Hội thảo "Vai trò của chính quyền địa phương trong công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm"

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, toàn TP hiện có 19.730 F0 đang điều trị tại các cơ sở y tế trên địa b...XEM THÊM

Thời gian qua, công tác quản lý ATTP ở Hà Nội đã có những chuyển mạnh mẽ, trong đó là sự vào cuộc đồng bộ từ cấp xã, phường đến TP thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP trên địa bàn. Nhờ vậy, ý thức của người sản xuất, kinh doanh cũng như người tiêu dùng thực phẩm đã tăng lên rõ nét. TP cũng đã đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra, từ đầu năm đến nay đã lập 1.440 đoàn thanh, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành về ATTP, đặc biệt thành lập 5 đoàn kiểm tra liên ngành TP kiểm tra đột xuất những điểm nóng về ATTP.
 Toàn cảnh hội thảo "Vai trò của chính quyền địa phương trong công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm". Ảnh: Thanh Hải
Từ đầu năm đến nay, đã kiểm tra trên 90 nghìn lượt cơ sở, phát hiện 15.571 cơ sở vi phạm ATTP, phạt tiền 4.400 cơ sở với số tiền phạt hơn 24 tỷ đồng. Ngoài ra, Hà Nội cũng đã thành lập đường dây nóng tiếp nhận phản ánh của người dân và cơ quan báo chí về ATTP đã xử lý dứt điểm 38 thông tin báo nêu về mất ATTP. Bên cạnh đó, triển khai hiệu quả Đề án Thí điểm thanh tra ATTP cấp xã, phường, quận, huyện.

Song công tác bảo đảm ATTP vẫn phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức do nhịp độ phát triển kinh tế nhanh, quy mô sản xuất, kinh doanh cơ bản vẫn là nhỏ lẻ; nguồn lực và đầu tư kinh phí chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn; công tác quản lý còn nhiều hạn chế, bất cập. Một số chính quyền cơ sở chưa thực sự quan tâm tới công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn nên việc kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý vi phạm còn hạn chế. Quản lý thực phẩm theo chuỗi từ sản xuất đến kinh doanh và Quy hoạch vùng sản xuất thực phẩm an toàn chưa gắn với thị trường tiêu thụ, xây dựng thương hiệu, xuất xứ địa lý của sản phẩm nên thực phẩm an toàn chưa tạo được niềm tin cho người tiêu dùng, giá thành cao.

Để tiếp tục truyền thông mạnh mẽ hơn về công tác ATTP, hội thảo: “Vai trò của chính quyền địa phương trong công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm” do báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Sở Y tế Hà Nội và UBND quận Nam Từ Liêm tổ chức nhằm đánh giá, phân tích thực trạng quản lý ATTP của các cấp trên địa bàn TP, vai trò trách nhiệm của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trong công tác quản lý ATTP.
Bên cạnh đó, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc cũng như kinh nghiệm trong quản lý ATTP tại các quận, huyện, xã, phường; những giải pháp để địa phương phát huy được vai trò của mình, cũng như chia sẻ của Doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong việc đảm bảo ATTP.
11h40: Hội thảo kết thúc
Hội thảo "Vai trò của chính quyền địa phương trong công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm" chính thức kết thúc.
11h30:
Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Minh Đức gửi lời cảm ơn những đánh giá, ý kiến rất sát sao, công tâm của các đại biểu.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền phát biểu ý kiến kết thúc hội nghị: Trong vòng 3 tiếng, hội thảo nhận được 15 ý kiến, tham luận tâm huyết từ các cơ quan chức năng, từ các doanh nghiệp, đơn vị. Qua hội thảo, chúng ta nhận thấy vai trò rất quan trọng của chính quyền địa phương trong việc quản lý, chỉ đạo vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.
 Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền phát biểu. Ảnh Thanh Hải
Vai trò của chính quyền địa phương và trách nhiệm của các ngành đã có nhiều cố gắng, tích cực và đạt được một số kết quả nhất định. Trong kỳ họp thứ ba của HĐND TP Hà Nội sẽ có 1 phần chất vấn về vấn đề àn toàn thực phẩm, chúng tôi xin tổng kết và báo cáo đầy đủ các ý kiến tâm huyết của các đại biểu đã trình bày trong buổi hội thảo này. Chúng tôi được biết quận Nam Từ Liêm, quận Thanh Xuân đã có hệ thống cung cấp thực phẩm sạch cho người dân. Đây là một tin vui. Chúng tôi cam kết sẽ cùng các ban, ngành liên quan cùng góp sức vào việc thực hiện an toàn thực phẩm từ khâu sản xuất đến khâu phân phối, thanh kiểm tra... 
11h20: Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội Nguyễn Đắc Lộc phát biểu:
Ông Nguyễn Đắc Lộc - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội tham luận tại hội thảo. Ảnh Thanh Hải
"Năm nay, chúng tôi đã kiểm tra 10 cảng vụ, xử lý 2.300 vụ về ATTP, thực phẩm chức năng. Chúng tôi kiểm tra khâu lưu thông và luôn trăn trở làm thế nào để truy xuất được chất lượng sản phẩm, nguồn gốc sản phẩm. Nhưng đây thực sự là vấn đề rất khó vì đã bị phân tán nhỏ lẻ.
Thứ hai, muốn biết chất lượng đảm bảo hay không thì việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cần được quan tâm, nguồn nước có an toàn hay không. Một vài mẫu hành, rau rất nhỏ mà chúng tôi kiểm tra có vi phạm nhưng quay về xử lý vi phạm lại rất khó và chế tài chưa đủ sức răn đe. Ngay trong luật cũng có một vài nghị định và luật vênh nhau.
Hiện nay, khi đi kiểm tra có vấn đề bất cập, sản phẩm rau và thịt được mua nhờ cảm quan và hiện chúng ta vẫn đang điều chỉnh nghị định 49. Thế nên khi truy xuất nguồn gốc của sản phẩm rất khó vì sản phẩm sau khi nhập về đã qua nhiều kênh, qua sơ chế nhiều bước. Lực lượng quản lý thị trường nhận thấy khâu lưu thông trên địa bàn đang được kiểm tra rất sát sao. Và chúng tôi mong muốn có nhiều kênh thông tin để kiểm tra, xử lý tốt hơn." - Ông Nguyễn Đắc Lộc cho biết.
