KTĐT - AFGC được thành lập năm 1999 tại Tokyo, Nhật Bản với mục đích tạo một diễn đàn tham vấn, trao đổi thông tin, kinh nghiệm giữa các hiệp hội nông dân, tổ chức hợp tác xã (HTX) trong khu vực châu Á.
Ngày 24/2, tại Hà Nội, Tổ chức hợp tác nông dân châu Á (AFGC) phối hợp với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam (VCA) đã tổ chức Hội nghị thường niên lần thứ 10 với chủ đề “Các vấn đề hiện tại và tương lai mà WTO, nông dân châu Á phải đối mặt - biến đổi khí hậu, an ninh lương thực và năng lượng”.
AFGC được thành lập năm 1999 tại Tokyo, Nhật Bản với mục đích tạo một diễn đàn tham vấn, trao đổi thông tin, kinh nghiệm giữa các hiệp hội nông dân, tổ chức hợp tác xã (HTX) trong khu vực châu Á. Thành viên của AFGC là tổ chức nông dân và tổ chức HTX quốc gia gồm 09 nước thành viên trong khu vực châu Á là: Ấn Độ, Hàn Quốc, Indonesia, Malaysia, Nhật Bản, Philippin, Srilanka, Thái Lan và Việt Nam.
Theo thông lệ, cuộc họp thường niên của AFGC được tổ chức lần lượt tại các nước thành viên và Chủ tịch AFGC cũng được bầu luân phiên theo hình thức nước được chọn làm chủ nhà tổ chức Hội nghị năm nào thì đồng thời là Chủ tịch của AFGC năm đó. Liên minh HTX Việt Nam là thành viên chính thức của AFGC từ tháng 5/2001 tại Bangkok, Thái Lan.
Tại Hội nghị lần này, các nước thành viên tập trung vào thảo luận các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu toàn cầu và tác động của nó đến sản xuất nông nghiệp, nông dân; vấn đề an ninh lương thực và năng lượng cũng như các chương trình, kế hoạch hoạt động mà các quốc gia thành viên của AFGC đã triển khai trong thời gian qua nhằm nâng cao năng lực cho các hợp tác xã nông nghiệp và các tổ chức của nông dân.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Tiến Quân, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho biết: Chủ đề của hội nghị AFGC lần thứ 10 năm nay thực sự là một chủ đề hay, đặc biệt đối với một quốc gia như Việt Nam khi vừa mới tham gia thành viên của tổ chức thương mại thế giới, đang chịu ảnh hưởng nặng nề của sự biến đổi khí hậu, đồng thời cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình phát triển như sự đánh đổi giữa tăng trưởng kinh tế với đảm bảo môi trường, an ninh, và ổn định chính trị, xã hội…
Cũng tại Hội nghị, ông Doãn Văn Tỏa – Phó trưởng ban Ban chính sách và phát triển hợp tác xã, Liên minh HTX Việt Nam chia sẻ: Hiện nay, quy mô HTX nông nghiệp Việt Nam hầu hết còn nhỏ, trong số 8.680 HTX mới có 12% quy mô liên xã (từ 2 đến 3 xã), 49% HTX quy mô xã còn lại là quy mô thôn, bản.
Theo tổng hợp điều tra các HTX tại thời điểm này cho thấy, đa số HTX nông nghiệp gặp nhiều khó khăn về vốn, bình quân 1 HTX có 354,5 triệu đồng vốn điều lệ; 85% HTX có nhu cầu vay vốn nhưng chỉ có 3% số HTX tiếp cận được các nguồn vốn của các ngân hàng thương mại; cơ sở vật chất kỹ thuật, công nghệ còn thiếu và yếu, chỉ có 27,5% HTX có đủ máy móc, phương tiện; số HTX nông nghiệp hoạt động đa ngành và kinh doanh tổng hợp mới có khoảng 20%; trình độ quản lý, nguồn nhân lực trong HTX còn yếu, có tới 33% cán bộ là chủ nhiệm chỉ có trình độ văn hóa cấp II trở xuống; 81,5% HTX chưa kết nối mạng Internet; 96,9% chưa có Website riêng...
Để nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh trong điều kiện kinh tế quốc tế, HTX nông nghiệp cần nghiên cứu và điều chỉnh chiến lược kinh doanh, định hướng phát triển sản phẩm, dịch vụ phù hợp với thị trường trong nước và quốc tế; cần xây dựng thương hiệu và đăng ký bản quyền, có chiến lược quảng bá thương hiệu sản phẩm tạo động lực để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là xuất khẩu.
Ngoài ra, các HTX phải tăng cường các mối liên kết, hợp tác với nhau không những về kinh tế mà cả về tổ chức để hình thành các liên hiệp HTX theo ngành, lĩnh vực kinh tế, theo vùng lãnh thổ để phối hợp hoạt động chung nhằm tạo tiềm lực để nâng cao khả năng cạnh tranh.
Hội nghị diễn ra trong 2 ngày 24 và 25-2./.