Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hợp tác gắn với hội nhập và phát triển

Chia sẻ Zalo

KTĐT - 38 năm sau ngày miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, Thủ đô Hà Nội đã có bước phát triển vượt bậc về kinh tế - xã hội. Đạt được thành tựu đó, có sự đóng góp quan trọng của công tác ngoại giao nhân dân...

Hà Nội cởi mở, thân thiện

Hà Nội hiện có quan hệ hữu nghị, hợp tác với hơn 100 thủ đô, thành phố lớn của trên 50 nước, vùng lãnh thổ và tham gia nhiều tổ chức quốc tế có uy tín, như: Liên minh các thành phố lịch sử (LLC), Hiệp hội quốc tế thị trưởng các thành phố có sử dụng tiếng Pháp (AIMF), Mạng lưới chính quyền địa phương (CITYNET)… Năm 2012 và đầu 2013, trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, chính trị diễn biến phức tạp, Hà Nội vẫn đón tiếp hơn 100 đoàn khách quốc tế, với mục đích mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác, tìm kiếm cơ hội và thúc đẩy đầu tư. Trong đó, có những đối tác mới, như: Thị trưởng Tehran (Iran) - Mohammad Bagher Ghalibaf; Chủ tịch Nghị viện Berlin (CHLB Đức); Chủ tịch Hội đồng thành phố Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ) - Ali Ihsan Olmez; Tổng giám mục Leopoldo Grielli, Đại sứ Tòa thánh Vatican tại Singapore và khối Asean… Các buổi gặp gỡ đều diễn ra trong bầu không khí cởi mở, thân thiện, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển.

Thành phố đã tổ chức hơn chục đoàn đại biểu cấp cao đi Lào, Campuchia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… để tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác trên các lĩnh vực: Phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải, du lịch, tài chính ngân hàng, y tế… Và vượt qua nhiều quốc gia, Hà Nội chính thức được lựa chọn đăng cai Đại hội Thể thao Châu Á lần thứ 18, được tổ chức vào năm 2019.

Hợp tác gắn với hội nhập và phát triển - Ảnh 1

Thủ tướng Ukraine Mykola Yanovych Azarov tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Nhiều thành tựutrong hợp tác, phát triển

Đến nay, Hà Nội đã thu hút 2.700 dự án của các doanh nghiệp đến từ  41 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, với tổng vốn đăng ký đầu tư  là 25,2 tỷ USD, đứng thứ 3 và chiếm 17% về số dự án và 11% vốn đăng ký đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của cả nước. Hàng năm, các doanh nghiệp FDI đóng góp khoảng 16% GDP, 35% xuất khẩu và khoảng 10% thu ngân sách của thành phố. Hà Nội cũng đang triển khai 88 dự án ODA, với giá trị tài trợ ước trên 3,2 tỷ USD, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực phát triển hạ tầng giao thông (chiếm 65%); cấp và thoát nước: 30,7%, còn lại là lĩnh vực: môi trường, y tế, giáo dục - đào tạo… Các tổ chức phi Chính phủ chọn Hà Nội là nơi để thực hiện 40 dự án, trị giá 3,4 triệu USD, tập trung trong lĩnh vực xã hội và xử lý môi trường… Năm 2012, Hà Nội được nhận giải thưởng là 1 trong 10 thành phố khu vực châu Á - Thái Bình Dương sử dụng có hiệu quả chi phí đầu tư (tại Hội nghị thị trưởng các thành phố trên thế giới tháng 7/2012 tổ chức ở

Singapore).

Kỷ niệm 38 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2013), nhớ lại những năm 80 của thế kỷ trước, lúc đất nước khó khăn, quan hệ đối ngoại chùng xuống, bị cấm vận… những con số nêu trên đã nói bao điều thật ý nghĩa. Là nước nông nghiệp, nhưng đã có thời điểm nhân dân ta thiếu đói, thiếu gạo ăn… Vượt qua muôn vàn khó khăn, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta đã thực hiện thành công công cuộc đổi mới, giành nhiều thành tựu quan trọng, đưa Việt Nam khỏi thế cô lập, trở thành nước phát triển năng động, xuất khẩu gạo đứng hàng đầu thế giới, khiến bạn bè quốc tế ngưỡng mộ và nể phục. Vượt qua cơn "bĩ cực" đó, có sự đóng góp quan trọng của Thủ đô Hà Nội.

Từ chỗ chỉ có một cây cầu Long Biên vắt qua sông Hồng - biểu tượng lịch sử cả 100 năm, Thủ đô Hà Nội đã có thêm những cây cầu mới:  Thăng Long; Chương Dương, Vĩnh Tuy, Thanh Trì… Hơn chục năm trở lại đây, Hà Nội đã năng động bứt phá, quy hoạch xây dựng 8 cây cầu bê tông vĩnh cửu; hình thành các con đường có tầm vóc như đại lộ Thăng Long, đường Vành đai 3 và đang hình thành những tuyến đường sắt  đô thị ngầm - nổi, với kỹ thuật hiện đại hàng đầu thế giới… Vóc dáng của Thủ đô Hà Nội hôm nay đã lớn mạnh, khang trang, hiện đại và có quy mô đứng trong Top 17 thủ đô có diện tích lớn nhất thế giới, với số dân ước gần 7 triệu người; kinh tế nhiều năm đạt mức tăng trưởng cao, thu ngân sách đạt 146.513 tỷ đồng, đóng góp 19,4% vào ngân sách đất nước, xứng đáng là trái tim của cả nước, nơi trung tâm chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và quan hệ đối ngoại sôi động nhất cả nước.

Kết quả đó được bắt nguồn từ nội lực của Thủ đô và sự hỗ trợ của T.Ư, các tỉnh, thành phố và bạn bè quốc tế. Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội (khóa XII) đã ban hành Chỉ thị số 27-CT/TU về "Mở rộng và đổi mới hoạt động đối ngoại nhân dân"; và Chỉ thị 04-CT/TU ngày 23/8/2006 về việc "Tăng cường và mở rộng công tác đối ngoại nhân dân"… Công tác đối ngoại nhân dân đã góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Thủ đô Hà Nội với thủ đô và thành phố nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội và nâng cao vị thế của Thủ đô Hà Nội trên trường quốc tế.

Mới đây, trong buổi gặp gỡ 21 vị đại sứ, tổng lãnh sự Việt Nam mới được bổ nhiệm đi làm nhiệm vụ quốc tế, Phó Chủ tịch TP Nguyễn Thị Bích Ngọc tiếp tục khẳng định: TP Hà Nội luôn mong muốn, mở rộng quan hệ, hợp tác hữu nghị với thủ đô, thành phố với các nước trên thế giới. Đồng chí cũng gửi gắm và tin tưởng với sự quan tâm đầy trách nhiệm của các vị đại sứ và tổng lãnh sự, Hà Nội sẽ có thêm một kênh quảng bá, hợp tác đầy hiệu quả trong sự nghiệp phát triển Thủ đô.