Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Nguyễn Văn Tố với Cách mạng Việt Nam”

Vũ Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Sáng 1/6, tại Nhà Quốc hội, nhân dịp kỷ niệm 130 năm ngày sinh Cụ Nguyễn Văn Tố - vị Trưởng ban Thường trực Quốc hội đầu tiên (5/6/1889 – 5/6/2019), Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Văn phòng Quốc hội và Ban Tuyên giáo T.Ư phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề: “Nguyễn Văn Tố với Cách mạng Việt Nam”.

Dự và chủ trì Hội thảo có Bí thư T.Ư Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu; Phó Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Lê Mạnh Hùng.
Về phía Hà Nội, dự và tham luận tại hội thảo có Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng.
Tấm gương sáng về trí tuệ và tinh thần yêu nước
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã nêu bật những nét chính trong cuộc đời, sự nghiệp và những cống hiến to lớn của cụ Nguyễn Văn Tố với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
 Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu.
Cụ Nguyễn Văn Tố sinh năm 1889 ở Hà Nội, trong một gia đình nhà nho yêu nước. Xuất thân từ tầng lớp trí thức, lấy con đường hoạt động văn hóa làm sự nghiệp, cụ được nhiều người biết đến bởi sự đức độ, tài năng với nhiều công trình nghiên cứu khoa học rất có giá trị về lịch sử, văn hóa nước nhà.
Vừa uyên thâm Hán học, vừa tinh thông Tây học, cụ đã để lại nhiều công trình nghiên cứu chuyên sâu và liên ngành, bao quát nhiều lĩnh vực khoa học như: lịch sử, văn học, văn bản học, khảo cổ học, ngôn ngữ học, dân tộc học, tôn giáo, văn hóa dân gian... Những bài biên khảo và nghiên cứu lịch sử, văn hóa của cụ Nguyễn Văn Tố rất phong phú, đa dạng, thể hiện lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần tự tôn, tự hào dân tộc sâu sắc. Đặc biệt, cụ luôn đau đáu với việc khảo cứu lịch sử nước nhà với mong muốn mau chóng viết nên “một quyển Nam sử thật có giá trị”.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, là Trưởng ban Thường trực Quốc hội đầu tiên của đất nước, cụ Nguyễn Văn Tố đã cùng các thành viên Ban Thường trực Quốc hội phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, dành nhiều thời gian chỉ đạo các tiểu ban của Quốc hội cho ý kiến về các dự án sắc lệnh của Chính phủ; xét 98 dự án Sắc lệnh, những Sắc lệnh đó đều có tính cách các đạo luật; thông qua nhiều nghị quyết về nội trị, ngoại giao. Đồng thời, tích cực phối hợp với các bộ, ngành trong việc hoàn thành các nhiệm vụ cứu đói, bình dân học vụ, phòng chống thiên tai.
Là người thông tỏ Tây học nhưng cụ Nguyễn Văn Tố luôn giữ cho mình một cốt cách dân tộc, quanh năm khăn xếp, áo the, hết lòng chăm lo xóa nạn mù chữ và nâng cao dân trí cho những người lao động. "Với lòng yêu nước nồng nàn, bản lĩnh kiên cường và tấm lòng trung chính, cụ đã đến với cách mạng như một lẽ tự nhiên" - Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Phát biểu đề dẫn ngay sau đó, Bí thư T.Ư Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng cho biết: Cuộc đời của cụ Nguyễn Văn Tố là tấm gương cao đẹp của một nhà trí thức yêu nước nồng nàn, suốt đời phấn đấu, hy sinh cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc và sự phát triển của đất nước. Hội thảo là hoạt động thiết thực và có ý nghĩa, góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, tấm gương đạo đức cách mạng mẫu mực, sáng ngời của thế hệ cha anh cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
 Chủ tịch Hội đồng lý luận T.Ư Nguyễn Xuân Thắng.
Tham luận tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH khẳng định, cụ Nguyễn Văn Tố có công rất lớn trong công tác cứu đói sau khi Cách mạng tháng Tám thành công. Trên cương vị là người đứng đầu Bộ Cứu tế xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố đã thực hiện nhiều chuyến “vi hành” đến các địa phương Thái Bình, Thái Nguyên, Hưng Yên, Nam Định, chỉ đạo thành lập Hội Cứu đói.
Ban đầu, Hội được thành lập ở một số tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, sau đó nhanh chóng lan rộng khắp cả nước. Từ các làng, xã, thôn, bản đến các xí nghiệp sản xuất, các cơ quan đều thành lập các hội lớn, nhỏ để vận động đồng bào đóng góp lương thực ủng hộ người nghèo. Các biện pháp cụ đưa ra đã khơi dậy truyền thống yêu nước, nhân ái, đồng cam cộng khổ, đoàn kết đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau của toàn dân tộc trong hoàn cảnh hiểm nghèo.
Ngoài việc thành lập Hội Cứu đói, Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố còn trực tiếp kêu gọi các địa phương hưởng ứng lời kêu gọi tương thân, tương ái của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực hiện các biện pháp như “Hũ gạo tiết kiệm” và “Những ngày đồng tâm nhịn ăn”, kêu gọi đồng bào chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền vận động các nhà tư sản, địa chủ ủng hộ tiền của, thóc gạo cứu đói cũng được chú trọng. Với sự đồng lòng của nhân dân khắp nơi trên cả nước cùng nhau đánh đuổi giặc đói, đến cuối năm 1946 nạn đói đã gần được giải quyết.
Không chỉ thực hiện các biện pháp mang tính chất hành chính nhằm đẩy lùi nạn đói, Bộ trưởng Bộ Cứu tế  xã hội Nguyễn Văn Tố còn tiến hành tổ chức nhiều triển lãm về chủ đề “nạn đói” nhằm tố cáo tội ác của thực dân Pháp và phát xít Nhật đối với nhân dân ta. Đồng thời, tranh thủ kêu gọi sự ủng hộ lạc quyên của đông đảo đồng bào đối với nhân dân lao động.
Người con ưu tú của Thủ đô Hà Nội
Tự hào là quê hương của chí sĩ yêu nước, nhà văn hóa, liệt sĩ Anh hùng Nguyễn Văn Tố, trong tham luận trình bày tại Hội thảo, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng trân trọng chia sẻ: Tấm gương sáng về trí tuệ, lòng yêu nước, tinh thần dũng cảm không lùi bước trước thách thức và hy sinh của cụ Nguyễn Văn Tố là di sản văn hóa tinh thần quý báu. Đảng bộ, Nhân dân Thủ đô luôn tự hào, khắc ghi, biết ơn, nguyện học tập và làm theo tấm gương trong sáng, cao đẹp trong công cuộc mở mang văn hóa và kiến thiết nước nhà của cụ.
 Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng tham luận tại Hội thảo
Trân trọng ôn lại cuộc đời và sự nghiệp của cụ Nguyễn Văn Tố, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội khẳng định, trong cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của mình, chí sĩ Nguyễn Văn Tố đã có đóng góp rất lớn với cách mạng Việt Nam, nhất là đối với phong trào cách mạng tại Hà Nội.
Cụ đã có những cống hiến to lớn trong sự nghiệp mở mang dân trí, truyền bá chữ quốc ngữ cho Nhân dân ta. Là Hội trưởng Hội Truyền bá quốc ngữ, cụ Nguyễn Văn Tố cùng các đồng chí cho xuất bản, nhiều tập sách về chủ nghĩa Mác - Lênin, về duy vật biện chứng, duy vật lịch sử đã được công khai lưu hành, sách báo cách mạng và có xu hướng tiến bộ đã đến với đông đảo quần chúng, góp phần chống lại chính sách ngu dân của thực dân Pháp.
Hội Truyền bá chữ quốc ngữ đã có ảnh hưởng lớn đến các tầng lớp Nhân dân Hà Nội và nhanh chóng trở thành một phong trào quần chúng rộng rãi khắp thành thị, nông thôn. Riêng ở Hà Nội, chỉ trong hai năm 1938-1939, đã mở được 4 khóa học, xóa nạn mù chữ cho hơn 4.000 người đa số là nhân dân lao động. Trong 6 năm (1938-1944), Hội Truyền bá quốc ngữ Trung ương đã có 28 chi nhánh ở Bắc kỳ, Trung kỳ, có 820 lớp, với 2.903 giáo viên, dạy cho hơn 40.000 người đã biết đọc, biết viết.
Trong tham luận của mình, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội đã đề cập đến phong trào diệt “giặc đói”, “giặc dốt” và khẳng định công lao to lớn của cụ Nguyễn Văn Tố. Trên cương vụ Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội, cụ đã làm việc không mệt mỏi để tổ chức và động viên Nhân dân tích cực tham gia phong trào quyên góp gạo để cứu đói.
Tháng 9/1945, Hà Nội đã tổ chức thực hiện 3 cuộc vận động lớn: Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm. Trong đó, phong trào chống nạn mù chữ đã lôi cuốn toàn dân tham gia, với vai trò rất lớn của cụ Nguyễn Văn Tố. Tại Hà Nội, trong thời gian ngắn, hầu khắp các khu phố, thôn xóm đều tổ chức những lớp bình dân học vụ cho những người chưa biết chữ thuộc đủ các tầng lớp xã hội, các lứa tuổi.
Trong tháng 9.1945, Hà Nội đã có hơn 2.000 thanh niên, nam nữ xung phong làm giáo viên giảng dạy, phát hành hàng vạn sách học đánh vần, đáp ứng yêu cầu của hàng nghìn lớp học tại các gia đình, cơ quan, xí nghiệp, trường học, đình, chùa… thu hút hàng vạn người theo học vào các buổi sáng, trưa, chiều tối; nhờ đó, đã xóa mù chữ cho hàng triệu người. Cùng với đó là xây dựng đời sống mới nhằm mục đích giáo dục tinh thần yêu nước, yêu lao động, bài trừ những thói hư tật xấu do xã hội cũ để lại.
“Là người có uy tín, cụ Nguyễn Văn Tố đã đề ra và lãnh đạo thực hiện các biện pháp tích cực nhằm đẩy lùi nạn đói; đời sống nhân dân, nhất là nông dân được cải thiện, sản xuất được phục hồi, nền tảng của chế độ mới thêm vững chắc. Đó chính là những công lao to lớn của cụ Nguyễn Văn Tố đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và Thủ đô Hà Nội”- Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội khẳng định.
 Các đại biểu dự Hội thảo. Ảnh:daibieunhandan.vn
Sau cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội Khóa I, tại Kỳ họp thứ Nhất, ngày 2/3/1946, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, các đại biểu đã bầu chí sĩ Nguyễn Văn Tố làm Trưởng ban Thường trực Quốc hội. Trên cương vị mới, cụ có những đóng góp quan trọng vào việc ký kết hai bản Hiệp định 6/3 và Tạm ước 14/9/1946, tạm thời hòa hoãn thực dân Pháp, giúp Đảng và Chính phủ có thời gian chuẩn bị lực lượng kháng chiến lâu dài. Cụ còn trực tiếp cùng Quốc hội xây dựng Hiến pháp năm 1946, bản hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mà nhiều điều đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
“Hà Nội tự hào là quê hương của chí sĩ yêu nước, nhà văn hóa, liệt sĩ Anh hùng Nguyễn Văn Tố, TP đã lấy tên cụ đặt tên cho một con đường thuộc phường Cửa Đông và một trường học - Trung tâm Giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố thuộc quận Hoàn Kiếm. Tấm gương sáng về trí tuệ, lòng yêu nước, tinh thần dũng cảm không lùi bước trước thách thức và hy sinh của cụ Nguyễn Văn Tố là di sản văn hóa tinh thần quý báu. Đảng bộ, nhân dân Thủ đô luôn tự hào, khắc ghi, biết ơn, nguyện học tập và làm theo tấm gương trong sáng, cao đẹp trong công cuộc mở mang văn hóa và kiến thiết nước nhà của cụ”- Phó Bí thư Thường trực Thảnh ủy Hà Nội nói.
Đồng thời cho biết, trên cơ sở những thành tựu đạt được, phát huy kiến thức về lịch sử, văn hóa dân tộc của chí sĩ yêu nước Nguyễn Văn Tố cùng những bậc tiền bối cách mạng khác, Đảng bộ và Nhân dân Hà Nội đẩy mạnh thực hiện mục tiêu xây dựng văn hóa Thủ đô tập trung vào các nội dung: Hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện. Phấn đấu xây dựng thành phố Hà Nội tiêu biểu cho cả nước về lối sống và phong cách ứng xử văn hóa…
 Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: TTXVN
Tại Hội thảo, các nhà khoa học, nghiên cứu lịch sử, các đại biểu đã tập trung tham luận về những đóng góp lớn lao, nổi bật của cụ Nguyễn Văn Tố cho sự nghiệp văn hóa, giáo dục của nước nhà với vai trò là một tấm gương tiêu biểu của trí thức Việt Nam; những đóng góp to lớn của cụ đối với cách mạng Việt Nam với vai trò là một vị Bộ trưởng trong Chính phủ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và là người đầu tiên đứng đầu Quốc hội của nước Việt Nam độc lập. Những phẩm chất đạo đức cách mạng cao quý, tư tưởng của cụ Nguyễn Văn Tố về một nhà nước dân chủ, đoàn kết, trọng dân, thương dân vẫn mãi còn nguyên giá trị cho đến ngày nay.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần