Hơn 800 vụ án tham nhũng được đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo 3 cấp độ

Trần Long
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 9/12, Ban Nội chính Trung ương tổ chức họp báo thông tin về Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020.

 Phó Trưởng Ban thường trực Ban Nội chính Trung ương Võ Văn Dũng thông tin tại cuộc họp báo. (Ảnh: VOV)
Theo đó, Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020 dự kiến được tổ chức vào ngày 12/12 tại Hội trường Bộ Quốc phòng Hà Nội và được truyền trực tuyến tới 82 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các quân khu, quân chủng, binh chủng, binh đoàn, bộ tư lệnh và tương đương trong quân đội. Khoảng 670 đại biểu sẽ tham dự tại Hội trường Bộ Quốc phòng và khoảng 5.000 đại biểu sẽ tham dự Hội nghị theo hình thức trực tuyến ở 82 điểm cầu.
Thông tin tại cuộc họp báo, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Nội chính Trung ương Võ Văn Dũng cho biết, Hội nghị lần này được tổ chức trước thềm Đại hội XIII của Đảng có một ý nghĩa hết sức quan trọng là vừa tổng kết công tác phòng chống tham nhũng của cả nhiệm kỳ Đại hội XII và từ khi thành lập Ban Chỉ đạo đến nay. Hội nghị sẽ đánh giá kết quả đạt được, những việc chưa làm được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân, rút ra những bài học kinh nghiệm, trên cơ sở đó đề ra nhiệm vụ phòng chống tham nhũng trong thời gian tới. Điều này cũng thể hiện rõ quyết tâm chính trị rất cao của Đảng, Nhà nước đối với công tác phòng chống tham nhũng; khẳng định công tác này không dừng, không nghỉ, không trùng xuống mà ngày càng quyết liệt, bài bản, đồng bộ, hiệu quả hơn.
Thông tin về những nội dung cơ bản của Dự thảo Báo cáo tổng kết công tác phòng chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học cho biết, từ khi thành lập Ban Chỉ đạo (tháng 2/2013), nhất là từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay, cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng được lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện, rõ rệt; để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội. Đồng thời, góp phần giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân; nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế và tạo động lực mới, khí thế mới để toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Đảng. 
Từ khi thành lập Ban Chỉ đạo đến nay, đã đưa hơn 800 vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế phức tạp được đưa vào diện theo dõi chỉ đạo 3 cấp độ. Trong đó, cấp độ 1 là cấp độ do Ban chỉ đạo theo dõi chỉ đạo, cấp độ 2 do Ban Nội chính Trung ương theo dõi đôn đốc và cấp độ 3 do các tỉnh thành ủy theo dõi chỉ đạo. Trong đó, án cấp độ 1 là 133 vụ án, 94 vụ việc và đến nay các cơ quan chức năng đã kết thúc điều tra, truy tố, đưa ra xét xử sơ thẩm 86 vụ án, 814 bị cáo, xét xử phúc thẩm 61 vụ án, 581 bị cáo. Riêng từ đầu nhiệm kỳ XII đến nay, đã chỉ đạo xử lý 127 vụ án, 91 vụ việc, đã xét xử sơ thẩm 72 vụ án, 637 bị cáo, xét xử phúc thẩm 54 vụ án, 481 bị cáo.