Huấn luyện viên "ảo": Chiến thuật mới của IS

Ngọc Lan
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đối mặt với việc bị thu hẹp lãnh thổ tại Iraq và Syria, tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã vận dụng chiến thuật mới dựa trên mạng xã hội.

Chuyên gia an ninh cho biết, trong những năm gần đây, các chiến binh thánh chiến đã thay đổi chiến thuật, sử dụng mạng xã hội làm “căn cứ” để tuyển mộ cũng như hướng dẫn thực hiện từ xa các âm mưu khủng bố ở châu Âu, châu Á và Mỹ.
Lần theo các dấu vết của nhiều âm mưu khủng bố, cả thành công lẫn bất thành, các chuyên gia an ninh phát hiện, các đầu mối đều dẫn đến những kẻ lên kế hoạch ở Syria. Chiến thuật chỉ đạo từ xa này khiến kẻ khủng bố có thể thực hiện các âm mưu tấn công ở nước ngoài. Trong khi đó, hạn chế thị thực và an ninh sân bay - công cụ hữu dụng ngăn chặn nạn khủng bố ngay trước khi bước vào quốc gia đã trở thành vô tác dụng.
 Mạng xã hội đang dần trở thành "căn cứ địa" của IS.
"Các chiến binh tại Syria cũng chính là những huấn luyện viên “ảo” trong quá trình tiến hành âm mưu khủng bố. Đường dây liên lạc trực tiếp diễn ra từng phút, thậm chí từng giây, trước khi thời điểm cuộc tấn công được tiến hành” - ông Nathaniel Barr, một nhà phân tích tại Trung tâm Valens toàn cầu cho biết. Bà Bridget Moreng, một nhà nghiên cứu về âm mưu khủng bố “ảo” cũng bày tỏ e ngại "chiến thuật này sẽ được tận dụng nhiều trong tương lai của IS”. 

Các nhà tuyển dụng của IS đang ẩn mình trong khoảng 2,3 tỷ tài khoản mạng xã hội tràn ngập trên internet với video tuyên truyền cho cuộc sống bên trong thánh địa để tuyển dụng các phần tử cực đoan tiềm năng, các nhà nghiên cứu khủng bố cảnh báo. Các chuyên gia an ninh đưa ra dẫn chứng, al-Amriki - một kỹ sư công nghệ thông tin tại Syria và Iraq ban đầu chỉ đăng các thông tin đe dọa phương Tây, nhưng đến năm 2015, tên này đã trở thành mối đe dọa đối với cả tình báo Anh và Mỹ khi ẩn thân trên mạng để tuyển dụng tình nguyện viên, "hoạch định các cuộc tấn công ở nước ngoài".
 Cảnh sát Indonesia trấn áp vụ khủng bố có liên quan đến IS ở Jakarta đầu năm 2016.
Trong khi đó, các cơ quan an ninh tại Đông Nam Á cũng cảnh báo, sự phát triển của mạng xã hội đã tạo ra một “cộng đồng thánh chiến” mới ở các quốc gia có đông dân số theo đạo Hồi như Indonesia và Malaysia. Chính phủ Indonesia đang được thúc giục phải nhanh chóng giải quyết sự gia tăng mối đe dọa từ những phần tử bị cực đoan hóa qua mạng xã hội. Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu chính sách xung đột (IPAC), sự phát triển của internet và mạng xã hội khiến người dân tham gia chủ động hơn vào các diễn đàn có nội dung cực đoan, tiếp cận nhiều hơn với các tài liệu tuyên truyền từ IS và tham gia vào mạng lưới khủng bố, tạo ra xu hướng “chiến binh mạng”.
Đối tượng dễ bị lôi kéo thường là các công nhân nhập cư. Bà Anis Hidayah - Giám đốc điều hành trung tâm chăm sóc người nhập cư Migrant Care cho biết, các công nhân nhập cư thường nằm trong tầm ngắm của những kẻ cực đoan, bởi họ là các đối tượng dễ tổn thương. “Không chỉ ở Indonesia, một số công nhân ở Hongkong và Đài Loan (Trung Quốc) đã bị cực đoan hóa và chúng tôi có các chỉ dấu cho thấy, con số thực tế lớn hơn nhiều lần được báo cáo” - bà Hidayah nói.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần