Theo Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài về tình hình thu hút FDI từ các nước ASEAN trước bối cảnh Việt Nam gia nhập AEC 2015, tính lũy kế đến 6/2015, đã có 8/11 nước ASEAN có đầu tư FDI vào Việt Nam, gồm: Singapore, Malaysia, Thái Lan, Brunei, Indonesia, Phillipin, Lào, Campuchia với tổng số 2.629 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đầu tư đạt 54,6 tỷ USD, chiếm 14,2% tổng số dự án và 21,7% tổng vốn đăng ký đầu tư của cả nước.
Đứng đầu trong các lĩnh vực đầu tư được các nhà đầu tư lựa chọn là ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Theo đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã thu hút được 1.009 dự án và 22,2 tỷ USD tổng vốn đầu tư, chiếm 38% tổng số dự án và 40,8% tổng vốn đầu tư.
Đã có 97 dự án bất động sản của nhà đầu tư ASEAN đầu tư vào Việt Nam.
|
Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với 97 dự án và 16,6 tỷ USD, chiếm 30,4% tổng vốn đầu tư. Chỉ tính riêng hai lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo và kinh doanh bất động sản đã chiếm đến hơn 70% tổng vốn đầu tư của ASEAN. Do đặc trưng riêng nên quy mô bình quân dự án trong lĩnh vực này khá cao khoảng 167 triệu USD/dự án.
Trong lĩnh vực này, Singapore cũng chiếm đa phần các dự án (77 dự án và 10 tỷ USD tổng vốn đầu tư, chiếm 77,7% tổng số dự án và 60% tổng vốn đầu tư trong lĩnh vực này). Đứng thứ hai là Malaysia (16 dự án và 5,5 tỷ USD tổng vốn đầu tư, chiếm 33,3% tổng vốn đầu tư trong lĩnh vực này). Brunei chỉ có 2 dự án song tổng vốn đầu tư của 2 dự án này lên tới 1 tỷ USD, trong đó dự án Công ty TNHH New City có tổng vốn đầu tư là 1 tỷ USD. Còn lại là dự án đến từ Thái Lan và Phillipins.
Các dự án bất động sản của các nước ASEAN tập trung chủ yếu tại TP.HCM và Hà Nội do đây là 2 trung tâm kinh tế lớn của cả nước, rất thuận lợi cho việc phát triển các dự án bất động sản. Tuy nhiên, dự án bất động sản lớn nhất trong Asean tại Việt Nam là dự án khu nghỉ dưỡng Nam Hội An tại Quảng Nam với tổng vốn đầu tư lên tới 4 tỷ USD của nhà đầu tư Singapore.
Theo đánh giá của Cục Đầu tư nước ngoài, việc ASEAN sẽ trở thành Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015, với các Hiệp định chung điều chỉnh về đầu tư (Hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN - ACIA), thương mại (Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN – ATIGA) và dịch vụ (Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ - AFAS), làm tăng sức hấp dẫn của khu vực này trong thu hút FDI.
Các công ty đa quốc gia đang liên tục mở rộng hoạt động đầu tư của mình tại ASEAN. Các tập đoàn đa quốc gia (TNC) lớn trên thế giới đã có mặt và đang mở rộng hoạt động đầu tư của mình tại ASEAN. Hơn 80% số công ty có tên trong Danh sách 500 công ty toàn cầu của Fortune đã có mặt tại ASEAN.
Tại ASEAN đã có hoạt động của toàn bộ 10 công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực sản xuất ô tô, 10 nhà sản xuất phụ tùng ô tô lớn nhất toàn cầu; 10 nhà sản xuất điện tử hàng đầu; 10 doanh nghiệpdược phẩm hàng đầu.
Việt Nam có lợi thế so với các nước ASEAN khác trong quan hệ cạnh tranh thu hút FDI. Thái Lan có lợi thế nhưng một phần thị trường đã bão hòa, nhân công có chi phí ngày càng cao và thiếu về số lượng. Bất ổn chính trị cũng ảnh hưởng đáng kể tới dòng FDI vào đây. Indonesia có thị trường lớn nhưng lại có vấn đề về tôn giáo, văn hóa, chính trị.
Myanmar là địa bàn mới nổi lên trong thu hút FDI nhưng với thực trạng yếu kém về chính sách và hạ tầng hiện nay thì phải 3-5 năm nữa nước này mới có thể cải thiện được môi trường đầu tư...
Trong thời gian tới, đối với các nước ASEAN, có thể tin tưởng rằng, các dự án đầu tư có quy mô lớn sẽ vào Việt Nam nhiều hơn. Điều này cũng là phù hợp với mức độ phát triển của các quốc gia và sự thịnh vượng chung của ASEAN. Các doanh nghiệp cũng sẽ được hưởng lợi từ sự phát triển của khu vực và họ sẽ có những điều kiện để thực hiện các dự án đầu tư lớn hơn.