Hơn 1.000 học sinh nghỉ học ở huyện Mê Linh: Vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Liên quan việc hơn 1.000 học sinh nghỉ học ở huyện Mê Linh, luật sư Nguyễn Thị Hải Yến - Giám đốc Công ty Luật Nguyễn Viết (Hà Nội) cho rằng, việc các hộ gia đình cố ý, cố tình cho các con nghỉ học không có lý do chính đáng là hành vi vi phạm nghiêm trọng các quy định pháp luật về quyền hợp pháp của trẻ em/học sinh.

Vừa qua, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Mê Linh đã cho các con, cháu trong gia đình nghỉ học, không đến trường nhiều ngày để phản đối Dự án xây dựng Công viên tưởng niệm thiên đường Thanh Tước trên địa bàn huyện.

 Trường Tiểu học Tam Đồng (huyện Mê Linh) có nhiều học sinh nghỉ học.

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Thị Hải Yến - Giám đốc Công ty Luật Nguyễn Viết (Hà Nội) cho rằng, việc các hộ gia đình tự ý, cố ý, cố tình cho các con, cháu (học sinh) nghỉ học không có lý do chính đáng (không phải nhà trường cho các học sinh nghỉ học, cũng không phải do các con ốm đau, bệnh tật…) là hành vi vi phạm nghiêm trọng các quy định pháp luật về quyền hợp pháp của trẻ em/học sinh.

Cụ thể, các cha mẹ, phụ huynh vi phạm nghiêm trọng Khoản 1, Khoản 2 Điều 37 Hiến pháp: “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; Thanh niên được Nhà nước, gia đình và xã hội tạo điều kiện học tập…”. Đồng thời, vi phạm nghiêm trọng hàng loạt quy định trong Luật Trẻ em: Quyền được giáo dục, học tập theo quy định tại Khoản 1 Điều 16; Khoản 2 Điều 99 Luật Trẻ em…

Ngoài ra, các cha mẹ, phụ huynh vi phạm nghiêm trọng Khoản 1 Điều 44 Luật Trẻ em: “Nhà nước có chính sách hỗ trợ, bảo đảm mọi trẻ em được đi học…”. Hành vi vi phạm nghiêm trọng pháp luật (nêu trên) được xem như là “hành vi phi giáo dục” của cha, mẹ, ông bà, cô dì, chú bác trong gia đình, làm ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ em/học sinh. Điều này có thể gây ra ảnh hưởng tiêu cực đối với tinh thần, đạo đức và mối quan hệ xã hội của trẻ em/học sinh.

Cụ thể, có thể gây ra sự hoang mang, lo sợ, không hiểu vì sao bản thân trẻ em/học sinh đã “bị”/phải nghỉ học khi nhà trường không có thông báo nghỉ học, không bị ốm đau, bệnh tật; Có thể gây ra sự khủng hoảng tâm lý, lo lắng khi không đến trường đi học, không học được kiến thức mới, phải học bù sau những ngày bản thân trẻ em/học sinh đã “bị nghỉ học không phép”; Có thể gây ra sự bất ổn tâm lý, phát sinh những suy nghĩ tiêu cực, phiến diện, lệch lạc về chủ trương chính sách, đường lối chính sách, bộ máy chính quyền địa phương nói chung, và cuộc sống, cách hành xử, ứng xử của gia đình trẻ em/học sinh nói riêng…

Theo luật sư Nguyễn Thị Hải Yến, để giải quyết triệt để vấn đề vi phạm pháp luật này, Cơ quan quản lý chức năng nhà nước các cấp có thẩm quyền về bảo vệ quyền trẻ em sớm tiến hành các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật quy định về quyền trẻ em, nghĩa vụ của người trực tiếp chăm sóc nuôi dưỡng trẻ em… để sớm ổn định việc học tập của trẻ em và cuộc sống của các hộ dân ở địa bàn huyện Mê Linh.