11h13: Giám đốc Công ty cổ phần sản xuất và thương mại An Việt – Đào Ngọc Nam phát biểu ý kiến
Ông Đào Ngọc Nam cho biết: 'Khâu sản xuất, phân phối, bán lẻ là những khâu rất quan trọng bởi một cửa hàng thực phẩm sạch có thể sản xuất 20 loại sản phẩm khác nhau. Vấn đề Logistics rất quan trọng, Hà Nội không sản xuất đầy đủ sản phẩm cho người tiêu dùng, phải nhập từ bên ngoài nhiều và hiện nay, mạnh ai người nấy làm khiến chi phí đội lên quá cao.
Ông Đào Ngọc Nam - Giám đốc Công ty cổ phần sản xuất và thương mại An Việt. Ảnh Thanh Hải
Đối với An Việt, trước đây chúng tôi bao hàm tất cả các khâu nhưng giờ chúng tôi nhận ra không thể làm như vậy vì như thế sẽ manh mún, khó phát triển. Mà giờ chúng tôi gồm chuỗi các nhà sản xuất lớn và chuyên sản xuất một loại thực phẩm như trứng Ba Huân, thịt lợn sạch… và chúng tôi đứng ra để đem tới các cửa hàng khiến cho việc kiểm soát thực phẩm thường xuyên trên hệ thống rất tốt, giá thành sản phẩm cũng không bị đội lên quá cao.
Trong năm tới chúng tôi sẽ tập trung nhiều nhà sản xuất để cùng hợp tác, tìm hiểu công nghệ sản xuất. Tôi nhận thấy vấn đề minh bạch thông tin càng làm mạnh càng tốt. Tôi thấy tại quận Nam Từ Liêm, trong thời gian qua, thực phẩm đi vào các nơi đều đã minh bạch. Còn đối với chúng tôi, chúng tôi cung cấp cho người tiêu dùng không chỉ là giấy tờ, hình ảnh và sau này chúng tôi sẽ cung cấp hình ảnh trực tuyến để người tiêu dùng mục sở thị sản phẩm đang trong quá trình sản xuất, lấy lại niềm tin cho người tiêu dùng về thực phẩm."
11h06: Giám đốc Công ty cổ phần thương mại dịch vụ Cổng vàng Nguyễn Minh Trí phát biểu:
Ông Nguyễn Minh Trí - Giám đốc Công ty cổ phần thương mại dịch vụ Cổng vàng phát biểu tham luận tại hội thảo. Ảnh Thanh Hải
"Với tư cách là DN, chúng tôi không biết làm thế nào nếu không có sự hỗ trợ của Chi cục ATTP, Sở Y tế và các ban ngành. Là công ty hoạt động trong lĩnh vực nhà hàng, chúng tôi nhận thức rõ ATTP, nếu khâu nào không đạt thì nguy cơ rủi ro về thực phẩm sẽ xảy ra".
Hàng năm, chúng tôi đều cử cán bộ tham gia khóa đào tạo kiến thức về ATTP, tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định. Cổng Vàng luôn tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng của sản phẩm từ các nhà cung cấp, cam kết thực hiện vệ sinh ATTP. "Rất mong nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của các ban, ngành liên quan để có thể đem đến cho khách hàng  những sản phẩm tốt nhất", ông Trí nói.
10h50: Ông Nguyễn Tiến Hưng – Giám đốc công ty TNHH Thực phẩm sạch BigGreen Việt Nam phát biểu
Theo ông Nguyễn Tiến Hưng, để có sản phẩm an toàn, truy xuất nguồn gốc, chất lượng tốt thì bài toán liên kết sản xuất phải được đặt ra đầu tiên. "Chúng ta được nhà nước tạo cơ chế, chính sách thuận lợi, ưu tiên cho phát triển về thực phẩm sạch. Hà Nội tạo nhiều cơ chế khuyến khích, thuận lợi cho việc xúc tiến thương mại, liên kết được đến người sản xuất.
Ông Nguyễn Tiến Hưng - Giám đốc công ty TNHH Thực phẩm sạch BigGreen Việt Nam. Ảnh Thanh Hải
Về khó khăn, việc tiếp cận vốn của các doanh nghiệp nhỏ rất khó nên không có điều kiện để làm tốt hơn, quỹ đất dành cho doanh nghiệp xây dựng cơ sở chế biến còn đang hạn chế...
Thực phẩm an toàn hiện nay giá cao hơn nên các DN bán ra mà người tiêu dùng chưa tin tưởng thì sẽ gây khó cho DN, nếu có cửa hàng bán ra thì lại phải gánh thêm thuế." - Ông Hưng cho biết.
Cũng theo ông Hưng, chính sách thuế cũng là vấn đề khiến DN gặp khó khăn. Rồi vấn đề vận chuyển, lưu thông trong thành phố, nhiều thủ tục còn phức tạp.
“Nhà nước nên tích cực tuyên truyền, quảng bá để người tiêu dùng, người kinh doanh biết về an toàn thực phẩm, Vietgap, globalgap. Nhà nước cần tập huấn, tuyên truyền, thanh kiểm tra khâu sản xuất, hỗ trợ người sản xuất tập huấn kiến thức. Nhà nước cũng tạo cơ chế chính sách hỗ trợ cho các DN tham gia lĩnh vực thực phẩm sạch trong thời gian dài. Cần có sự liên kết giữa DN và nơi sản xuất nhờ đó có sản phẩm an toàn, giá thành giảm.” - Ông Nguyễn Tiến Hưng đề xuất.
10h45, ông Vũ Vinh Phú - Chuyên gia kinh tế - Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội phát biểu:
Ông Vũ Vinh Phú bày tỏ đồng ý với ý kiến của Tiến sĩ Bùi Thị An là cần kiểm soát ngay từ gốc, hàng nhập khẩu phải được kiểm soát ngay từ biên giới.
Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội tham luận tại hội thảo. Ảnh Thanh Hải
"Tôi sang chợ của Đài Loan thấy hàng hóa họ cứ vào chợ là kiểm tra, nếu bắp cải có vấn đề là hủy toàn bộ. Sang Nhật Bản mới thấy, một bà nông dân bán rau mùi còn dán cả mác an toàn kỹ thuật cho sản phẩm của họ".
Theo ông Phú, ý thức và kỷ luật thị trường của nước mình còn kém, do vậy, cần giải pháp để nâng cao vấn đề này. Bên cạnh đó, đội ngũ thanh kiểm tra thường xuyên đi làm cần phải được chu cấp, thường xuyên trang bị kiến thức. Nguy hiểm lớn nhất là người tiêu dùng lo không biết đâu là thực phẩm sạch hay không.
"Chúng ta phải tạo thành chuỗi từ sản xuất tới bán lẻ, tổ chức sản xuất sạch và tổ chức chuỗi thực phẩm an toàn sạch ngay từ đầu. Sức chúng ta có hạn nên chúng ta nên tập trung vào rau sạch và chăn nuôi, làm dứt điểm và nhân rộng ra, chứ không làm theo phong trào", ông nói,
10h30: Ông Nguyễn Thái Dũng - Phó Tổng BigC Thăng Long phát biểu
Ông Nguyễn Thái Dũng - Phó Tổng BigC Thăng Long tham luận tại hội thảo. Ảnh Thanh Hải
BigC đã 20 năm hoạt động tại Việt Nam, có mặt trên 20 tỉnh thành, mỗi năm phục vụ 52 triệu lượt khách. Bên cạnh chính sách giá rẻ mọi nhà, không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ. Rất quan tâm quản lý chất lượng hàng hoá cũng như vệ sinh ATTP.
Kinh nghiệm đang triển khai: Kiểm soát ngay từ đầu vào: Đưa ra yêu cầu rõ ràng với bên cung cấp hàng hóa phải đáp ứng. Tươi sống phải đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, giấy phép kiểm tra.
Hàng hóa chế biến: Cung cấp đảm bảo có công bố chất lượng sản phẩm, tem nhãn, điều kiện vận chuyển. Thu mua: Đầy đủ giấy tờ công bố chất lượng sản phẩm. Cơ sở sản xuất: Có cán bộ đến khảo sát tận nơi để đảm bảo cam kết của nhà cung cấp được tuân thủ.
Bán trong BigC: Tuân thủ đầy đủ quy trình hạ tầng, trang thiết bị được thiết kế đảm bảo thực phẩm cung ứng theo 1 chiều. Bảo quản trong kho chứa đủ điều kiện với từng loại thực phẩm.
Tát cả các quy trình được xây dựng đảm bảo ATTP cho thực phẩm. Các sản phẩm của BigC được kiểm tra định kỳ tại các phòng kiểm nghiệm uy tín nhằm đảm bảo chất lượng. 
Có bộ test thử nhanh với các loại hóa chất bị cấm nhằm nhanh chóng loại trừ các thực phẩm không đủ điều kiện trước khi được bày bán
Đẩy mạnh công tác huấn luyện ATTP cho nhân viên. BigC treo thông báo, nếu người tiêu dùng phát hiện sản phẩm quá date, không có thời hạn sử dụng thì siêu thị sẽ có quà tặng cho khách hàng phát hiện. Và trừ chi phí vào lương của nhân viên phụ trách quầy hàng đó để nâng cao ý thức quản lý của nhân viên.
10h15: Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An phát biểu ý kiến
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An tham luận tại hội thảo. Ảnh Thanh Hải
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An, vấn đề ATTP là vấn đề nóng không chỉ riêng của Hà Nội mà còn của cả nước. Nội dung hội thảo hôm nay là vấn đề được chọn rất trúng và đúng vì không chỉ là vấn đề thức ăn mà còn là vấn đề an sinh xã hội, giảm nghèo, môi trường. Việc lựa chọn quận Nam Từ Liêm là nơi có mô hình hoạt động rất tốt.
Tết sắp đến và vấn đề thực phẩm luôn được quan tâm rất nhiều. Công tác ATTP tại Hà Nội trong năm vừa rồi có bước tiến so với các năm trước, đặt sẵn vấn đề từ gốc từ quy hoạch cây trồng, rau sạch, chăn nuôi, lò mổ…, phân cấp cho các địa phương, quan tâm bếp ăn của khu công nghiệp, trường học. Hỗ trợ một phần cho công nghệ để giải quyết vấn đề an toàn thực phẩm như công nghệ sạch cho cây trồng, chăn nuôi, nguồn nước tưới sạch, các thiết bị kiểm tra thực phẩm nhanh cho ngành y tế… Hệ thống phân phối của Hà Nội cũng đã bắt đầu được quan tâm.
Tuy nhiên, Hà Nội vẫn còn tồn tại một số vấn đề, nhiều nhà vẫn trồng rau, nhưng nỗi lo thực phẩm bẩn vẫn thường trực, dân chưa thực tin thực phẩm ngay cả trong hệ thống siêu thị; Chế tài xử phạt chưa nghiêm mặc dù kiểm tra, thanh tra khá tốt nên thường xuyên vi hành. Theo tôi, nguyên nhân chủ yếu là do cần phần cấp triệt để hơn, chia rõ trách nhiệm, nên luật hóa dần việc thí điểm trách nhiệm, chọn người, giao trách nhiệm cụ thể, vấn đề con người và công tác cán bộ là công tác số 1; TP nên có quỹ hỗ trợ cho người sản xuất rau sạch, chăn nuôi an toàn, tổ chức lại thị trường tiêu thụ. Kiến nghị các ngành truyền thông phát hiện trúng, đúng và tôn vinh các cơ sở an toàn, phối hợp các vùng, tỉnh để quy hoạch chung về an toàn thực phẩm.
10h:00: Phó Chủ tịch UBND phường Phú Đô Phạm Anh Thư phát biểu
Phó Chủ tịch UBND phường Phú Đô Phạm Anh Thư tham luận tại hội thảo. Ảnh Thanh Hải
Phó Chủ tịch UBND phường Phú Đô Phạm Anh Thư cho biết, phường Phú đô có 106 cơ sở kinh doanh nông nghiệp, 165 cơ sở sản xuất bún, 208 cơ sở kinh doanh bún...
