Hội Nông dân Hà Nội kết nối tiêu thụ nông sản mùa dịch

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 10/6, Hội Nông dân (HND) TP Hà Nội phối hợp cùng Trung tâm Hỗ trợ nông dân, nông thôn (Trung ương HND Việt Nam) tổ chức khởi động điểm kết nối tiêu thụ nông sản cho hội viên nông dân tại địa chỉ số 33 Nguyễn Chí Thanh, quận Ba Đình, Hà Nội.

Chương trình diễn ra trong 1 tháng, bắt đầu từ ngày 10/6 đến hết ngày 9/7. Theo đó, Trung tâm hỗ trợ nông dân Hà Nội (HND TP) và các DN sẽ đồng hành kết nối, tiêu thụ nông sản cho nông dân cả nước nói chung và nông dân Hà Nội nói riêng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

 Điểm kết nối tiêu thụ nông sản của HND Hà Nội có địa chỉ tại 33 Nguyễn Chí Thanh, quận Ba Đình, Hà Nội

Đây là mô hình tiêu thụ nông sản mùa dịch để thúc đẩy tiêu thụ nông sản bị ùn ứ tại các địa phương do ảnh hưởng dịch Covid-19 với phương thức tiêu thụ là trực tiếp và thông qua hệ thống thương mại điện tử giao hàng tận nhà khách hàng.

Với những nông sản được cung cấp, kết nối tiêu thụ theo mô hình “4 bên” được thực hiện theo đúng quy trình từ khâu thu hái, sơ chế, đóng gói, bảo quản để đảm bảo chất lượng tươi ngon; có thông tin rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ, thời gian thu hoạch, đóng gói... Đặc biệt, nông sản cũng sẽ có giấy xác nhận an toàn dịch Covid-19.

Chủ tịch HND TP Hà Nội Phạm Hải Hoa cho biết, chung tay hỗ trợ cho hội viên nông dân trên địa bàn TP và các tỉnh tiêu thụ hàng hóa, tính đến hết ngày 9/6, các cấp Hội đã vận động các tập thể, cá nhân tham gia hỗ trợ tiêu thụ gần 50 tấn ổi cho nông dân 2 huyện Hoài Đức và Quốc Oai. Cùng với đó, hỗ trợ tiêu thụ được trên 10 tấn nông sản các loại (vải, mận, xoài tượng da xanh, xoài tròn, hành tím, gạo ST 25…) cho các tỉnh Bắc Giang, Sơn La và Sóc Trăng.

 Nông sản Sơn La được trưng bày tại điểm kết nối tiêu thụ.

Trong thời gian tới, đối với các điểm tiêu thụ sản phẩm nông sản tại các huyện, thị xã, các cấp Hội sẽ tập trung tổng hợp nhu cầu của người tiêu dùng, số lượng, chất lượng sản phẩm để phối hợp tiêu thụ hiệu quả.

Về lâu dài, HND TP Hà Nội đề xuất với các cấp, các ngành có quy hoạch vùng sản xuất phù hợp; phối hợp với các sở, ngành TP tăng cường hỗ trợ nông dân liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, hỗ trợ hội viên nông dân tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã; chủ động ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất nâng cao năng suất, chất lượng và sản xuất an toàn nhằm từng bước đưa sản phẩm vào kênh phân phối hiện đại.

Mặt khác, các cấp Hội tích cực tuyên truyền tới hội viên nông dân thay đổi nhận thức, sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản, đặc sản.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần