Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hợp tác bền chặt trong cung ứng thực phẩm an toàn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau một năm triển khai kết nối giao thương, chương trình hợp tác xúc tiến thương mại (XTTM) nông sản giữa Sở NN&PTNT Hà Nội và các tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Các mặt hàng nông sản thực phẩm vùng miền đưa về thị trường Thủ đô gia tăng cả về số lượng lẫn chất lượng.

Mở rộng hợp tác

Càng về sau của chương trình hợp tác, các lĩnh vực phối hợp hành động giữa Hà Nội và các tỉnh càng được mở rộng hơn. Đơn cử, trong lĩnh vực phòng chống dịch bệnh và kiểm soát giết mổ, năm 2015, Chi cục Thú y Hà Nội ký kết hợp tác với 8 tỉnh phía Bắc, nâng tổng số địa phương hợp tác trong lĩnh vực này lên con số 25. Nhờ sự phối hợp chặt chẽ, việc cấp giấy kiểm dịch thú y đi các tỉnh đã chấn chỉnh được những thiếu sót, vi phạm. Trong lĩnh vực quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản và ATTP, đến nay Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội đã ký kết hợp tác với 19 Chi cục tương đương của các tỉnh, TP.
Cam Vinh (Nghệ An) được giới thiệu tại thị trường Hà Nội. 	Ảnh: Quang Thiện
Cam Vinh (Nghệ An) được giới thiệu tại thị trường Hà Nội. Ảnh: Quang Thiện
Trong năm 2015, nhiều sản phẩm rau, thịt được kiểm soát theo chuỗi từ các tỉnh được đưa về tiêu thụ trên thị trường Hà Nội. Đặc biệt, Trung tâm XTTM nông nghiệp Hà Nội đã hợp tác với 25 tỉnh, thành đưa sản phẩm về Hà Nội giới thiệu và tiêu thụ. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã tổ chức 12 đoàn cán bộ quản lý, cơ sở sản xuất kinh doanh, DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đi kết nối giao thương tại 18 tỉnh, thành trên cả nước như Tuyên Quang, Phú Thọ, Tiền Giang, Vĩnh Long, TP Hồ Chí Minh… Qua đó đã có trên 100 lượt DN của Hà Nội hợp tác với các DN của các tỉnh, TP và ký kết được trên 40 hợp đồng liên kết cung ứng sản phẩm cũng như chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật. Bà Lê Thị Thanh Nhàn – Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lạng Sơn chia sẻ: “Việc Lạng Sơn đưa được sản phẩm na vào siêu thị của Hà Nội cũng giống như Việt Nam đưa được xoài, nhãn vào thị trường Nhật Bản”.

Tăng nhận diện sản phẩm

Điều đáng mừng nhất là, sau những cái “bắt tay”, nhiều tỉnh, TP đã quy hoạch các vùng sản xuất rau, thịt, cá an toàn để cung cấp cho thị trường Hà Nội. Trong đó phải kể đến HTX Hoa Đào (huyện Sa Pa – tỉnh Lào Cai) với quy mô 80ha rau an toàn; Tổ khuyến nông xã Hồ Sơn (huyện Tam Đảo – Vĩnh Phúc) với diện tích rau gần 60ha; vùng nuôi thủy sản lòng hồ Thung Nai (Hòa Bình)… Theo ông Trần Thanh Nhã – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, hoạt động XTTM trong lĩnh vực nông nghiệp của TP đã thực sự có nhiều đổi mới, kịp thời đưa đến đông đảo người tiêu dùng Thủ đô các nông sản an toàn. Bên cạnh đó, còn tạo điều kiện để Hà Nội và các tỉnh, thành trao đổi kinh nghiệm quản lý Nhà nước, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao.

Mặc dù vậy, lượng hàng hóa nông sản, thực phẩm từ các tỉnh đưa về Thủ đô ngày một lớn cũng đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết. Đó là một số sản phẩm nông, lâm, thủy sản tiêu thụ tại các điểm kinh doanh trong mô hình chuỗi nhưng chưa có nhãn hiệu, thông tin nhận diện, trong khi nhiều nông sản của các tỉnh có thương hiệu nhưng cũng chưa được nhiều người tiêu dùng Thủ đô biết đến. Chính vì vậy, ông Hoàng Thanh Vân – Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) đề nghị thời gian tới, Hà Nội cần làm mẫu về XTTM, từ phương pháp, cách làm đến cơ chế, chính sách khuyến khích để thu hút các tỉnh, thành sản xuất nông sản an toàn cho Thủ đô. Theo ông Vân, Sở NN&PTNT Hà Nội cần đề xuất TP xin cơ chế mỗi tuần mở một phiên chợ nông sản an toàn. Trong đó, các sản phẩm vào chợ phải được kiểm soát ATTP và được sản xuất theo quy trình VietGAP.

Ý tưởng mở các phiên chợ nông sản vùng miền tại Thủ đô đã nhận được sự tán đồng của Sở NN&PTNT cùng các DN của nhiều tỉnh, TP. Đây là hoạt động giúp cho người tiêu dùng Thủ đô nhận diện các sản phẩm an toàn, có thương hiệu của Hà Nội và các tỉnh, hạn chế tình trạng gian lận thương mại. Đặc biệt, các phiên chợ này còn góp phần đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, trong đó có nông sản thực phẩm an toàn.