Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hơn 170 tỷ đồng đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Mục tiêu đến năm 2015, tỉnh Phú Thọ sẽ đào tạo nghề cho 23.000 lao động nông thôn, trong đó lao động học nghề nông nghiệp chiếm 60%, học nghề phi nông nghiệp 40%; phấn đấu đưa tỷ lệ lao động sau đào tạo có việc làm đạt 75%; đồng thời bồi dưỡng nâng cao kiến thức, năng lực quản lý kinh tế xã hội cho 6.000 lượt cán bộ công chức xã.

Để đạt kế hoạch này, tỉnh đã có kế hoạch huy động trên 174 tỷ đồng đầu tư cho lĩnh vực đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong đó ngân sách Trung ương là 113 tỷ đồng, ngân sách tỉnh là 59 tỷ đồng.

 
Hơn 170 tỷ đồng đào tạo nghề cho lao động nông thôn - Ảnh 1
 
Dự kiến nguồn vốn sẽ được đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị cho các cơ sơ đào tạo nghề; hỗ trợ lao động nông thôn học nghề; tư vấn học nghề và việc làm; thí điểm mô hình dạy nghề...

Từ năm 2010-2012, tỉnh Phú Thọ đã đào tạo nghề cho hơn 14.000 lao động nông thôn, trong đó số lao động học nghề nông nghiệp chiếm trên 73%. Số lao động nông thôn có việc làm sau học nghề đạt hơn 80%.

Tỉnh cũng thực hiện đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã với tổng số hơn 4.800 lượt người. Mạng lưới cơ sở dạy nghề được phát triển, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề được tăng cường đầu tư; chương trình, giáo trình dạy nghề được chỉnh sửa phù hợp nhu cầu thực tiễn; đội ngũ cán bộ quản lý dạy nghề các cấp, cơ sở dạy nghề được tăng cường về số lượng, chất lượng và cơ bản đáp ứng được yêu cầu.

Qua thực hiện đào tạo nghề, tỉnh đã nâng cao nhận thức của người dân về học nghề, góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu lao động sang phi nông nghiệp, tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo ở khu vực nông thôn, thực hiện tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, sau 3 năm triển khai kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn, số lượng người được đào tạo nghề còn thấp, mới chỉ đạt 26,9% so với kế hoạch. Nguyên nhân là do nguồn ngân sách dành cho công tác đào tạo nghề còn hạn chế nên số lao động nông thôn được đào tạo nghề còn quá ít so với nhu cầu thực tế.

Bên cạnh đó, chất lượng đào tạo chưa cao, việc đào tạo chưa gắn với nhu cầu, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế của địa phương. Hiệu quả hoạt động ban chỉ đạo các cấp có nơi còn hình thức; cơ sở vật chất các cơ sở dạy nghề và đội ngũ giáo viên cơ hữu còn thiếu, đặc biệt là các trung tâm dạy nghề công lập, trung tâm dạy nghề của các đoàn thể. Thêm vào đó, người lao động chưa hiểu hết trách nhiệm, quyền lợi khi học nghề...