Hợp tác nông nghiệp Hà Nội - Hà Nam: Cốt yếu là chất lượng sản phẩm

Thiên Tú - Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để chương trình hợp tác cung ứng, tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn từ Hà Nam về Hà Nội thành công, vấn đề quan trọng nhất là phải đảm bảo chất lượng, ATTP, truy xuất nguồn gốc.

Đó là nhận định của các đại biểu tại buổi làm việc giữa hai Sở NN&PTNT Hà Nội và Hà Nam về công tác xúc tiến thương mại nông nghiệp chiều 18/7.

Vẫn còn lấn cấn

Hà Nam là địa phương nằm ngay cửa ngõ phía Nam Thủ đô nên việc hợp tác phát triển kinh tế, trong đó có nông nghiệp đã được 2 địa phương quan tâm từ nhiều năm nay. Nhiều nông sản đặc sản của Hà Nam cũng đã tiếp cận thị trường Hà Nội thông qua một số kênh phân phối, bán lẻ, song với số lượng còn hạn chế. Tại buổi làm việc, đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp và các DN 2 địa phương đã cùng nhau trao đổi, thảo luận sôi nổi nhiều vấn đề còn vướng mắc trong việc liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn. Trong đó, mối quan tâm hàng đầu vẫn là chất lượng sản phẩm.
Một số sản phẩm đặc sản của tỉnh Hà Nam được giới thiệu tại hội nghị. Ảnh: Quang Thiện
Một số sản phẩm đặc sản của tỉnh Hà Nam được giới thiệu tại hội nghị. Ảnh: Quang Thiện
Ông Nguyễn Tiến Hưng - Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch BigGreen cho biết, mỗi tháng DN này đang tiêu thụ khoảng 3.500 nải chuối ngự Đại Hoàng, một loại quả đặc sản của tỉnh Hà Nam. Tuy nhiên, hạn chế là nhà cung cấp chưa đáp ứng được đơn hàng số lượng lớn và chưa có tem nhãn dán vào từng nải chuối để nhận diện sản phẩm. Bên cạnh đó, việc đưa đặc sản cá trắm kho làng Vũ Đại, huyện Lý Nhân về tiêu thụ tại Hà Nội cũng gặp không ít khó khăn do cơ sở chưa được cấp giấy chứng nhận ATTP. “Để chương trình hợp tác được bền vững, hiệu quả, cần phải tháo gỡ những vấn đề liên quan đến chất lượng sản phẩm” - ông Hưng chia sẻ.

Những băn khoăn của DN không phải là không có cơ sở, bởi nói như đại diện của Công ty CP VietRAP, đầu tư thương mại, kinh doanh thực phẩm sạch được ví như là “kinh doanh niềm tin”. Trong khi đó, kết quả giám sát chất lượng, ATTP của tỉnh Hà Nam cho thấy, vấn đề này cũng còn những hạn chế nhất định. Đơn cử, kết quả lấy mẫu giám sát của tỉnh vẫn phát hiện mẫu rau có dư lượng Nitra vượt giới hạn cho phép hay thịt lợn nhiễm Salmonella... Số HTX rau được cấp chứng nhận VietGAP còn ít và diện tích nhỏ lẻ.

Tạo điều kiện tối đa
Tại hội nghị, đại diện Sở NN&PTNT và các DN của Hà Nội và Hà Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực sản xuất, cung ứng tiêu thụ nông sản an toàn.

Với khoảng 10 triệu dân đang sinh sống, TP Hà Nội cần một nguồn thực phẩm khá lớn nhưng sản xuất tại chỗ mới chỉ đáp ứng được khoảng 40 - 50% nhu cầu. Do đó, việc hợp tác với các tỉnh, TP trong khu vực xây dựng các chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản thực phẩm an toàn cho Thủ đô được không chỉ TP mà Bộ NN&PTNT rất quan tâm. Tại hội nghị, hầu hết các ý kiến của DN và cơ quan quản lý của ngành nông nghiệp Hà Nội đều đề nghị các cơ sở sản xuất, HTX, DN của Hà Nam quan tâm đầu tư hơn về nâng cao chất lượng, cũng như bao bì, nhãn mác, hạ giá thành sản phẩm. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các nông sản an toàn tiếp cận thị trường Thủ đô ngày một rộng rãi hơn.

Trước những ý kiến này, bà Nguyễn Thị Vang - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nam khẳng định, có đảm bảo chất lượng nông sản, tạo được niềm tin của người tiêu dùng thì sản xuất và tiêu thụ mới bền vững. Do vậy, các DN, cơ sở sản xuất của tỉnh Hà Nam cần phải cam kết sản xuất theo đúng hợp đồng đã ký kết với các nhà phân phối của Hà Nội, tạo được chữ tín trong liên kết. Về phía trách nhiệm của mình, Sở NN&PTNT Hà Nam cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi về thủ tục, hỗ trợ kỹ thuật chứng nhận ATTP cho các cơ sở.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết, Hà Nội rất mong muốn đưa các sản phẩm nông nghiệp an toàn của các tỉnh đến với người tiêu dùng Thủ đô. Do vậy, Sở sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các DN của Hà Nội và Hà Nam tham gia các hội chợ, hội thảo, tìm kiếm đối tác liên kết. Đồng thời, tăng cường quảng bá, kết nối, mời gọi DN Hà Nội tiêu thụ nông sản an toàn cho tỉnh Hà Nam.