Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bắt tay Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra khi bà Yingluck Shinawatra thăm Việt Nam tháng 11/2011. (Ảnh: Đức Tám/TTXVN)
Thông tin của Cục quan hệ công chúng (PRD) và hãng thông tấn Thái Lan cho hay, trong cuộc họp Nội các chung giữa Việt Nam và Thái Lan, diễn ra từ 26-27/10 tại Hà Nội, dự kiến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Yingluck Shinawatra sẽ trao đổi quan điểm về khả năng nâng cấp quan hệ hai nước lên tầm đối tác chiến lược.
Theo báo chí và các phương tiện thông tin Thái Lan, tại cuộc họp, hai bên sẽ thảo luận về thúc đẩy hợp tác kinh tế như buôn bán gạo cùng các biện pháp nâng giá trị thương mại hai chiều lên 20% vào năm 2015.
Tờ Bưu điện Bangkok nói rằng tại cuộc họp này, Thái Lan sẽ đề nghị Việt Nam hợp tác để thành lập Hiệp hội sản xuất và buôn bán gạo, nhằm tăng khả năng mua bán và ổn định giá cả trong các nước ASEAN. Kế hoạch này xuất phát từ việc Chính phủ Thái Lan gần đây đã đưa ra sáng kiến hợp tác về lúa gạo với Myanmar và các nước sản xuất gạo khác trong khu vực Đông Nam Á.
Việt Nam đã nhất trí trên nguyên tắc về hợp tác lúa gạo tại cuộc gặp đầu tiên của Ủy ban thương mại chung hai nước, được tổ chức tại Hà Nội hồi tháng 7/2012. Việc hợp tác này là một phần trong Chiến lược hợp tác kinh tế ba dòng sông Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong.
Hai bên dự kiến sẽ xem xét một loạt các vấn đề liên quan tới nghề cá, an ninh, hợp tác giải quyết nạn buôn bán người và tăng cường hợp tác giáo dục và văn hóa. Thái Lan cũng sẽ đề nghị Việt Nam tham gia việc thiết lập sự kết nối vận tải hàng hóa thông qua đường 8 và đường 12 giữa miền Đông Bắc Thái Lan, miền Trung của Lào và Việt Nam, nhằm gia tăng thương mại giữa ba nước.
Tại buổi thông báo tình hình với báo chí liên quan tới cuộc họp Nội các chung Việt Nam-Thái Lan ngày 22/10, người phát ngôn Chính phủ Thái Sansanee Nakpong cho biết dự kiến việc thành lập Hội đồng kinh doanh Việt Nam-Thái Lan, với mục tiêu nâng giá trị thương mại giữa hai nước lên 20% hàng năm từ nay tới năm 2015, sẽ được đề xuất trong cuộc họp lần này.
Hội đồng kinh doanh có nhiệm vụ xem xét làm thế nào để thắt chặt quan hệ hợp tác và tăng cường kết nối vận tải giữa Việt Nam và Thái Lan.
Năm ngoái, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Thái Lan đạt 9,08 tỷ USD, tăng 25,5% so với năm 2010, trong đó xuất khẩu của Thái Lan vào thị trường Việt Nam đạt 7,05 tỷ USD. Thái Lan hiện có 244 dự án đầu tư vào Việt Nam, trị giá 5,81 tỷ USD, xếp thứ 10 trong số các nước đầu tư vào Việt Nam. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ tư của Thái Lan trong ASEAN.
Theo tờ Dân tộc, các vấn đề kinh tế sẽ là chủ đề được quan tâm, nhất là buôn bán gạo, trong bối cảnh Việt Nam và Thái Lan hiện là những nước sản xuất gạo hàng đầu trên thế giới. Dự kiến nội dung hợp tác trong xuất khẩu lúa gạo giữa các nước ASEAN, vấn đề hợp tác kết nối khu vực (hành lang kinh tế Đông-Tây) thông qua các tuyến đường 9, 8 và 12 sẽ được đưa ra thảo luận.
Hai bên cũng thảo luận về việc kết nối vận tải trong khu vực và các vấn đề hợp tác cần thiết trong các quan hệ ASEAN-Trung Quốc. Thái Lan hiện là nước điều phối quan hệ ASEAN-Trung Quốc.
Bên cạnh việc thảo luận trong lĩnh vực an ninh, chính trị giữa hai bên và tăng cường hợp tác trong việc giải quyết các vấn đề liên quan tới nạn tội phạm xuyên biên giới và đánh cá trái phép, hai bên sẽ thảo luận việc hợp tác về lao động, trao đổi văn hóa, ký thỏa thuận thành lập Hội đồng kinh doanh Việt Nam-Thái Lan.
Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Thái Lan đã được mở rộng trên nhiều lĩnh vực và các mối quan hệ thân hữu hiện nay không những có lợi cho hai nước mà còn có lợi cho toàn khu vực ASEAN nói chung.