Tại Phú Đô, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm được ưu tiên quản lý, đặc biệt coi trọng. Năm 2016, UB phường thành lập Ban chỉ đạo quản lý công tác an toàn thực phẩm; thành lập tổ kiểm tra xét nghiệm nhanh mẫu thực phẩm...
Phường khai trương cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn, cung cấp thực phẩm an toàn cho sức khỏe người dân; vận động các cơ sở làm tốt công tác vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, trong công tác quản lý còn một số hạn chế như chưa có cán bộ chuyên trách, chủ yếu cán bộ kiêm nhiệm; nhiều hộ kinh doanh còn có nhận thức hạn chế về công tác an toàn thực phẩm; kinh phí cấp cơ sở còn hạn chế.
UBND Phường đề xuất, bổ sung thanh tra an toàn thực phẩm, có trang thiết bị để thực hiện nhiệm vụ...
9h50: Phó Chánh Thanh tra Bộ Y tế Nguyễn Văn Nhiên phát biểu
Ông Nguyễn Văn Nhiên - Phó Chánh Thanh tra Bộ Y tế phát biểu tại hội thảo. Ảnh Thanh Hải.
Phó Chánh Thanh tra Bộ Y tế Nguyễn Văn Nhiên đánh giá cao sự tham gia tích cực, các sáng kiến trong công tác quản lý ATTP, các hội thảo để huy động sự vào cuộc của các cấp, ngành, doanh nghiệp, người tiêu dùng. Với các bản tham luận được nêu tại hội thảo, chúng tôi rất tập trung nghe từ đại diện Sở Y tế, Sở Nông nghiệp&PTNT, quận Nam Từ Liêm, chúng tôi nhất trí với các tham luận, đánh giá cao ý kiến từ các tham luận, xác định công tác ATTP là công tác của toàn xã hội, các tổ chức, ban ngành, trong đó chính quyền có sự chỉ đạo, phân công, phân cấp rõ ràng. Đồng thời cần có sự tăng cường sự phối hợp ngành, Đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông nhằm nâng cao kiến thức về ATTP của các thành phần trong xã hội, thay đổi hành vi của người sản xuất và tiêu dùng. Thậm chí cần đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Chúng tôi ấn tượng với con số thanh kiểm tra của quận Nam Từ Liêm nhằm tạo ra sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm, sự nghiêm minh của chính quyền. Hoạt động thanh tra đang tích cực được triển khai, TP Hà Nội đã tích cực đẩy mạnh các mô hình rau an toàn, sản xuất điểm của TP, thanh kiểm tra nhanh là những hoạt động hết sức hiệu quả. Ngoài ra, còn có sự ký cam kết giữa người kinh doanh thực phẩm và chính quyền địa phương giúp nâng cao ý thức của doanh nghiệp sản xuất thực phẩm, tránh ảnh hưởng đến uy tín kinh doanh và bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng.
Trong thời gian tới, Thanh tra Bộ Y tế sẽ phối hợp tích cực, thường xuyên với các đơn vị, các cấp của TP Hà Nội, trong thời gian tới, chúng tôi cam kết sẵn sàng hỗ trợ các đồng chí để đào tạo, bồi dưỡng, cấp chứng chỉ chuyên ngành cho các đơn vị của thành phố thuộc phạm vi của Bộ Y tế. Bộ Y tế là 1 trong 2 bộ của cả nước được Thanh tra Chính phủ ủy quyền cấp chứng chỉ đào tạo, giúp cho Hà Nội một số lớp thanh tra, kiểm tra cấp quận, phường. Trong thời gian tới, chắc chắn nhu cầu đào tạo còn rất lớn và chúng tôi chuẩn bị sẵn sàng tài liệu, giáo án, giảng viên để hỗ trợ các đồng chí có thêm kiến thức, để phát huy hiệu quả thanh tra.
9h40: Ông Trần Mạnh Giang - Đại diện Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản Hà Nội đưa ra giải pháp trong thời gian tới
Ông Trần Mạnh Giang - Đại diện Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản Hà Nội cho biết: Tiếp tục tham mưu cho Thành phố ban hành cơ chế, chính sách về ATTP, Đề án về quản lý giết mổ gia súc, gia cầm; sản xuất, tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn và các văn bản chỉ đạo của Thành phố với chính quyền các cấp, các ngành và cơ quan chuyên môn thuộc lĩnh vực nông nghiệp…
- Tăng cường công tác thông tin, tuyên tuyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, pano, apphich, tờ rơi để người quản lý, người dân biết và chấp hành các quy định của Nhà nước về chất lượng vật tư nông nghiệp và ATTP nông lâm thủy sản và biết cách lựa chọn sản phẩm an toàn, ủng hộ sản phẩm an toàn có xác nhận. Quảng cáo kết nối các sản phẩm an toàn do Thành phố sản xuất và các tỉnh đưa về tiêu thụ.
- Tập huấn, kiểm tra, xác nhận kiến thức về ATTP cho người sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản tập trung vào khuyến cáo về việc sử dụng chất cấm, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, kháng sinh... Tuyên truyền về các mức xử phạt hành chính và các nghị định xử phạt về vi phạm hành chính về ATTP.
- Tiếp tục rà soát, thống kê các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và ATTP nông lâm thuỷ sản và tiến hành kiểm tra đánh giá phân loại các cơ sở đã được thống kê và cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP theo quy định, chú trọng tái kiểm tra với các cơ sở xếp loại C. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ ký cam kết sản xuất đảm bảo ATTP đối với cơ sở sản xuất ban đấu nhỏ lẻ theo phân công, phân cấp quản lý của Bộ Nông nghiệp & PTNT và UBND Thành phố.
- Tăng cường đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra việc triển khai công tác kiểm tra, đánh giá, phân loại các cơ sở thuộc phạm vi quản lý của các quận, huyện, thị xã. Đặc biệt tại các quận, huyện chưa triển khai, kết quả triển khai đạt thấp, các quận, huyện có các xã, phường chưa triển khai Thông tư 51/2014/TT-BNNPTNT.
- Tăng cường công tác lấy mẫu giám sát, cảnh báo, điều tra, truy xuất nguồn gốc, thanh kiểm tra phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm về chất lượng, ATTP theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và giám sát.
