Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hợp tác kinh tế Nam – Nam: Nhiều cơ hội cho Việt Nam

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 19 - 20/11, tại TP Hồ Chí Minh, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) tổ chức "Diễn đàn phát triển kinh doanh và hợp tác Nam - Nam giữa các nước Châu Phi và các nước Mê Kông pháp ngữ".

Diễn đàn có sự tham gia của gần 200 đại biểu đến từ các quốc gia thành viên trong cộng đồng Pháp ngữ khu vực Châu Phi và tiểu vùng sông Mê Kông như: Benin, Bờ biển Ngà, Niger, Burkina Faso, Senegal, Mali, Tchad, Pháp, Burundi, Lào, Campuchia, Việt Nam.

Đây chính là cơ hội để cơ quan xúc tiến đầu tư, thương mại và các chủ doanh nghiệp của hai khu vực trao đổi, thảo luận và tìm kiếm giải pháp cụ thể nhằm tăng cường hợp tác trao đổi thương mại, chuyển giao công nghệ, khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp.

 
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Theo báo cáo tại diễn đàn, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Châu Phi đang tăng nhanh theo từng năm, đặc biệt đối với khu vực các nước thành viên thuộc cộng đồng kinh tế và tiền tệ Trung Phi (CEMAC), Liên minh kinh tế và tiền tệ Tây Phi (UEMOA). Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang hai thị trường này là gạo và sản phẩm dệt may, thủy hải sản, linh kiện điện tử, linh kiện ô tô, xe máy, máy móc trang thiết bị, phụ tùng... Còn Việt Nam nhập khẩu chủ yếu là hạt điều, các sản phẩm gỗ, bông, sắt thép phế liệu. Năm 2014, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và các nước thuộc UEMOA đạt trên 854 triệu USD, với CEMAC đạt trên 340 triệu USD.

Ông Hoàng Đức Nhuận - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á thuộc Bộ Công Thương cho biết: “Triển vọng hợp tác giữa Việt Nam - UEMOA - CEMAC trong thời gian tới chắc chắn sẽ có nhiều tín hiệu vui. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp trong nước ngày càng quan tâm đến những tiềm năng kinh tế, thương mại của các nước UEMOA, CEMAC. Số lượng các sản phẩm trao đổi ngày càng đa dạng với giá trị ngày càng lớn. Những lĩnh vực hợp tác đầu tư trong tương lai Việt Nam cần đẩy mạnh sẽ là sản xuất hàng dệt may, chế biến gỗ, chế biến nông thủy hải sản. Ngoài ra cần chú trọng trong việc thăm dò và khai thác dầu khí, khoáng sản; lĩnh vực viễn thông; sản xuất hóa chất, phân bón; thiết bị và máy nông nghiệp; sản xuất xe máy, vật liệu xây dựng”.