Hợp ca

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vào cùng thời điểm, Nga và Trung Quốc đều dùng ngôn từ to tát phê phán Mỹ. Trung Quốc cáo buộc Mỹ làm gây mất an ninh và ổn định ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nga thậm chí còn cho rằng Mỹ gây tổn hại tới hoà bình và ổn định của cả thế giới.

Những phê trách Mỹ của hai nước này đều chính thức, công khai và ở cấp cao. Không có bằng chứng gì cho thấy họ phối hợp hành động nhưng khả năng ấy cũng không thể hoàn toàn bị loại trừ. Những cáo buộc và phê trách của Nga và Trung Quốc khiến bên ngoài rất chú ý nhưng không khiến Mỹ bất ngờ. Và điều khiến Mỹ sẽ phải lo ngại nhiều nhất nếu Nga và Trung Quốc cùng cất tiếng trong một hợp ca.

Cả Nga và Trung Quốc đều có lý do để buộc phải thể hiện thái độ như vậy. Mỹ giúp Nhật Bản tăng cường tiềm lực quân sự và quốc phòng, qua đó đương nhiên được lợi ở khu vực trong những trường hợp cần đến tiềm lực ấy để đối phó với Trung Quốc. Sự hợp tác và giúp đỡ của Mỹ dành cho Nhật Bản lại không đơn lẻ và nhất thời mà liên tục và có hệ thống, theo chiến lược dài hơi và bài bản. Đối với Nga, Mỹ vẫn cùng EU tiếp tục những biện pháp trừng phạt Nga, vẫn xung khắc với Nga trong những vấn đề động chạm trực tiếp đến lợi ích chiến lược của Nga như ở Syria hay trong vấn đề hạt nhân của Iran.

Vì thể diện và vì cần phải răn đe, cảnh báo Mỹ, Nga và Trung Quốc không thể không hành xử như thế. Nhưng cũng lại phải thấy họ có thể hành xử như thế. Dẫu găng nhau đến mấy, thậm chí cả khi đối đầu nhau trên lĩnh vực này hay lĩnh vực khác, những nước lớn này vẫn phải để ngỏ cửa để xuống thang và duy trì hợp tác với nhau vì phụ thuộc nhất định vào nhau. Phê trách nhau như thể để nhắc nhở nhau chớ vượt quá giới hạn. Sau lần này, chắc Mỹ phải thận trọng hơn bởi khả năng Nga và Trung Quốc liên thủ, bất lợi cho Mỹ dễ xảy ra hơn là khả năng Mỹ liên thủ được với một trong hai còn lại bất lợi cho nước kia.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần