đóng trên địa bàn, các cơ sở y tế ngoài công lập, lực lượng y, bác sỹ đã nghỉ hưu, lực lượng sinh viên ngành y của TP để bổ sung lực lượng kịp thời cho công tác phòng, chống dịch bệnh của TP.
Làm tốt công tác phân luồng để tập trung điều trị các ca F0 theo tháp 3 tầng trên cơ sở thiết lập phần mềm quản lý theo dõi chuyển biến của các ca F0 và chủ động chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ thuốc men điều trị theo diễn biến của ca bệnh.
Tiếp tục triển khai kế hoạch tiêm vaccine phòng Covid 19 cho người dân và trẻ em từ 12-18 tuổi, đảm bảo an toàn và hiệu quả. Xây dựng phương  án cụ thể, chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện bảo đảm an toàn để sớm tổ chức cho các cháu học sinh cấp 3, cấp 2 tại các quận/huyện/thị xã đi học trở lại. Thường xuyên tầm soát xét nghiệm y tế, đảm bảo thực sự an toàn cho các thầy cô giáo và các cháu học sinh khi quay trở lại trường học. 
Thành ủy yêu cầu người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các Quận/Huyện/Thị xã căn cứ tình hình thực tiễn dịch bệnh để quyết định và chịu trách nhiệm về việc cho học sinh đi học trở lại trên địa bàn.
Tiếp tục siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong công tác phòng, chống dịch bệnh, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn. “Nơi nào lơ là, chủ quan, mất cảnh giác để lây lan dịch bệnh thì nhất quyết xử lý trách nhiệm người đứng đầu và các bộ phận, cán bộ, công chức liên quan. Kiên quyết kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh của Thành phố” – Bí thư Thành ủy nói. 
Cùng với đó, Bí thư Thành ủy yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch tại các địa phương, nhất là kiểm tra cơ sở trong việc thực hiện cách ly F1, điều trị F0, trạm y tế xã, phường, thị trấn, trạm y tế lưu động. Tiếp tục rà soát để bổ sung chính sách hỗ trợ cho lực lượng tuyến đầu và các lực lượng tham gia trong công tác phòng, chống dịch của TP.
Cùng với công tác phòng, chống dịch bệnh, người đứng đầu Đảng bộ TP Hà Nội đề nghị phải tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp để duy trì sự ổn định kinh tế, bảo đảm cân đối NSNN; đẩy nhanh sự phục hồi và phát triển các ngành kinh tế, nhất là dịch vụ thương mại, du lịch, phục hồi các chuỗi cung ứng, vùng nguyên liệu, kênh phân phối; quyết liệt giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư ngay từ đầu năm. Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội; thông tin và truyền thông; giáo dục và đào tạo; khoa học và công nghệ; đảm bảo sức khỏe cộng đồng và an sinh xã hội. Tăng cường quản lý và phát triển đô thị; Khai thác hiệu quả tài nguyên đi đôi với bảo vệ môi trường. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại. Tích cực thông tin tuyên truyền, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tạo đồng thuận xã hội.
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần