Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hơn 200.000 công nhân đình công đòi tăng lương

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngành sản xuất thép và kim loại Nam Phi quy tụ 20% lực lượng lao động trong các nhà máy, và các nhà kinh tế cho rằng tác động về mặt kinh tế của cuộc đình công lần này sẽ nặng nề hơn cuộc đình công kéo dài hơn 5 tháng tại các mỏ bạch kim mới đây.

Theo phóng viên TTXVN tại Pretoria, ngày 1/7, hơn 220.000 công nhân trong ngành sản xuất kim loại và chế tạo máy của Nam Phi đã bắt đầu một cuộc đình công vô thời hạn trên toàn quốc nhằm đòi tăng 15% lương, khiến nhiều nhà máy trong lĩnh vực này bị tê liệt và nhiều cơ sở sản xuất đứng trước nguy cơ thiếu nguyên liệu.

Ông Castro Ngobese, người phát ngôn của Nghiệp đoàn thợ kim loại toàn quốc Nam Phi (NUMSA), nghiệp đoàn lớn nhất nước đang chỉ đạo cuộc đình công hiện nay, cho biết NUMSA đã giảm yêu sách tăng lương từ mức 20% xuống 15% rồi 12%, nhưng không được giới chủ đáp ứng một cách tích cực.

NUMSA đã quay lại yêu sách cũ và đe dọa đình công kéo dài nếu giới chủ không đáp ứng trong vòng 48 giờ đồng hồ.
Công nhân trong ngành sản xuất kim loại và chế tạo máy của Nam Phi đòi tăng 15% lương. (Nguồn: BBC)
Công nhân trong ngành sản xuất kim loại và chế tạo máy của Nam Phi đòi tăng 15% lương. (Nguồn: BBC)
Trong khi đó, các đại diện giới chủ cho rằng đòi hỏi tăng lương gấp đôi mức 7-8% mà họ đề xuất là khó có thể chấp nhận.

Ngành sản xuất thép và kim loại Nam Phi quy tụ 20% lực lượng lao động trong các nhà máy, và các nhà kinh tế cho rằng tác động về mặt kinh tế của cuộc đình công lần này sẽ nặng nề hơn cuộc đình công kéo dài hơn 5 tháng tại các mỏ bạch kim mới đây.

Các công ty sản xuất bạch kim đã thiệt hại 2,3 tỷ USD về doanh thu và bản thân những người đình công cũng bị thiệt hại 1 tỷ USD về thu nhập.

Cuộc đình công lần này có thể còn gây tác động về mặt xã hội do NUMSA tuyên bố sẽ tuần hành đến trụ sở của Tập đoàn điện lực Eskom của Nam Phi ở thành phố Johannesburg vào ngày 2/7 để kêu gọi các công nhân ngành điện đình công.

Theo thông cáo của Tập đoàn Murray & Roberts, trong ngày đầu tiên của cuộc đình công, tiến độ xây dựng tại hai nhà máy điện Medupi và Kusile đã gần như ngưng trệ hoàn toàn.

Một trong những nguyên nhân khiến kinh tế Nam Phi đình trệ trong những năm vừa qua là tình trạng thiếu điện nghiêm trọng.

Nếu kéo dài, cuộc đình công lần này sẽ phủ thêm một đám mây đen lên bức tranh kinh tế đang ảm đạm của Nam Phi.

Phát biểu với báo giới ngày 1/7 tại thủ đô Pretoria, Bộ trưởng Tài chính Nam Phi Nhlanhla Nene cho biết các cuộc đình công lớn trong nửa đầu năm nay đã gây hại nghiêm trọng cho nền kinh tế và Nam Phi khó có thể đạt mục tiêu tăng trưởng 2,7% trong năm nay.