- Tập trung xây dựng chuỗi ATTP (rau, thịt) có xác nhận do Hà Nội sản xuất, cung ứng và chuỗi thực phẩm an toàn do các tỉnh, thành cung cấp cho Hà Nội.
Kiến nghị, đề xuất Bộ Nông nghiệp & PTNT: Xem xét tính thống nhất giữa các Thông tư, văn bản hướng dẫn về công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và ATTP nông lâm thủy sản thuộc lĩnh vực thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y. Ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung danh mục thức ăn chăn nuôi được phép lưu hành ở Việt Nam.
Phối hợp với Bộ Tài chính sớm ban hành hướng dẫn mức thu phí, lệ phí xác nhận kiến thức ATTP cho người sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản.
Phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công Thương hướng dẫn việc kiểm tra cơ sở có cả sản xuất và kinh doanh sản phẩm của 2 bộ quản lý trở lên.
Phối hợp với Bộ Y tế ban hành đầy đủ quy định mức giới hạn ATTP trong sản phẩm thực phẩm nông lâm thủy sản (thay thế Quyết định 46/2007/QĐ-BYT về quy định giới hạn tối đa ô nhiễm sinh học và hóa học trong thực phẩm).
9h36: Kết quả công tác quản lý chất lượng, ATTP nông lâm thủy sản
Ông Trần Mạnh Giang - Đại diện Chi Cục Quản lý Chất lượng nông, lâm và Thủy sản Hà Nội tham luận tại hội thảo. Ảnh Thanh Hải
Ông Trần Mạnh Giang - Đại diện Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản Hà Nội cho biết: Công tác chỉ đạo thực hiện: Hàng năm đã ban hành kế hoạch đảm bảo ATTP trên địa bàn phụ trách; hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện kịp thời các văn bản về ATTP theo chỉ đạo của Trung ương và Thành phố; kiện toàn Ban chỉ đạo quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và ATTP, thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra tổ chức kiểm tra, đánh giá, phân loại các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và ATTP theo thẩm quyền quản lý... Do đó, công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp (VTNN) và ATTP nông lâm thủy sản của ngành nông nghiệp Hà Nội đã có chuyển biến rõ nét và tích cực.
Đến nay đã hình thành được hệ thống các cơ quan quản lý Nhà nước về VTNN và ATTP nông lâm sản từ Thành phố đến các quận, huyện, thị xã, các xã, phường, thị trấn và đã xác định được khối lượng công việc cũng như đối tượng quản lý. Đồng thời TP cũng đã xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch, vùng, cơ sở sản xuất thực phẩm an toàn để bảo đảm việc quản lý được thực hiện trong toàn bộ chuỗi cung cấp thực phẩm.
Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, trung bình mỗi năm khoảng 1.000 hội nghị/hội thảo, lớp tuyên truyền, tập huấn kiến thức cho khoảng 80.000 người tham gia gồm người quản lý, người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng sản phẩm nông lâm thủy sản. Trong đó, hơn 80% lớp tập huấn là cho người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm, đạt và vượt chỉ tiêu trong kế hoạch ATTP của Thành phố giao.
Công tác kiểm tra đánh giá phân loại: Theo quy định tại Thông tư 45/2014/TT-BNNNT của Bộ Nông nghiệp & PTNT về kiểm tra đánh giá và cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP nông lâm thủy sản, toàn Thành phố Hà Nội có 16.473 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản, trong đó số cơ sở có đăng ký kinh doanh là 5.671 cơ sở (chiếm 34,42%). Kết quả cơ sở xếp loại A chiếm 7,4%, cơ sở xếp loại B chiếm 68,90%, cơ sở xếp loại C chiếm 21,89%. Kết quả cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP theo quy định được 2.637/5.671 cơ sở thuộc diện phải cấp, chiếm 46,50%.
Theo Thông tư 51/2014/TT-BNNNT của Bộ Nông nghiệp & PTNT về quản lý sản xuất ban đầu nhỏ lẻ có 23/30 quận, huyện, thị xã có sản xuất nông nghiệp có khoảng 240.500 hộ sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản… thuộc diện phải ký cam kết sản xuất an toàn. Kết quả, đến nay có 56.119/240.500 hộ ký cam kết sản xuất ban đầu đảm bảo ATTP, chiếm 23,34%.
Công tác giám sát ATTP nông lâm thủy sản trên địa bàn Thành phố tập trung vào các mẫu có nguy cơ cao như rau, quả, chè, thịt gia súc, gia cầm, thủy sản và sản phẩm thủy sản...  Từ năm 2011 - 2015, đã lấy 8.632 mẫu để giám sát chất lượng, tỷ lệ mẫu vi phạm chiếm 4,9%. Các trường hợp mẫu vi phạm đều được cảnh báo tới các cơ quan quản lý, các cơ sở sản xuất, kinh doanh để tổ chức truy xuất, điều tra xác định nguyên nhân, xử lý vi phạm và khắc phục sai lỗi theo quy định của pháp luật.
Công tác thanh tra, kiểm tra: Hàng năm, kiểm tra hơn 10.000 lượt cơ sở, tỷ lệ cơ sở không đạt yêu cầu, bị xử lý vi phạm có cải thiện và có xu hướng giảm theo từng năm. Cụ thể, năm 2015, tỷ lệ cơ sở vi phạm là 16,06% (Năm 2014 là 17,7%). Xử lý vi phạm: Phạt tiền với số tiền khoảng 1,5 tỷ đồng/năm; tham mưu các đoàn liên ngành quận, huyện xử phạt số tiền  gần 1 tỷ đồng; buộc phải tiêu hủy hơn 03 tấn sản phẩm nông lâm thủy sản. Ngoài ra, còn nhắc nhở, phạt cảnh cáo và yêu cầu khắc phục đối với một số cơ sở vi phạm lần đầu
9h25: Ông Trần Mạnh Giang – Đại diện Chi Cục Quản lý Chất lượng nông, lâm và Thủy sản Hà Nội phát biểu tham luận
Ông Trần Mạnh Giang - Đại diện Chi Cục Quản lý Chất lượng nông, lâm và Thủy sản Hà Nội cho biết: Hà Nội có số dân khoảng 7,4 triệu người và thường xuyên có hơn 2 triệu người ngoại tỉnh đến công tác, học tập, lao động, thăm quan du lịch... Để đáp ứng thực phẩm nông lâm thủy sản cho khoảng 10 triệu dân, mỗi ngày thị trường Hà Nội cần khoảng 800 - 1.000 tấn thịt các loại, 2.500 - 3.000 tấn rau quả các loại,  350 - 400 tấn thủy hải sản tươi sống và chế biến..
