Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 28/8, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức buổi họp báo thường kỳ tháng 8/2014 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Nguyễn Văn Nên.

Tóm tắt nội dung phiên họp thường kỳ của Chính phủ diễn ra trong hai ngày 27 và 28/8, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên cho biết ngoài việc xem xét, đánh giá tình hình phát triển kinh tế-xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm như thông lệ, lần này Chính phủ cũng bàn công việc tháng 9, dự ước cho tháng 9, hướng các tháng còn lại của năm 2014 và kế hoạch năm 2015 để chuẩn bị báo cáo Trung ương và Quốc hội.

Bức tranh chung về kinh tế-xã hội có những dấu hiệu khả quan. Cụ thể, kinh tế trên đà phục hồi đồng đều, có mặt tăng trưởng cao. Đến giờ này, GDP tăng 5,54%, con số này cho thấy nếu chúng ta quyết tâm thì cả năm có thể đạt con số đề ra là 5,8%.

Lĩnh vực chế biến-chế tạo đang đà phát triển. Lĩnh vực nông nghiệp cũng vậy, nhất là thủy sản gặt hái được những thành công đáng mừng. Dịch vụ phục hồi khá nhanh.

Về kiểm soát các mặt kinh tế vĩ mô, lạm phát ở mức thấp. Đồng tiền ổn định. Dự trữ ngoại tệ cao. Xuất khẩu đến giờ này duy trì tốc độ tăng trưởng tuy không cao nhưng vẫn xuất siêu 1,7 tỷ USD. Đáng chú ý, từ trước đến giờ, xuất khẩu ở khu vực FDI góp phần lớn, nhưng từ cuối năm 2013, khu vực trong nước đã có đóng góp cho xuất khẩu với mức tăng trưởng 11%.

Giải ngân ODA so với cùng kỳ tăng 41%, tức trên 3 tỷ USD, có lẽ là tỷ lệ cao nhất từ trước đến giờ. Hiện đang lo vốn đối ứng cho giải ngân ODA, riêng giao thông cần trên dưới 8 nghìn tỷ nhưng đáp ứng khoảng hơn 20%.

Nhập khẩu có tăng nhưng chủ yếu là máy móc và nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất, hạn chế nhập khẩu cho tiêu dùng. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy có sự quản lý chặt chẽ về nhập khẩu.

Thống kê đến tháng 8, số doanh nghiệp thành lập mới khoảng 47.500 và cũng có khoảng 40.000 doanh nghiệp đóng cửa, ngừng hoạt động, phá sản. Số doanh nghiệp thành lập mới giảm 9,5% nhưng tín hiệu mừng là số vốn đăng ký, bình quân 1 doanh nghiệp tăng khoảng 6 tỷ, cho thấy lòng tin của nhà đầu tư tăng nên họ mạnh dạn bỏ vốn đầu tư lớn, mở rộng sản xuất. Theo các cơ quan nghiên cứu, tại một số nước, trong số doanh nghiệp thành lập mới, sau vài năm thành lập, con số đi vào hoạt động ổn định khoảng 60-65%, tỷ lệ này ở Việt Nam khoảng trên dưới 70%. Đến giờ này, cũng có khoảng 10.000 doanh nghiệp trước đây tuyên bố đóng cửa nay hoạt động trở lại.

Chúng ta có nhiều nỗ lực giải quyết tốt an sinh xã hội, trong đó tập trung cho người nghèo, đối tượng chính sách và đồng bào dân tộc. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Tai nạn giao thông kéo giảm 3 tiêu chí: Tính số tròn, số vụ tai nạn kéo giảm khoảng 14%, số người bị thương giảm 15%, số người chết giảm hơn 4%.

Tuy nhiên, kinh tế vĩ mô dù có quản lý, kiểm soát nhưng tính bền vững chưa thật cao, nợ xấu tăng, tăng trưởng tín dụng còn thấp... Tổng cầu chưa có chuyển biến khả quan, tình hình trật tự xã hội có mặt chưa làm chúng ta yên tâm.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên chủ trì phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2014
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên chủ trì phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2014
Từ những đánh giá này, Chính phủ họp đã thống nhất quyết tâm trong 4 tháng còn lại, bằng những giải pháp đồng bộ đã đề ra từ đầu năm, tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tăng tổng cầu, tăng trưởng tín dụng bằng nhiều biện pháp.Vấn đề cần tập trung thứ hai cũng đang làm những tháng qua là tái cơ cấu. Lĩnh vực này chúng ta có nỗ lực rất lớn nhưng trong giai đoạn này cần sự chỉ đạo quyết liệt hơn nữa. Tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp và hệ thống ngân hàng bằng các giải pháp đồng bộ để góp phần đạt tăng trưởng. Cuối năm nay, trong số 14 chỉ tiêu dự kiến sẽ đạt 12.

Trong phần hỏi đáp, phóng viên Thế Dũng (báo Người Lao động) nêu lên những “lùm xùm” liên quan đến tuyển dụng công chức tại Cục Quản lý thị trường và Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cũng như hiện tượng một Phó Phòng Quản lý xuất nhập khẩu ở Hải Phòng thuộc Cục quản lý xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) bị phát hiện đang nhận tiền lót tay của doanh nghiệp. Phóng viên đặt câu hỏi quan điểm của Chính phủ về việc tuyển dụng công chức nói chung và đối với vấn đề xử lý của Bộ Công Thương như thế nào.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên nói: Những ngày qua, trên diễn đàn thông tin đại chúng, chúng ta đã nghe phản ánh rất nhiều thông tin mà bạn vừa nói. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã có chỉ đạo cơ quan chức năng vào cuộc để làm rõ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chậm nhất là trong tháng 9. Bộ Công Thương đã chủ động báo cáo và làm việc với các cơ quan chức năng, tập trung làm rõ những vấn đề có liên quan tới Bộ mình. Chiều nay, Bộ Nội vụ cũng công bố một quyết định thanh tra công chức về việc này tại Bộ Công Thương. Vấn đề này nói lên mấy điều. Thứ nhất quan điểm của Chính phủ cũng như tất cả chúng ta là đối với lĩnh vực cán bộ công chức, tuyển dụng, quản lý, thi cử phải công khai minh bạch. Phải đảm bảo không có tiêu cực. Những hiện tượng xuất hiện gần đây ở một số địa phương trong cả nước, theo phân cấp quản lý cán bộ, cấp nào quản lý cán bộ có vấn đề gì xảy ra cấp đó phải có trách nhiệm làm rõ, xử lý nghiêm minh. Riêng sự việc này, đến giờ này Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo như thế. Còn cụ thể như thế nào, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải sẽ báo cáo rõ thêm.

Cũng liên quan đến nội dung này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết:

Về việc thi tuyển công chức của Cục Quản lý thị trường, khi xảy sự việc như vậy, Bộ Công Thương đã hết sức kiên quyết. Trước hết là ra quyết định xử lý các cá nhân nguyên là cán bộ hoặc đang là cán bộ của Cục Quản lý thị trường. 4 trường hợp chúng ta đã xử lý rồi. Ban Cán sự Bộ Công Thương ra nghị quyết hủy bỏ kết quả của kỳ thi tuyển công chức và sẽ tiếp tục xử lý nếu có tình tiết mới được phát hiện.

