Đổi mới từ sản xuất
Sau khi mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội có diện tích sản xuất nông nghiệp gần 300.000ha mỗi năm. Bởi vậy, việc phát triển các vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn theo hướng hàng hóa, trong đó có rau an toàn (RAT) được ngành nông nghiệp TP rất quan tâm. Đặc biệt, với sự ra đời của Đề án sản xuất và tiêu thụ RAT TP Hà Nội giai đoạn 2009 – 2015, sản xuất rau của Thủ đô đã có bước tiến bộ đáng kể.
Trên cơ sở Đề án được ban hành, Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội phối hợp với các huyện, thị xã tiến hành rà soát, định vị các vùng sản xuất RAT tập trung để quản lý, giám sát và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP. Nhờ đó, diện tích RAT tăng dần, ngoài các vùng rau truyền thống như Văn Đức (Gia Lâm), Vân Nội (Đông Anh), Duyên Hà (Thanh Trì), nhiều vùng RAT tập trung cũng hình thành ở các huyện Thường Tín, Thanh Oai, Ba Vì, Hoài Đức…
Theo thống kê của Sở NN&PTNT, từ đầu năm đến nay, toàn TP đã rà soát, định vị được trên 500ha RAT, nâng tổng số diện tích RAT lên 5.500ha, trong đó có 170ha rau sản xuất theo hướng VietGAP và trên 20ha rau hữu cơ. Công tác gắn nhãn nhận diện nguồn gốc xuất xứ sản phẩm và xây dựng nhãn hiệu chứng nhận “Rau an toàn Hà Nội” được quan tâm hơn. Từ diện tích thí điểm 250ha tại xã Văn Đức (Gia Lâm) năm 2011, đến nay, Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội đã nhân rộng chương trình gắn tem nhận diện RAT ra các vùng rau khác như Tráng Việt (Mê Linh) 50ha, Thanh Đa (Phúc Thọ) 50ha… Qua đó, giúp người tiêu dùng dễ nhận biết, tìm mua đúng sản phẩm đảm bảo chất lượng.
Điều đáng mừng, Chương trình sản xuất, tiêu thụ RAT đã và đang nhận được sự đồng hành của nhiều DN. Hiện có hơn 10 DN trên địa bàn TP tham gia, với sản lượng tiêu thụ bình quân 500 – 700 kg/ngày, cao điểm lên tới 1.500 – 2.000 kg/ngày.
Cùng với RAT, việc đẩy mạnh phát triển các mô hình, chuỗi sản xuất cung ứng thịt an toàn được chú trọng triển khai. Ông Tạ Văn Tường – Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội cho biết, đến nay, toàn TP đã hình thành 13 xã chăn nuôi lợn trọng điểm với tổng đàn lợn khoảng 170.000 con, 29 xã chăn nuôi gia cầm trọng điểm với tổng đàn 5,2 triệu con. Đặc biệt, trên địa bàn TP đã hình thành được gần 20 chuỗi chăn nuôi – tiêu thụ sản phẩm cả về thịt lợn, gia cầm và sữa. Trung bình mỗi ngày, các chuỗi liên kết tham gia tiêu thụ gần 400.000 quả trứng, 33 tấn thịt lợn và gia cầm…
Có thể nói, với sự quan tâm hỗ trợ của TP và trách nhiệm xã hội cao, các chuỗi liên kết đã thu hút được ngày càng nhiều DN tham gia từ cung ứng vật tư đầu vào đến sản xuất, giết mổ, chế biến và tiêu thụ.
Thời gian qua, Trung tâm Phát triển chăn nuôi và Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội thường xuyên làm việc, tư vấn cho các địa phương xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm lợn sinh học, gà đồi, vịt cỏ… tại các huyện Ba Vì, Sóc Sơn, Thanh Oai, Ứng Hòa và thị xã Sơn Tây. Đồng thời tổ chức cho người tiêu dùng tham quan, tiếp cận được các sản phẩm thịt đảm bảo ATTP, có truy xuất nguồn gốc. “Tất cả các sản phẩm đưa vào chuỗi phải đảm bảo quy trình an toàn tuyệt đối” – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết.
Tăng cường hợp tác
Với dân cư đông đúc, nhu cầu tiêu dùng thịt các loại của TP Hà Nội khoảng 800 – 1.000 tấn/ngày, nhu cầu rau, củ, quả lên tới 2.000 – 3.000 tấn/ngày. Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở NN&PTNT, lượng thực phẩm sản xuất tại chỗ chỉ đáp ứng được 52% thịt các loại, 55% rau củ tươi và 17% quả tươi. Số lượng thực phẩm phải nhập từ các tỉnh, thành trong cả nước và nhập khẩu của nước ngoài mỗi năm để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô ước khoảng 372.000 tấn thịt các loại, 455.000 tấn rau củ tươi.
Bởi vậy, việc hợp tác với các tỉnh, TP trong khu vực để cung ứng nguồn thực phẩm an toàn có ý nghĩa rất quan trọng.
Đến nay, Sở NN&PTNT Hà Nội đã ký thỏa thuận về hợp tác sản xuất và tiêu thụ RAT với 8 tỉnh cung cấp nhiều rau cho Thủ đô gồm Vĩnh Phúc, Lào Cai, Hưng Yên, Sơn La, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hòa Bình, Hà Nam. Các mặt hàng rau đưa về Hà Nội chủ yếu là đặc sản vùng miền như cải thảo, cà chua trái vụ, cải mèo, ngọn su su… Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, ngành nông nghiệp, trực tiếp là Trung tâm Xúc tiến thương mại Hà Nội đã làm việc với nhiều tỉnh như Tuyên Quang, Phú Thọ, Hưng Yên... để tìm các đầu mối cung cấp nông sản, thực phẩm an toàn cho TP.
Sự hợp tác giữa Hà Nội và các tỉnh trong lĩnh vực nông nghiệp được đánh giá là mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Đặc biệt, tham gia vào chương trình hợp tác, sản phẩm rau, thịt được kiểm soát theo chuỗi giá trị nên rất đảm bảo yêu cầu về ATTP.
Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, ông Nguyễn Văn Doanh – Giám đốc Sở NN&PTNT Hưng Yên cho biết, nông sản của tỉnh đã tiếp cận được thị trường Hà Nội vài năm nay như gà Đông Tảo, nhãn lồng, ngô ngọt… Sau khi tham gia vào chương trình hợp tác với Hà Nội, Hưng Yên đã chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở rộng các vùng, mô hình sản xuất an toàn nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường Thủ đô. Đặc biệt, củng cố các HTX và thu hút DN tham gia sản xuất, sơ chế, tiêu thụ sản phẩm nhằm đảm bảo quy trình ATTP.
Đáng mừng là, giờ đây, Hà Nội không còn đơn độc trong nhiệm vụ lo nguồn thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng Thủ đô khi Bộ NN&PTNT đã cùng vào cuộc. Điều đó được thể hiện qua việc thành lập Ban Điều phối chương trình phát triển chuỗi cung ứng rau, thịt an toàn cho TP, có sự tham gia của 21 thành viên là các sở NN&PTNT tỉnh, TP khu vực phía Bắc.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám khẳng định, việc chọn Hà Nội để triển khai Chương trình phát triển chuỗi cung ứng rau, thịt an toàn là nhằm giải quyết bức xúc về nguồn thực phẩm sạch cho cư dân đô thị. Trên cơ sở đó nhân rộng ra cả nước, từng bước tăng thị phần rau, thịt đưa từ chuỗi sản xuất, kinh doanh, có chứng nhận ATTP tới tay người tiêu dùng.
Thứ trưởng Vũ Văn Tám đề nghị, sở NN&PTNT các tỉnh, TP cung ứng rau, thịt sạch cho Hà Nội tổ chức lại sản xuất, hình thành các chuỗi liên kết, vùng sản xuất nguyên liệu đảm bảo ATTP. Đồng thời đề xuất UBND cấp tỉnh, TP ban hành chính sách hỗ trợ nhân rộng, phát triển các chuỗi ATTP đối với rau, thịt đưa về tiêu thụ tại Hà Nội.
Sản xuất rau an toàn tại thôn Tiền Lệ, xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức. Ảnh: Thiên Tú
|
Người tiêu dùng chọn mua thực phẩm tại siêu thị BigC. Ảnh: Việt Linh
|
Hiện nay, Công ty đang phối hợp với một số trang trại tại Hưng Yên sản xuất cung ứng ra thị trường 20 tấn thịt lợn mỗi tháng, nếu hoạt động hết công suất có thể đạt 100 tấn/tháng. Sản phẩm thịt được kiểm soát chặt chẽ từ chăn nuôi, giết mổ đến chế biến nên rất đảm bảo ATTP. Chúng tôi rất mong muốn được hợp tác với các DN của Hà Nội để đưa sản phẩm về tiêu thụ tại thị trường Thủ đô.
Ông Vũ Viết Thịnh Giám đốc Công ty CP Chăn nuôi và chế biến thực phẩm Hưng Yên
|
Thời gian tới, Sở NN&PTNT Hà Nội tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các vùng sản xuất RAT gắn với cơ sở sơ chế, chế biến và hướng dẫn các địa phương nằm trong quy hoạch vành đai rau xanh lập dự án sản xuất. Đồng thời, xây dựng và phát triển mạng lưới tiêu thụ RAT qua nhiều kênh đa dạng, phong phú để người tiêu dùng tiếp cận được RAT. Đặc biệt, Sở sẽ phân công nhiệm vụ cụ thể cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật ở các đơn vị tăng cường thanh, kiểm tra sản xuất, sơ chế, kinh doanh RAT, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội
|