Hiện nay, sản xuất nông nghiệp của Hà Nội mới đáp ứng được 40% đến 60%, số còn lại được nhập khẩu và cung cấp từ các tỉnh khác. Nguồn lương thực thực phẩm này là những sản phẩm chủ lực, có giá trị kinh tế cao và là thế mạnh của các địa phương, được đưa về Hà Nội bằng nhiều con đường thông qua các tổ chức, cá nhân thu mua, cung ứng và chủ yếu được tiêu thụ tại các chợ đầu mối, chợ bán lẻ, siêu thị, cửa hàng kinh doanh trên địa bàn các quận, huyện, thị xã. Bởi vậy, việc quản lý chất lượng, ATTP chưa được chặt chẽ, dẫn đến nguy cơ mất an toàn thực phẩm cao, lòng tin người tiêu dùng giảm.
Về sản xuất nông nghiệp hiện tại, Hà Nội đã có 157 cánh đồng mẫu lớn, vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao tại 14 huyện ngoại thành, 5.300ha rau an toàn được quản lý và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP, 76 xã chăn nuôi trọng điểm và 3.232 trại chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư, 25 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung với diện tích 1.690ha; 60 chuỗi liên kết ATTP (27 chuỗi có nguồn gốc động vật, 33 chuỗi nguồn gốc trồng trọt) trong đó có 7 chuỗi rau, thịt của 06 cơ sở kinh doanh tại 11 điểm được xác nhận sản phẩm an toàn. Có 6 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp (3 cơ sở đang hoạt động), 16 cơ sở giết mổ bán công nghiệp, 03 khu giết mổ thủ công và còn khoảng 1.074 điểm, hộ giêt mổ nhỏ lẻ ở hộ dân và trong khu dân cư.
9h20: Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Trần Thanh Long chia sẻ một số bài học kinh nghiệm:
Để đạt được những thành công ban đầu trong công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, quận Nam Từ Liêm chúng tôi đã rút được một số bài học kinh nghiệm sau đây:
Một là, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cần được quán triệt chỉ đạo thấu đáo từ cấp ủy đảng đến chính quyền, từ quận tới phường. Trong các cuộc họp ban chấp hành vấn đề an toàn thực phẩm đều được đưa ra bàn bạc thảo luận.
Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Trần Thanh Long phát biểu tham luận tại hội thảo. Ảnh Thanh Hải
Hai là, Quận giao trách nhiệm cụ thể cho các ngành chịu trách nhiệm lĩnh vực mình được phân công: ví dụ trách nhiệm của phòng y tế, phòng kinh tế, trạm thú y, trạm bảo vệ thực vật, đội quản lý thị trường, công an môi trường, UBND các phường, ban quản lý các chợ.
Ba là, Tư tưởng chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác an toàn thực phẩm phải mang tính thực tế, tránh sách vở giáo điều, chọn những vấn đề mang tính đột phá, thực chất (ví dụ xét nghiệm nhanh dư lượng thuốc trừ sâu trên rau củ quả, hoặc các điểm cung ứng thực phẩm có kiểm soát của quận).
Bốn là, Vấn đề an toàn thực phẩm luôn được quận chọn ưu tiên cần phải giải quyết cấp bách ngay, những việc khác có thể lùi lại sau.
Năm 2017, ngoài những giải pháp về an toàn thực phẩm đã thực hiện năm 2016, quận Nam Từ Liêm dự kiến sẽ thực hiện thêm một số giải pháp an toàn thực phẩm sau:
Thứ nhất là tạo dựng mỗi phường có 01 điểm cung ứng thực phẩm an toàn có kiểm soát hàng ngày do UBND phường chịu trách nhiệm.
Thứ hai là nghiên cứu, trang bị ô tô chuyên dụng xét nghiệm nhanh an toàn thực phẩm (giống như xe của tập đoàn vingroup cấp cho thành phố).
Thứ ba, triển khai xây dựng đề án “Đảm bảo chất lượng cao về vệ sinh an toàn thực phẩm tại tuyến phố ẩm thực đường Nguyễn Cơ Thạch” mục tiêu là xây dựng tuyến phố ẩm thực an toàn vệ sinh thực phẩm, nhiều món ẩm thực đặc sắc, đa dạng thu hút các nhà đầu tư và khách du lịch bốn phương đến với quận Nam Từ Liêm (hiện nay đề án đã xây dựng xong dự thảo, đang xin ý kiến sở y tế).
Thứ tư, tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp vào địa bàn quận Nam Từ Liêm để sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn đáp ứng nhu cầu chọn lựa, sử dụng thực phẩm của nhân dân.
Thay mặt lãnh đạo quận Nam Từ Liêm, Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Trần Thanh Long kiến nghị: Sớm có chế tài xử lý cơ sở kinh doanh thực phẩm không an toàn, lực lượng tuyến phường mỏng và chuyên môn hạn chế nên cần tăng cường thêm lực lượng thanh tra chuyên ngành quận và phường, Sở Tài chính và TP có cơ chế để quậm giữ lại tiền xử phạt nhằm phục vụ công tác, tăng cường đánh giá kiểm nghiệm nhanh về an toàn thực phẩm.
9h12: Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Trần Thanh Long cho biết các giải pháp cụ thể để đảm bảo ATTP:
Hiện nay, trên địa bàn quận có: 1.655 cơ sở sản xuất - kinh doanh - chế biến thực phẩm (Quận quản lý 417 cơ sở, Phường quản lý: 1238 cơ sở); 9 chợ, 10 siêu thị, 01 trung tâm thương mại.
Năm 2016, quận Nam Từ Liêm chủ động đề nghị thành phố cho phép triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm quận và 02 phường năm 2016. Đến nay theo đánh giá của thành phố, quận Nam Từ Liêm được đánh giá là một trong những quận huyện triển khai tốt nhất mô hình này.