Còn về Cục Quản lý cạnh tranh thì đến giờ phút này, Bộ Công Thương chưa nhận được bất cứ một lá đơn, phản ánh chính thức của bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào về vấn đề này. Nhưng qua các phương tiện thông tin báo chí, chỉ sau 2 ngày khi có sự việc, Bộ Công Thương đã cử 1 đoàn kiểm tra xuống trực tiếp kiểm tra tại Cục Quản lý cạnh tranh. Ttheo kết quả giải trình của ban lãnh đạo Cục Quản lý cạnh tranh cũng như kết quả kiểm tra của đoàn kiểm tra, chúng tôi đã ra thông báo chính thức. Có 2 việc rất quan trọng mà báo chí nêu. Thứ nhất là có 6 chỉ tiêu nhưng lấy 9 biên chế. Tôi khẳng định là không phải. Lúc đầu có 6, nhưng sau đó thực tế có một cán bộ thôi việc, một nghỉ hưu, 2 cán bộ được cử đi công tác, làm tham tán thương mại ở các nước. Cho nên là Cục Quản lý cạnh tranh đã xin và được Bộ đồng ý bổ sung thêm 3 biên chế trong tổng số biên chế đã được phê duyệt của năm 2013. Tổng số là 9 biên chế. Theo đoàn kiểm tra đánh giá, cuộc thi diễn ra minh bạch, công bằng, và công khai. Sau đó, Cục Quản lý cạnh tranh đã báo cáo Bộ về kết quả và đã được phê duyệt. Và Bộ cũng yêu cầu Cục Quản lý cạnh tranh ra quyết định tuyển dụng 9 cán bộ này vào làm công chức của Cục Quản lý cạnh tranh. Đến giờ phút này chúng tôi khẳng định Cục Quản lý cạnh tranh làm đúng. Hiện nay chúng tôi tiếp tục phối hợp với Bộ Nội vụ để tiếp tục làm rõ thêm không những ở Cục Quản lý cạnh tranh mà cả kết quả thi tuyển công chức của một số đơn vị khác thuộc Bộ Công Thương.

Vấn đề thứ 3 xin được trình bày là từ sáng hôm qua, VOV có đưa một clip cán bộ nhận tiền lót tay. Ngay trong ngày hôm qua, chúng tôi ra quyết định tạm thời đình chỉ công tác đối với bà Phạm Mai Hương, Phó phòng Phòng Quản lý xuất nhập khẩu tại Hải Phòng. Nhưng tạm đình chỉ ở đây không có nghĩa là người ta có vi phạm. Báo chí nêu thì chúng ta tạm đình chỉ để cán bộ tường trình và báo cáo. Thứ hai, ngay trong chiều hôm qua, Bộ Công Thương đã cử một đoàn gồm Thanh tra Bộ, Vụ Tổ chức cán bộ, và Cục Quản lý xuất nhập khẩu xuống làm việc tận nơi, nghe báo cáo giải trình của tất cả các cán bộ Phòng Quản lý xuất nhập khẩu tại Hải Phòng. Nhưng quan trọng hơn, dựa vào clip, chúng tôi đã tìm ra 2 doanh nghiệp mà trong clip nói là có việc đưa tiền lót tay. Sau đó, chúng tôi đã gặp trực tiếp, lập biên bản xác minh sự việc với 2 doanh nghiệp này. Cả 2 doanh nghiệp đều khẳng định tiền đưa cho chị Hương là phí để trả chứng nhận xuất xứ mà chúng ta gọi là C/O. Ngoài ra không có bất cứ khoản tiền nào khác cả. Như vậy sự việc trong clip đã được xác minh là việc tiền trả giấy chứng nhận xuất xứ chứ không có tiền lót tay nào cả. Chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng và làm một cách tổng thể, không phải chỉ 2 doanh nghiệp này mà sẽ làm lại cả một quá trình, cố gắng tìm ra sự thật một cách khách quan nhất. Một lần nữa rất mong báo chí khi đưa tin cần lưu ý dựa vào cơ sở pháp lý hoặc căn cứ pháp lý để kết luận. Xin trân trọng cảm ơn.

Thái Thanh (Ban Thời sự VTV): Xin hỏi đại diện Bộ LĐTBXH, báo chí đưa tin các nhà thầu Trung Quốc sẽ tuyển 10.000 lao động từ Trung Quốc sang trong khi lao động ở nước ta đang thiếu việc làm, ít nhất là lao động từ Libya trở về. Bộ có nắm được trong số 10.000 lao động này, có những ngành nghề gì mà họ không thể tuyển lao động ở Việt Nam? Mấy năm tới chúng ta phát triển nhiều khu công nghiệp, đặc khu kinh tế… liệu tình trạng này có thể khắc phục được không bởi vì cử nhân, lao động phổ thông đang rất thiếu việc làm? Xin Bộ đánh giá về thực trạng này!

Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Trọng Đàm: Theo chúng tôi nắm được đến ngày 21/8, tại Vũng Áng có 33.952 lao động đang làm việc, trong đó lao động Việt Nam là 30.438 người, lao động nước ngoài là 3.514 người bao gồm 1.913 lao động Trung Quốc, còn lại là đến từ 28 quốc gia và vùng lãnh thổ. Riêng trong dự án Formosa, tổng số lao động gần 27.000 người, trong đó lao động trong nước là trên 23.700 người, còn lại 3.212 lao động nước ngoài, gồm 1.799 lao động Trung Quốc.

Hiện nay, có thông tin nói 10.000 lao động Trung Quốc chuẩn bị sang làm việc ở dự án Formosa. Thực tế, nhu cầu 10.000 lao động là số kế hoạch dự kiến đề nghị xin tuyển của 29 nhà thầu theo tiến độ xây lắp công trình. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh xem xét yêu cầu tuyển lao động nước ngoài của nhà thầu theo từng thời điểm, theo tiến độ yêu cầu nhà thầu. Đến ngày 27/8, UBND tỉnh Hà Tĩnh mới chấp thuận 2.063 chỉ tiêu. Các nhà thầu đang đề xuất thêm 2.700 chỉ tiêu mới trong thời gian tới nhưng chưa được chấp thuận.

Theo báo cáo của Ban quản lý khu kinh tế Hà Tĩnh, dự báo thời điểm thực hiện tiến độ công trình ở Vũng Áng thì trong quý IV/2014 và quý I/2015 các nhà thầu cần 4-4,5 vạn lao động, trong đó có khoảng 8.000 lao động nước ngoài. Như vậy con số lao động không phải là 10.000 và con số hàng vạn lao động Trung Quốc không phải là con số xác thực trong vấn đề lao động nước ngoài.

Về trách nhiệm quản lý, chúng ta đã có đầy đủ văn bản giao trách nhiệm Chủ tịch UBND tỉnh có thẩm quyền duyệt cấp phép cho từng nhà thầu, từng dự án sử dụng lao động nước ngoài.

Từng bước chúng ta kiểm soát được lao động nước ngoài theo quy định vào làm việc cho nhà thầu. Việc cấp phép thỏa thuận, cam kết, phân định trách nhiệm quản lý lao động nước ngoài, chia sẻ thông tin, báo cáo tình hình và cập nhật giữa Ban quản lý và cơ quan cấp phép được thực hiện chặt chẽ.

Trong tổng số 3.514 lao động nước ngoài đang làm việc thì có 1.913 lao động Trung Quốc làm việc tại Vũng Áng, trong đó 1.799 người đã được cấp phép, số còn lại đang làm thủ tục tiếp.

Phóng viên Trung tâm thông tin VTV24: Thứ nhất, Metro vào Việt Nam có đăng ký là đại lý bán buôn, nhưng thực tế lại là bán lẻ. Dư luận đặt câu hỏi là tại sao đăng ký bán buôn mà lại được phép bán lẻ và tại sao cơ quan chức năng lại để tình trạng này xảy ra trong thời gian dài như vậy?

Thứ hai, trong suốt 10 năm hoạt động tại Việt Nam, Metro luôn báo lỗ, nhưng khi đầu tư xây dựng lại xin được rất nhiều khu đất vàng, vậy chúng ta có nên xem xét lại chính sách đối với nhà đầu tư nước ngoài không?

Thứ ba, vấn đề nợ xấu như thế nào trong khi tỷ lệ nợ xấu có xu hướng gia tăng, công ty VAMC không có đủ tài chính để xử lý dứt điểm, vậy trong thời gian tới, chúng ta có chế tài gì để xử lý dứt điểm vấn đề nợ xấu hay không?

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải: Nếu như có đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì tôi nghĩ rằng sẽ trả lời chính xác hơn bởi vì đây là 1 DN 100% vốn nước ngoài và đầu tư theo Luật Đầu tư của Việt Nam, đã được Bộ trưởng Bộ KHĐT cấp giấy phép đầu tư, sau đó được UBND TP.HCM cấp giấy phép đăng ký doanh nghiệp. Tuy nhiên, tôi cũng xin nêu một số nội dung để các bạn nắm được.

Thật ra, Bộ Công Thương chịu trách nhiệm vấn đề cung cầu, đặc biệt là vấn đề các điểm bán hàng. Về Metro, hiện nay do một người quốc tịch Pháp đang làm Tổng Giám đốc. Metro vào Việt Nam từ 2001, đến nay đã thành lập 19 trung tâm Metro trên toàn quốc (trong đó Hà Nội có 3, TP.HCM 3, 13 trung tâm còn lại nằm tại 13 tỉnh, thành phố trên toàn quốc).

Chúng ta phải nhìn nhận một cách khách quan, Metro vào đây quan trọng nhất đầu tiên là kinh doanh. Theo chúng tôi kiểm tra, có lúc tới 90% hàng hóa bán trong Metro là hàng của Việt Nam sản xuất và bán ra tại Việt Nam, chủ yếu cho người Việt Nam. Như vậy, họ làm rất tốt, giúp người Việt Nam tiêu thụ sản phẩm của mình ngay trên lãnh thổ Việt Nam.

Ngoài ra, Metro cũng đã làm được một số việc, như tổ chức các khóa đào tạo cho người nông dân, kể cả các hộ kinh doanh và một số tổ chức doanh nghiệp, làm đúng theo chuẩn mà các nước đang làm, từ khâu sản xuất tới khâu tiêu thụ, và cả về vệ sinh an toàn thực phẩm. Metro từ lúc thành lập đã tạo ra việc làm cho hơn 5.000 lao động, đây là những đóng góp rất tốt của Metro.

Về chuyện bán buôn, bán lẻ, ở nước ngoài có rất nhiều hãng, như Bosco của Hoa Kỳ, Big C của Pháp… nên phân biệt bán buôn và lẻ là rất khó. Ví dụ, chúng ta có thẻ Big C ở nước ngoài nhưng mua 1 sản phẩm cũng không sao cả.

Còn theo quan điểm của tôi, nên nhìn nhận họ đã làm được gì và hiện nay lỗ hổng trong quản lý của chúng ta là gì. Ví dụ việc báo lỗ, trong vòng 12 năm qua họ báo lỗ, vì lỗ nên họ không nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Nhưng chúng tôi cũng có con số là từ lúc thành lập tới nay, họ đã nộp 921 tỷ đồng các loại thuế, trừ thuế thu nhập doanh nghiệp do bị lỗ. Còn việc hiện nay họ lập rất nhiều điểm mới, trung tâm mới và chính những trung tâm này gây cho họ lỗ, chúng tôi đã kiểm tra. Kết quả kinh doanh của họ từng nơi lãi, nhưng vốn đầu tư của họ vào những trung tâm mới thì lại tạo ra lỗ của họ. Đấy là vấn đề.

Luật pháp của chúng ta đang là như vậy. Chúng tôi khẳng định rằng, người ta hoàn toàn dựa vào pháp luật, làm đúng theo quy định.

