Kinhtedothi - Ngày 10/2, tại Paris, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp phối hợp Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI) tổ chức Hội thảo "Cải cách kinh tế của Việt Nam: Vai trò của các đối tác chiến lược mới", thu hút đông đảo giới nghiên cứu kinh tế, luật, doanh nghiệp và các bạn Pháp quan tâm.
Diễn giả tại Hội thảo là các chuyên gia hàng đầu về kinh tế, tài chính, luật, như: Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Khương, Phó Giám đốc phụ trách nghiên cứu, Trưởng khoa Kinh tế - Tài chính tại Học viện Hành chính và Quản trị kinh doanh Paris (IPAG Business School, Paris, France); Bà Françoise Nicolas, Giám đốc Trung tâm châu Á của IFRI; Chuyên gia nghiên cứu kinh tế hàng đầu về các nước Đông - Nam Á của Pháp Jean Raphael Chaponnière; Luật sư Oliver Massmann, Tổng Giám đốc Công ty Luật Duane Morris Việt Nam…
Các đại biểu cho rằng, trong gần 30 năm qua, kể từ khi tiến hành công cuộc đổi mới năm 1986, nền kinh tế của Việt Nam phát triển một cách ấn tượng. Nhờ thành quả đổi mới, trong suốt những năm 1990 và 2000, GDP của Việt Nam luôn duy trì mức tăng trưởng trung bình 7%. Sau khi gia nhập WTO, Việt Nam đã duy trì tốc độ tăng trưởng cao, trong năm 2007, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 8,46%. Về hội nhập quốc tế, Việt Nam đã gia nhập ASEAN vào tháng 7/1995, ký kết Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA) năm 2000, gia nhập WTO năm 2007… Việt Nam cũng đang tích cực tham gia đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Việt Nam không ngừng mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế đối ngoại song phương và đa phương với nhiều đối tác, dưới nhiều hình thức, trên nhiều lĩnh vực, tạo ra môi trường kinh doanh trong nước thuận lợi, thu hút đầu tư nước ngoài.
Luật sư Oliver Massmann, Tổng Giám đốc công ty Luật Duane Morris Việt Nam, một người đã sống và làm việc tại Việt Nam 25 năm, cho rằng, nếu TPP được ký kết, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng thêm 1% và trao đổi thương mại được mở rộng nhờ hiệp định này. Xuất khẩu của Việt Nam sẽ thuận lợi hơn khi Mỹ và Nhật Bản là một trong số đối tác lớn nhất của Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực dệt, may.
Theo ông Oliver Massmann, năm 2014, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được kết quả khả quan. GDP đạt 187,5 tỷ USD. GDP bình quân đầu người đạt 2.028 USD, lạm phát 4,09%. Việt Nam có dân số 90,73 triệu người, trong khi đó lực lượng lao động ở độ tuổi 15 trở lên chiếm 54,48 triệu người.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Khương cho biết, Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều cải cách trên nhiều phương diện, như: luật pháp, môi trường kinh doanh, hệ thống giáo dục, hàng rào thuế quan để ngày một hội nhập tốt hơn và tranh thủ được những thuận lợi từ các hiệp định tự do hóa thương mại. Tuy nhiên, chúng ta cũng đang đứng trước nhiều khó khăn và thách thức. Ông Khương nói: “Chúng ta đã ký Hiệp định đối tác chiến lược với 13 nước. Làm thế nào để các hiệp định này phát huy hiệu quả và làm thế nào để cân bằng lợi ích của chúng ta với 13 nước, đó là việc không hề đơn giản".
Hiện, Việt Nam có 13 nước là đối tác chiến lược trong đó có hai đối tác chiến lược toàn diện, 11 đối tác toàn diện và một đối tác chiến lược lĩnh vực.
Ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp hoan nghênh các diễn giả đã trao đổi thẳng thắn, chỉ ra những mặt được và chưa được của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh ngày càng hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới. Ông Cường cho biết, Việt Nam ngày nay khác xa so với những gì mà nhiều người biết trước đây. Đất nước Việt Nam hiện nay thay đổi, cải cách, mở cửa và hội nhập với nền kinh tế thế giới. Việt Nam có quan hệ kinh tế với hơn 200 nền kinh tế, trong đó có các nền kinh tế trụ cột của thế giới. Việt Nam đang đàm phán Hiệp định xuyên Thái Bình Dương và tiến hành vòng đàm phán cuối cùng về Hiệp định Thương mại tự do với Liên hiệp châu Âu, dự kiến sẽ ký vào nửa đầu năm 2015.
Hội thảo nhằm cập nhật thông tin giúp cho giới học giả, các quan chức và các doanh nghiệp hiểu thêm về cải cách kinh tế gần đây của Việt Nam, các quy định mới như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp đang được thực hiện giúp Việt Nam mở rộng cửa chào đón các nhà đầu tư nước ngoài.