Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hội nghị Thượng đỉnh G20: Vấn đề Syria “thế chỗ” nội dung về kinh tế

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giữa lúc tình hình Syria bước vào giai đoạn "nước sôi lửa bỏng", chương trình nghị sự của Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) tại St. Petersburg, Nga đã bị thay đổi hoàn toàn.

 Trong hai ngày (5 - 6/9), thay vì thảo luận về các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu, chống gian lận thuế, cải thiện thị trường việc làm, lãnh đạo các nền kinh tế hàng đầu thế giới lại tập trung "mổ xẻ" về những diễn biến phức tạp tại Syria.
Sự ủng hộ đề xuất tấn công Syria của Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ đã mở đường để Tổng thống Barack Obama thực hiện mục tiêu can thiệp vào quốc gia Trung Đông này.                Ảnh: AP
Sự ủng hộ đề xuất tấn công Syria của Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ đã mở đường để Tổng thống Barack Obama thực hiện mục tiêu can thiệp vào quốc gia Trung Đông này. Ảnh: AP
Trong bối cảnh Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil…, những nước được coi là động lực thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu có dấu hiệu chững lại, việc kích thích kinh tế trở thành vấn đề cấp thiết hơn bao giờ hết. Tại hội nghị tại St. Petersburg lần này, các đại biểu sẽ bàn cách giải quyết tình trạng thất nghiệp đã gây mất cân bằng cung - cầu trên thị trường lao động hiện nay. Ngoài ra, trốn thuế, gian lận thuế tiếp tục là vấn đề nhạy cảm nên các nhà lãnh đạo đứng đầu của chính phủ các nước G20 phải chung tay giải quyết.

 

Tuy nhiên, lo ngại về một cuộc tấn công phủ đầu nhằm trừng phạt chính quyền của Tổng thống Syria al-Assad đã "vượt qua giới hạn đỏ" do phương Tây phát động đã trở thành chủ đề được bàn thảo nhiều nhất tại Hội nghị G20 lần này. Với 10 phiếu thuận và 7 phiếu chống, Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ ngày 5/9 (theo giờ Việt Nam) đã thông qua dự thảo nghị quyết cho phép chính quyền của Tổng thống Obama tiến hành hoạt động quân sự tại Syria. Theo đó, quân đội Mỹ được phép tấn công hạn chế nhằm vào các mục tiêu quân sự của chính quyền Syria trong thời gian tối đa 60 ngày và có khả năng gia hạn thêm 30 ngày theo đề nghị của Tổng thống. Dù nghị quyết không cho phép sử dụng lực lượng bộ binh tại Syria nhưng cái "gật đầu" của các nhà lập pháp đã mở đường để Thượng viện Mỹ thảo luận và biểu quyết về kế hoạch tấn công Syria vào ngày 9/9 tới khi Quốc hội làm việc trở lại. Nỗ lực can thiệp vào tình hình Syria của Tổng thống Obama cũng đạt được bước tiến mới khi Ngoại trưởng John Kerry còn cho biết, hiện đã có hơn 40 quốc gia ủng hộ lập trường của Washington về việc đối phó với hành động sử dụng vũ khí hóa học ở Syria. Liên minh quốc tế này gồm Ả Rập Saudi, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, Qatar, và Pháp… sẽ sát cánh và hỗ trợ Mỹ trong chiến dịch tấn công Syria ở các mức độ khác nhau.

 

Trước nguy cơ của một cuộc tấn công đang cận kề, chính phủ Syria cũng tuyên bố huy động các đồng minh nhằm chống lại khả năng xảy ra một cuộc tấn công quân sự từ bên ngoài. Trong khi đó, người dân trên khắp thế giới đã xuống đường để phản đối một cuộc chiến nhằm vào Syria. Kịch bản đau thương tại Iraq không nên và không được phép lặp lại là điều mà người dân tại nhiều nước đã gửi gắm đến giới chóp bu Mỹ và phương Tây. Chỉ có điều, một khi Tổng thống Mỹ đã nhận được cái gật đầu từ Quốc hội, việc không thực hiện cuộc tấn công vào Syria là điều rất khó xảy ra. Và một cuộc xung đột kéo dài, nới rộng khoảng cách giữa các sắc tộc, phe phái tại Syria nói riêng và Trung Đông nói chung sẽ tiếp tục trở thành một phần của "trò chơi chính trị" mà các nước phương Tây phát động.