Hiện nay, có 1 tập đoàn Thái Lan quyết định đàm phán mua của Metro 19 trung tâm và dự kiến đến giữa 2015 sẽ kết thúc. Có một vấn đề xin nêu ra ở đây vì còn liên quan tới nhiều bộ, ngành khác.

Thứ nhất, khi chúng ta cấp phép, đương nhiên quyền họ được phép mua bán dựa vào Luật Đầu tư, Luật Cạnh tranh và Luật Thương mại, không có gì sai cả. Nhưng chúng ta phải nhìn nhận là 1 doanh nghiệp mới luôn mong muốn sự ưu đãi trong đầu tư. Bộ KHĐT cần xem xét kỹ việc này. Khi Metro vào Việt Nam đã được ưu đãi hết sức vì trước khi Việt Nam gia nhập WTO, sự ưu đãi còn lớn hơn nữa, nhưng bây giờ rõ ràng phải khác rồi. Quan điểm của chúng tôi có 2 cách. Một là Metro được ưu đãi bao nhiêu năm tháng thì chúng ta chấm dứt ở đó, dù ai là chủ mới cũng chỉ dừng ở đó thôi.

Thứ hai, liên quan tới lỗ lãi và vấn đề chuyển giá chẳng hạn, thực sự họ có lỗi hay không thì Chính phủ, mà ở đây trực tiếp là Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, phải vào cuộc để kiểm tra trong 12 năm thực sự có lỗ hay không, lỗ như thế nào… để tránh việc đánh thuế thu nhập DN.

Về phía Bộ Công Thương, khi doanh nghiệp này yêu cầu hoặc xin giấy phép tổ chức phân phối tại Việt Nam, qua ý kiến của các bộ, ngành, đặc biệt Bộ KHĐT, Bộ Tài chính, chúng tôi xem xét có cho phép họ tiếp tục được phân phối không, phân phối theo phương thức nào theo đúng quy định của pháp luật.

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng: Liên quan tới vấn đề nợ xấu, xu hướng tăng của nợ xấu, xin báo cáo, đến cuối tháng 6/2014, nợ xấu ở mức 4,17%, cao hơn mức 4,07% vào cuối tháng 5/2014 và mức 3,61% cuối năm 2013. Nguyên nhân nợ xấu gia tăng, xin điểm lại một số nguyên nhân như sau:

Thứ nhất, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, cho nên tới hạn trả nợ, nhiều doanh nghiệp không có khả năng trả nợ, dẫn đến số nợ xấu tăng lên, trong khi khả năng tín dụng mở rộng còn hạn chế do sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn hạn chế.

Thứ hai, vừa qua, NHNN ban hành Thông tư 09 về phân loại nợ cũng như quy định trích lập dự phòng rủi ro đối với nợ xấu. Mặc dù Thông tư này cho phép tiếp tục thực hiện cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Quyết định 780 ban hành từ năm 2012, tức là cho thực hiện tới 4/2015, nhưng Thông tư có những quy định theo hướng chặt chẽ để đảm bảo quá trình cơ cấu lại thời hạn trả nợ không bị lạm dụng. Theo quy định này, các TCTD phải có quy trình nội bộ để kiểm tra kiểm soát quá trình cơ cấu lại thời hạn trả nợ, báo cáo NHNN trường hợp cần thiết… Trong Thông tư này, phạm vi phân loại nợ cũng rộng hơn trước, bao gồm cả phạm vi đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp. Cho nên, nhìn vào mặt tử số là nợ xấu thì hoạt động sản xuất kinh doanh còn khó khăn, trong khi dư nợ tín dụng khó mở rộng do điều kiện sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn thấp.

Về quá trình xử lý nợ xấu, trong 8 tháng đầu năm, NHNN tiếp tục tích cực chỉ đạo các TCTD tăng cường trích lập dự phòng rủi ro và sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu. 8 tháng vừa qua, các TCTD cũng tích cực xử lý nợ xấu. Số liệu của 6 tháng 2014 cho thấy, các TCTD xử lý được tổng số nợ xấu khoảng 33.000 tỷ đồng, trong đó có thu nợ từ khách hàng, bán phát mại tài sản đảm bảo của các khoản nợ và xử lý bằng nguồn dự phòng rủi ro.

Thứ hai, về bán nợ cho VAMC, từ 10/2013, VAMC đã mua được với trị giá số dư nợ khoảng 55.000 tỷ đồng và sẽ tiếp tục cho tới hết 2014, dự kiến mua được khoảng 70-100.000 tỷ đồng nợ xấu. Phải nói rằng, VAMC không phải “đũa thần”. Tôi cho rằng trong điều kiện của Việt Nam, nợ xấu vẫn là hệ lụy tích lũy từ nhiều năm, bây giờ xử lý nợ xấu lại không có tiền từ ngân sách, cho nên phương án để xử lý nợ xấu qua thành lập các công ty VAMC để mua lại nợ của các TCTD, giúp các TCTD có thể làm sạch bản cân đối của mình và tiếp tục các hoạt động cho vay.

VAMC cũng phối hợp với TCTD cơ cấu lại các khoản nợ cho doanh nghiệp và có thể giảm lãi suất cho doanh nghiệp. Như vậy, bản thân doanh nghiệp cũng được hưởng lợi từ việc xử lý nợ xấu.

Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các TCTD tăng cường trích lập dự phòng rủi ro và sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu. NHNN cũng đang phối hợp với các bộ, ngành chức năng để rà soát lại những vướng mắc cho Nghị định 53 về xử lý nợ xấu của Chính phủ, để sửa đổi, làm sao tháo gỡ khó khăn cho quá trình xử lý nợ xấu..

NHNN sẽ tiếp tục rà soát quá trình xử lý nợ xấu và có thể có những kiến nghị đề xuất làm sao đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu.

Phóng viên báo Infonet: Dự thảo Nghị định về kinh doanh casino đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến các thành viên Chính phủ và các bộ, ban, ngành. Trong dự thảo có điều kiện người Việt đủ 21 tuổi có thể chơi ở casino. Quan điểm của Chính phủ về việc này ra sao? Khi nào Bộ Tài chính sẽ trình dự thảo Nghị định cuối cùng lên Chính phủ để được phê duyệt?

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu: Hiện tại chúng ta đã có một số trung tâm hoạt động theo hình thức casino. Để hoàn thiện hệ thống pháp lý về việc này, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ Tài chính chủ trì dự thảo Nghị định và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xin ý kiến. Sau khi thảo luận, Ủy Ban thường vụ Quốc hội đã có thông báo đồng ý để Chính phủ ban hành Nghị định về hoạt động casino. Đây là hoạt động hết sức nhạy cảm đối với chúng ta. Nhiều nước trên giới đã có lâu rồi, nhưng chúng ta cần hết sức thận trọng. Dự thảo đã được đăng trên website lấy ý kiến. Đã có rất nhiều ý kiến theo nhiều chiều, quan điểm trái ngược nhau, ủng hộ cũng nhiều, phản đối có và tham gia chỉnh sửa cũng có. Chúng tôi rất lắng nghe đóng góp ý kiến của các nhà quản lý, các chuyên gia và mọi tầng lớp nhân dân trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như trên các website. Chúng tôi đã tập hợp ý kiến và sẽ hoàn thiện lại dự thảo. Tôi lưu ý có một số thông tin về 15 triệu thu nhập/tháng hay vé vào 1 triệu đều là suy đoán. Dự thảo được đăng công khai và chưa có thông tin đó.

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến, chúng tôi sẽ báo cáo cơ quan có thẩm quyền, sau đó mới hoàn thiện trình Chính phủ xem xét. Chúng ta phải thực hiện việc này rất thận trọng, qua nhiều khâu theo quy trình ban hành văn bản pháp luật.