Tham dự hội nghị có đại diện quan chức cấp cao Bộ Lao động và Việc làm 10 nước thành viên ASEAN, ba nước Đông Á gồm Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, đại diện Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Hiệp hội Thanh tra Lao động Quốc tế (IALI).
Ảnh minh họa. (Nguồn: asiasociety.org)
Hội nghị diễn ra trong hai ngày, tập trung trao đổi, thảo luận về cách thức tìm hiểu và xây dựng các mối quan hệ đối tác nhằm thúc đẩy việc tuân thủ các quy định lao động tại nơi làm việc thông qua hoạt động thanh tra lao động; chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau về hoạt động và các mô hình hoạt động thanh tra lao động, cũng như đề xuất các khuyến nghị và kế hoạch hành động cho sự hợp tác về thanh tra lao động trong thời gian tới.
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Nhân lực và Di cư Indonesia Muhaimin Iskandar đã nhấn mạnh đến nhu cầu chia sẻ về các hướng dẫn, các mô hình hoạt động và cấu trúc tốt cho thanh tra lao động hiệu quả và đáng tin cậy tại tất cả các nơi làm việc trong các lĩnh vực của các ngành giữa các nước ASEAN cũng như giữa ASEAN và các nước Đông Á.
Bộ trưởng Muhaimin Iskandar nói rằng ASEAN cần xây dựng các hướng dẫn về thanh tra lao động phù hợp với hoàn cảnh với mỗi quốc gia, đồng thời hy vọng ASEAN+3 có thể chia sẻ những thực tiễn và kinh nghiệm tốt trong xây dựng năng lực thanh tra lao động, tăng cường hợp tác và khám phá các lĩnh vực cho hợp tác kỹ thuật.
Bộ trưởng Muhaimin Iskandar cho biết tại Hội nghị Thanh tra Lao động ASEAN lần thứ hai ở Đồng Nai, các nước thành viên đã thống nhất Kế hoạch hành động Đồng Nai. Văn kiện này bao gồm các hành động thực hiện các khuyến nghị Hạ Long về Hợp tác Thanh tra Lao động giai đoạn 2012-2015, đã được nhất trí từ Hội nghị đầu tiên năm 2010.
Nội dung xây dựng các hướng dẫn thúc đẩy tuân thủ quy định lao động nơi làm việc của hội nghị lần này là một phần các khuyến nghị nói trên, theo đó các nước thành viên sẽ thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác khu vực thông qua tăng cường mạng lưới thanh tra lao động.
Ngoài việc phát triển các hướng dẫn và các mô hình thanh tra lao động, các đại biểu tham dự hội nghị cũng sẽ xem xét thông tin về số lượng thanh tra lao động đối với quy mô của lực lượng lao động theo điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của mỗi quốc gia.
Các đại biểu cũng xác định những rào cản giới tính thực tế đối với việc tham gia vào cơ quan thanh tra hay tại những nơi mà số lượng phụ nữ hoặc nam giới thấp hoặc mất cân bằng.
Bộ trưởng Muhaimin Iskandar cho biết Indonesia đã phê chuẩn Công ước Tổ chức Lao động Quốc tế thông qua Luật Thanh tra lao động trong công nghiệp và thương mại năm 2003. Chính phủ nước này cũng đã thực hiện một số bước để đảm bảo hoạt động thanh tra lao động phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, và có kế hoạch nâng tổng số thanh tra viên trong cả nước, từ 2.600 người hiện nay lên 3.500 người trong năm tới.