Quận đã giao trách nhiệm cụ thể cho UBND các phường và ban quản lý các chợ về vấn đề an toàn thực phẩm, nếu nơi nào để xảy ra các tồn tại về vấn đề an toàn thực phẩm thì UBND phường và ban quản lý chợ phải chịu trách nhiệm trước UBND quận.
Quận có văn bản yêu cầu bắt buộc chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt là tại các chợ phải công khai biển hiệu, có sổ sách ghi chép cụ thể nguồn gốc các mặt hàng thực phẩm hàng ngày. Thành lập 2 đường dây nóng cấp quận và 10 phường để người tiêu dùng và nhân dân thông tin cho cơ quan quản lý các vấn đề về mất an toàn thực phẩm.
Quận đã triển khai xây dựng 11 trạm kiểm tra xét nghiệm nhanh thực phẩm tại các chợ thuộc 7 phường, gồm có 10 loại xét nghiệm, trong đó đáng lưu ý nhất là lần đầu tiên đưa vào xét nghiệm nhanh dư lượng thuốc trừ sâu trên rau củ quả và đã cho những kết quả hết sức đáng lưu ý (đã làm 308 mẫu xét nghiệm nhanh dư lượng thuốc trừ sâu trên rau củ quả, phát hiện 55 mẫu dương tính nghi ngờ còn dư lượng thuốc trừ sâu). Từ việc phát hiện ra những loại rau củ quả nguy cơ này quận đã yêu cầu tiêu hủy, không để người tiêu dùng sử dụng sản phẩm này, xử lý cơ sở kinh doanh, công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, yêu cầu các cơ sở khắc phục kịp thời. Việc đưa vào hoạt động các trạm kiểm tra tại các chợ này được dư luận nhân dân và người tiêu dùng hết sức ủng hộ.
Quận đã triển khai thí điểm 2 cơ sở cung ứng thực phẩm an toàn tại  phường Phú Đô và phường Trung Văn. Đây là 2 điểm bán thực phẩm mà quận đã giao cho phòng Y tế, phòng Kinh tế thực hiện kiểm soát thực phẩm hàng ngày. Sau khi đưa vào hoạt động 2 cơ sở này hiện đang thu hút được rất nhiều khách hàng.
9h07: Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Trần Thanh Long phát biểu tham luận
Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Trần Thanh Long phát biểu tham luận"“Vai tr ò của chính quyền địa phương, bài học kinh nghiệm trong công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm quận Nam Từ Liêm”:
Đối với quận Nam Từ Liêm sau khi tách thành lập quận từ 1/4/2014 đến nay, quận đã có những bước tiến vượt bậc trong quá trình phát triển kinh tế xã hội. Tốc độ đô thị hóa rất nhanh, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng thương mại - dịch vụ - du lịch,  đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện.
Quận Nam Từ Liêm đang dần trở thành vị trí trung tâm của Thành phố, là nơi đến và sinh sống của mọi thành phần dân cư, đặc biệt là người nước ngoài (hiện tại trên địa bàn luôn có một lượng lớn khách nước ngoài cư trú qua lại, khoảng 5000 người). Chính vì vậy, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm luôn được Đảng bộ chính quyền và nhân dân quận Nam Từ Liêm hết sức quan tâm.
9h00:
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho biết: Hà Nội đã triển khai có hiệu quả các dự án thuộc chương trình mục tiêu VSATTP đạt các chỉ tiêu cơ bản đề ra.
Nhân rộng mô hình quản lý thực phẩm theo chuỗi từ sản xuất đến kinh doanh. Triển khai Đề án “Triển khai mô hình cải thiện An toàn thực phẩm đối với cơ sở dịch vụ ăn uống tại các phường, thị trấn của 30 quận, huyện, thị xã giai đoạn 2013 - 2015”.
Năm 2016, thí điểm thanh tra chuyên ngành tại 5 quận, huyện. Qua 6 tháng triển khai bước đầu lực lượng thanh tra chuyên ngành đã phát huy hiệu quả quản lý ATTP trên địa bàn.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung phát biểu tham luận tại hội thảo. Ảnh Thanh Hải
Các hoạt động tuyên truyền về ATTP được đẩy mạnh như: Chủ động phối hợp với cơ quan truyền thông với các hình thức phù hợp phong phú để truyền tải về thực trạng ATTP và định hướng xã hội chung tay vì ATTP.
Tuyên truyền trên Đài phát thanh truyền hình Hà Nội (90 tin bài, chương trình, phóng sự truyền hình, ra mắt chuyên mục „Không thỏa hiệp” với thực phẩm bẩn vào 11h55 trưa thứ 7 và Chủ nhật hàng tuần trên kênh 1 truyền hình Hà Nội, Báo Kinh tế Đô thị, báo Hà Nội mới, An ninh Thủ đô, Thông tấn xã phân xã Hà Nội (196 tin bài ảnh), chuyên mục ATTP trên Website tạp chí ngành y tế (98 tin, bài, ảnh).
Tổ chức ký cam kết bảo đảm ATTP các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm 33780 cơ sở. Tổ chức phổ biến kiến thức/xác nhận kiến thức ATTP cho chủ cơ sở và công nhân 1107 lớp/64936 người.
Tổ chức tuyên truyền và nói chuyện lồng ghép ATTP cho các hội viên đoàn thể và người tiêu dùng 2355 lớp/149711 người. Treo 4647 băng rôn, khẩu hiệu, poster, phát 167.623 tờ gấp. Loa đài của các phường xã thị trấn phát thanh về ATTP tổng số 48105 lượt.
Qua công tác tuyên truyền, giáo dục, tỷ lệ hiểu biết về kiến thức thực hành ATTP nâng lên.
Thành lập 1440 đoàn thanh tra, kiểm tra (Thành phố 48 đoàn, quận huyện thị xã, xã phường thị trấn 1392 đoàn). Đã thanh, kiểm tra 100.000 cơ sở/năm, xử phạt khoảng trên 20 tỷ đồng/năm. Tỷ lệ cơ sở vi phạm giảm qua các năm: Năm 2010 (24,4%), năm 2014 (17,5 %), năm 2015 (17%). Chuyển cơ quan điều tra truy tố hình sự 28 vụ sản xuất hàng giả (năm 2011: 6 vụ, năm 2012: 3 vụ, năm 2013: 8 vụ, năm 2014: 5 vụ, năm 2015: 6 vụ).
Xử lý các thông tin phản ánh về tình trạng mất ATTP (năm 2014: 35 thông tin, năm 2015: 24 thông tin, năm 2016: 38 thông tin).
Chủ động giám sát, xét nghiệm và cảnh báo nguy cơ thực phẩm mất an toàn. Trung bình hàng năm thực hiện gần 2000 kiểm nghiệm thực phẩm ( Năm 2015 phát hiện 4,6% mẫu không đạt chỉ tiêu hóa lý, 13% mẫu không đạt chỉ tiêu vi sinh và xét nghiệm nhanh 247.225 mẫu (số mẫu đạt 236.340/247.225 chiếm 95,6%).
8h53: Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung phát biểu tham luận
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung phát biểu tham luận có "Vấn đề quản lý nhà nước về lĩnh vực ATTP trên địa bàn thành phố, thực trạng và giải pháp".
Thực trạng công tác bảo đảm ATTP: Số cơ sở thực phẩm nhiều và ngày càng tăng (năm 2011 có 47.840 cơ sở, năm 2016 có 59.109 cơ sở); Thành phố đáp ứng 69% nhu cầu thịt, 60% nhu cầu rau (diện tích rau an toàn 5.000 ha/12.000ha). Có 17 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp, bán công nghiệp và thủ công, 1.047 điểm giết mổ nhỏ lẻ, thủ công (năm 2011 có trên 2.500 điểm), đã kiểm soát 45% sản phẩm gia súc, gia cầm của cơ sở giết mổ. Có 425 chợ dân sinh phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã, 117 siêu thị, 22 Trung tâm thương mại.
Tổng số nhân lực làm công tác quản lý ATTP: 11.946 người nhưng chỉ có 254 cán bộ chuyên trách (Y tế 172, Nông nghiệp 78, Công thương 04 cán bộ chuyên trách), 11.692 người kiêm nhiệm (BCĐ VSATTP các cấp 6.831, Y tế 2.510, Nông nghiệp 1.752, Công thương 599). Đặc biệt ngành Công thương chưa có mạng lưới ở tuyến xã, phường.
Ngành Y tế trang bị bộ test xét nghiệm nhanh ATTP cho 30 Trung tâm Y tế quận huyện thị xã và 584 Trạm Y tế. Ngành Nông nghiệp trang bị xe lưu động xét nghiệm nhanh nông thủy sản. Các đội quản lý thị trường được trang bị xét nghiệm nhanh ATTP. Ngành y tế đã đưa 3 xe vào sử dụng.
Thành phố triển khai thực hiện Luật ATTP, Nghị định của Chính phủ và các Thông tư hướng dẫn quản lý ATTP của các bộ/ngành Trung ương.
Hàng năm UBND Thành phố xây dựng kế hoạch đảm bảo công tác ATTP, các sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã cụ thể hóa bằng các kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện;
Để xử lý các điểm nóng về ATTP, UBND Thành phố thành lập 5 đoàn liên ngành kiểm tra đột xuất các cơ sở có dấu hiệu vi phạm.
Sở Y tế, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp&Phát triển nông thôn ký kết Quy chế phối hợp phối hợp và triển khai chuyên đề trọng tâm quản lý ATTP. Triển khai đường dây nóng tiếp nhận thông tin về ATTP để kịp thời xử lý.
Video về công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn TP Hà Nội
8h35: Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Minh Đức phát biểu khai mạc
Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Minh Đức phát biểu nội dung, giới thiệu mục đích của cuộc hội thảo: "Để tiếp tục truyền thông mạnh mẽ hơn về công tác ATTP, hội thảo: “Vai trò của chính quyền địa phương trong công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm” do báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Sở Y tế Hà Nội và UBND quận Nam Từ Liêm tổ chức nhằm đánh giá, phân tích thực trạng quản lý ATTP của các cấp trên địa bàn TP, vai trò trách nhiệm của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trong công tác quản lý ATTP. Bên cạnh đó, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc cũng như kinh nghiệm trong quản lý ATTP tại các quận, huyện, xã, phường; những giải pháp để địa phương phát huy được vai trò của mình, cũng như chia sẻ của Doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong việc đảm bảo ATTP.
Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Minh Đức phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Thanh Hải
Đề nghị các đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm, cùng nhau bàn thảo, đóng góp ý kiến, đề xuất xây dựng cơ chế chính sách quản lý, để tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ công chức, viên chức của chính quyền địa phương, của các cơ quan chức năng trong công cuộc đấu tranh với thực phẩm bẩn, “Chung tay vì an toàn thực phẩm”, vì sức khỏe của người dân Thủ đô.
Thay mặt  Báo Kinh tế & Đô thị, tôi xin trân trọng cảm ơn lãnh đạo UBND TP Hà Nội, Sở Y tế, Sở NN&PTNT, Sở Công thương, Chi cục ATVSTP… cùng các sở, ngành, đơn vị chức năng luôn quan tâm, đồng hành với các hoạt động của báo Kinh tế&Đô thị, đặc biệt, quan tâm tới công tác truyền thông vì chất lượng ATTP đã nhiệt tình tham dự buổi hội thảo hôm nay."
8h30
Ông Nguyễn Khắc Hiền - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội phát biểu tại hội thảo. Ảnh Thanh Hải
Hội thảo bắt đầu. Tham dự Hội thảo có: Ông Nguyễn Khắc Hiền - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội; ông Nguyễn Minh Đức - Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị; ông Trần Văn Chung - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội; ông Nguyễn Văn Nhiên - Phó Chánh thanh tra Bộ Y tế cùng đại diện các quận, huyện trên địa bàn TP Hà Nội.
8h15
Các đại biểu, khách mời có mặt tại hội trường Quận ủy Nam Từ Liêm (Hà Nội) tham dự hội thảo  "Vai trò của chính quyền địa phương trong công tác quản lý an toàn thực vệ sinh thực phẩm" do Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Sở Y tế Hà Nội và UBND quận Nam Từ Liêm tổ chức.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần