Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hơn 15.000 tỷ đồng tiền thuế không có khả năng thu hồi: Giải pháp nào?

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hơn 15.000 tỷ đồng tiền thuế không có khả năng thu hồi là con số đã được cơ quan thuế đưa ra. Giải pháp nào để xử lý các khoản nợ khủng của các DN đang là bài toán khó?

Theo các chuyên gia, với các DN đã chết thì xóa nợ hay khoanh nợ không còn ý nghĩa. Điều quan trọng là cần các chính sách hỗ trợ DN đang gặp khó để họ khỏe lên. Đó mới là giải pháp căn cơ.

Doanh nghiệp “thi gan”

Báo cáo của Tổng cục Thuế cho thấy, tính tới 31/10, tổng tiền thuế nợ thuế có khả năng thu (nợ đến 90 ngày và trên 90 ngày) là gần 31.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 42,4% tổng số tiền thuế nợ. Số thuế nợ này đã giảm gần 15% so với cuối năm 2015. Trong số này, các khoản thuế, phí là 20.523 tỷ đồng, giảm 3.355 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2015. Còn lại, các khoản nợ liên quan về đất là 10.476 tỷ đồng, giảm 1.822 tỷ đồng so với cuối năm trước.
 Doanh nghiệp làm thủ tục thuế tại Cục Thuế Hà Nội.     Ảnh: Phạm Hùng

Thời gian qua, nhiều biện pháp mạnh tay để thu hồi nợ như công khai thông tin các DN chây ì nghĩa vụ thuế, cưỡng chế tài khoản… đã được cơ quan thuế triển khai. Bên cạnh đó, cơ quan thuế cũng có cơ chế khen thưởng, động viên các tổ chức nộp thuế tốt, phối hợp với các địa phương, ngành… đôn đốc DN nộp thuế. Vì thế, tính đến cuối tháng 10/2016, các cục thuế đã đôn đốc thu hồi nợ được 33.543 tỷ đồng tiền thuế nợ của năm 2015 chuyển sang, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2015, đạt 65% chỉ tiêu thu nợ năm 2016.

Dù số nợ thuế giảm nhưng điều đáng lo là khối lượng nợ thuế không có thu hồi lại tăng. Tính đến 31/10, tiền thuế nợ không có khả năng thu đã là 15.020 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 20,5% tổng số tiền thuế nợ. So với thời điểm 31/12/2015, số nợ này đã tăng thêm hơn 210 tỷ đồng (+1,4%).

Một khoản nợ khác cũng tăng so với cuối năm ngoái là các khoản phạt và tiền chậm nộp. Số thuế nợ này theo báo cáo tới 31/10 là là 27.141 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 37,1% tổng số tiền thuế nợ, tăng 4.232 tỷ đồng (+18,5%) so với thời điểm 31/12/2015.

Nên hỗ trợ để DN gặp khó khỏe lên

Với các khoản nợ khó đòi của các DN đã phá sản, giải thể hay bỏ trốn khỏi địa chỉ kinh doanh thì khoanh nợ, xóa nợ là giải pháp thường được cơ quan thuế áp dụng. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, đây không phải là giải pháp căn cơ, lâu dài, không giải quyết triệt để tận gốc sự việc.

PGS.TS Nghiêm Viết Lợi – Trưởng Khoa kế toán, Đại học Lao động và Xã hội cho biết, thay vì vội vàng xóa, khoanh nợ, các cơ quan quản lý ngành thuế cần phải trả lời được các câu hỏi: Vì sao DN nợ thuế, khó khăn của ngành thuế là gì; tình trạng chây ì, nợ đọng không chỉ mới xảy ra mà đã tồn tại nhiều năm qua. Vậy, ai phải chịu trách nhiệm? “Ở nước ngoài, những trường hợp này đã bị truy tố ngay trước pháp luật” - ông Lợi nhấn mạnh.

Cũng theo các chuyên gia, cần làm rõ nguyên nhân, quy trách nhiệm cho người có liên quan nhằm đảm bảo bình đẳng giữa các DN, tránh hệ luỵ không khuyến khích DN thực hiện tốt chính sách pháp luật. Còn với trường hợp không thể thu hồi được nữa, cơ quan thuế cần xem xét để xóa nhưng phải có tiêu chí rõ ràng.

Ngoài ra, một số DN cho rằng cần có những chính sách ưu tiên cho các DN còn sống thay vì DN đã chết. “Với những DN đã chết rồi thì giúp cũng không còn ý nghĩa, có xóa hoặc khoanh thuế thì cũng khó sống lại. Còn những DN đang yếu, nếu nhận được sự tiếp sức về chính sách sẽ giúp họ khỏe lên” - lãnh đạo một DN sản xuất thủy sản cho hay.