Ngoài ra, thỏa thuận đạt được cũng cung cấp một khoản cho vay cứu trợ khẩn cấp để giúp kinh tế Hy Lạp trụ vững trước sức ép từ thâm hụt ngân sách. Thỏa thuận này là vấn đề cuối cùng và có lẽ khó khăn nhất trong quá trình đàm phán về một kế hoạch bốn điểm nhằm tìm ra giải pháp lâu dài cho cuộc khủng hoảng nợ công đang làm chao đảo khối sử dụng đồng Euro (Eurozone). Theo Hãng tin AP, sau một cuộc họp thượng đỉnh marathon, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy thông báo rằng thỏa thuận trên sẽ giảm nợ của Hy Lạp xuống 120% GDP vào năm 2020 từ mức 180% theo các điều kiện hiện giờ.
Ông Van Rompuy cũng cho biết, Eurozone và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) sẽ cung cấp cho quốc gia Nam Âu này một khoản vay 100 tỉ euro (140 tỉ USD) nữa. Thỏa thuận này đạt được nhờ việc các nhà đầu tư tư nhân rốt cuộc đã chấp nhận mất 50% giá trị các trái phiếu Chính phủ Hy Lạp mà họ nắm giữ, AP dẫn lời một quan chức EU. Đây được coi là rào cản cuối cùng với kế hoạch lớn giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu.
Thỏa thuận với những chủ nợ tư nhân sẽ giúp Hy Lạp giảm mạnh khoản nợ ngân sách hiện giờ, vấn đề đã nhức nhối ở quốc gia này suốt hai năm qua.
Nâng quỹ cứu trợ toàn châu lục
Một thỏa thuận khác cũng sắp đạt được ở cuộc gặp lần này là nâng quỹ cứu trợ của cả châu lục lên mức 1 nghìn tỉ euro (1,4 nghìn tỉ USD) để bảo đảm hỗ trợ những nền kinh tế lớn hơn như Italia hay Tây Ban Nha tránh những áp lực mà Hy Lạp từng phải trải qua.
Mặc dù bước đột phá về Hy Lạp, quỹ cứu trợ và việc củng cố các ngân hàng được coi là một thành công lớn của khối sử dụng đồng euro, AP bình luận rằng phần lớn hiệu quả của kế hoạch này phụ thuộc vào việc nó sẽ được triển khai chi tiết ra sao. Vấn đề này sẽ còn được bàn thảo trong nhiều ngày nữa. Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou đã hoan nghênh "một chương mới, một kỷ nguyên mới" đối với Hy Lạp sau khi các nhà lãnh đạo châu Âu đạt được thỏa thuận mang tính đột phá nói trên. IIF cũng đánh giá cao "gói biện pháp toàn diện nhằm bình ổn châu Âu và củng cố hệ thống ngân hàng khu vực, đồng thời hỗ trợ nỗ lực cải cách của Hy Lạp.
Trước đó, theo sự nhất trí đạt được tại Hội nghị Thượng đỉnh Eurozone hồi tháng Bảy, các ngân hàng đã đồng ý xóa 21% nợ cho Hy Lạp như một phân trong gói cứu trợ tài chính thứ hai dành cho Aten, song tình hình kinh tế nước này vẫn tiếp tục xấu đi.
Cùng ngày, Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou đã hoan nghênh "một chương mới, một kỷ nguyên mới" đối với Hy Lạp sau khi các nhà lãnh đạo châu Âu đạt được thỏa thuận mang tính đột phá nói trên. IIF cũng đánh giá cao "gói biện pháp toàn diện nhằm bình ổn Châu Âu và củng cố hệ thống ngân hàng khu vực, đồng thời hỗ trợ nỗ lực cải cách của Hy Lạp".